Tự lành

        Tự lành

         Một ngày ta bị gãy xương tay vì chút tai nạn trong đi đứng. Ngẫm thấy diễn biến sự việc của mình cũng có thể mang lại vài nghĩ suy bổ ích cho nhiều người, nên “độc thủ đại hiệp” ta ráng làm siêng ngồi gõ ra đây, với tấm lòng chân thành muốn chia sẻ “bí kíp” võ công vụn vặt của mình cho giang hồ võ lâm cùng ngẫm nghĩ.
          Khi nhiều người cùng bị chung một tai nạn nào đó, hãy quan sát thái độ phản ứng của từng người, ta sẽ thấy rõ thế gian nhiều hạng. Cùng là người, nhưng khoảng cách hiểu biết, đạo đức giữa người và người xa quá là xa!
         Khi tài xế xe buýt thắng gấp, hành khách đứng chen chúc trên xe ngã nhào. Lập tức tiếng nhiều người cất lên, chia thành mấy “làn sóng” chửi rủa.
         – Làn sóng chửi rủa thứ nhất là của tài xế và những người ngồi phía trước trong xe, cùng chứng kiến sự việc, cho rằng đối phương có lỗi. Ít ai trên đời thấy lỗi của mình và dù có thấy thì cũng tìm cách đổ nó về phía đối phương. Cánh tài xế thì chửi mỗi khi có sự cố đã là thói quen trên tay lái; còn hành khách – những người “khi lên xe là cùng một hướng” – do tập quán bầy đàn, đã sẵn sự chia phe, cũng đương nhiên đứng về “phe mình”, do vậy phải hòa âm cùng chửi đối phương thôi, đó là “nhu cầu” gây hấn, bắt nạt của bản năng con người. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
– Làn sóng chửi rủa thứ hai là của hành khách trên xe, chửi ngay tài xế xe mình, thủ phạm gây ra tai nạn. Đây là những người có óc “nguyên tắc” khi qui trách nhiệm. Không cần biết lý do gì, anh là tài xế, lái xe có xảy ra việc chi thì trách nhiệm cứ thuộc về anh trước đã, chửi anh cái cho chắc! (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
– Làn sóng chửi rủa thứ ba là của nhân dân, chửi rủa đồng bào bên cạnh, những người đã trực tiếp va chạm vào mình. Không cần phân biệt đúng sai, không cần biết do cố tình hay vô ý, không cần biết nguyên nhân gì, “không cần biết em là ai”, hễ em đụng đến tôi là tôi xử em liền kẻo nguội. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Tóm lại, tất cả các làn sóng chửi rủa, dù phát thanh từ tần số nào (lầu lầu hay gầm quát) đều xuất phát từ “đài tiếng nói… của những người hung dữ”! Luôn chực sẵn sự tấn công người khác. Những người ấy nếu bị ai quăng cục lửa vào người, phản ứng đầu tiên của họ chắc là nhào tới đánh ngay kẻ quăng cục lửa trước khi lo dập tắt lửa cháy trên mình. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Ngoài các làn sóng chửi rủa, còn có một làn sóng ngầm, đó là sự im lặng của những người điềm tĩnh. (Đương nhiên không phải ai im lặng cũng là điềm tĩnh, trong số đó ắt cũng lắm người đang dậy sóng chửi rủa hoặc kêu than ầm ập trong người, nhưng không lên tiếng vì nhiều lý do). Họ im lặng vì biết chấp nhận mọi việc, im lặng vì biết điều, im lặng lo bảo vệ mình…. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Và xin được ghi ra đây sự im lặng của mình.

             Khi cú va đập bất ngờ làm mình bị chấn thương, ngay lúc đó mình đã không biết gì đến xung quanh ngoài việc lắng nghe mình. Trong lúc bất ngờ như thế, ta mới hiểu ra mình rõ nhất. Hóa ra hằng ngày ta huênh hoang bao điều tốt đẹp, luôn ý thức buông bỏ sự vị kỷ, làm được đôi điều vì người quên mình là ta đã tưởng ta ngon, đã biết vượt qua mình. Nào ngờ khi gặp chuyện, mới hay cái bản năng vị kỷ vẫn còn nguyên một khối. Ta không quan tâm xem quanh mình có ai bị sao không, chỉ chăm chú lắng nghe cơn đau lạnh người từ cổ tay bị gãy, rồi thầm lo lắng một cách bình tĩnh rằng tay mình dù có bị gãy làm mấy khúc cũng không đáng lo bằng cú ép ngực có thể gây tổn thương tim phổi… Tóm lại, lúc đó ta chỉ nghĩ đến mình. Mới hay rằng từ ý nghĩ (nhận biết được điều tốt), lời nói (phát biểu những lời hay), hành động (có vài ứng xử tử tế) đến sự thật (chuyển hóa) là còn xa lắm lắm. Ta đã không phiền trách, sân si chửi rủa như những người kia, nhưng ta chỉ dừng ở mức chỉ biết có mình.
              Một bài học nữa cho tính tự tin: Lâu nay ta luôn tự tin rằng mình là người cẩn thận, ý tứ trong cách đi đứng. Ta thường mắng con, trách bạn vụng về hậu đậu trong các sinh hoạt hằng ngày. Giờ mới thấm cái điều không có gì lạ là: trăm lần cẩn thận cũng có một lần sơ ý. Dù biết rằng có những tai nạn do nghiệp mà ta không thể tránh khỏi, nhưng cũng không vì thế mà đổ thừa, viện cớ phủ nhận sự bất cẩn của mình. Biến chứng của lòng tự tin là tính tự mãn, mà khi tự mãn là ta đã tự đúc tượng mình: “chết” ngay khi còn sống, không thể hoàn thiện và phát triển được nữa.
              Khi sống trong sự lo lắng trầm trọng của người thân, ta mới thấy rõ rằng con người quan tâm chiều chuộng quá mức cần thiết đến thân xác. Tại sao ta cứ phải uống thuốc giảm đau nếu còn có thể chịu đựng được cơn đau? Tại sao ta cứ phải nghỉ ngơi, để người khác phục vụ mình khi mình còn có thể tự lo được? Con người thích được phục vụ, thích được sai khiến người khác, lấy đó làm niềm sung sướng hạnh phúc. Khi đối diện với tai nạn, bệnh tật, cái can đảm cần thiết là ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật, rằng ta phải biết ăn năn, xấu hổ vì đó là Quả của một cái Nhân xấu mà ta đã gieo, hãy vui vẻ chấp nhận, không than trách. Phải biết hạn chế những nhu cầu làm phiền người khác của mình, biết nghiêm khắc với cảm thọ của mình. Tại sao ta cứ chăm chú lắng nghe những nhu cầu nhõng nhẽo của cơ thể, cứ chăm chú chiều chuộng những cơn đau? Nếu biết tự vực dậy, đừng quá nuông chiều theo cảm thọ thì khả năng chịu đựng và vượt qua bệnh tật của con người tốt hơn nhiều.
             Thật tệ khi có những người lợi dụng cái bệnh của mình để được phục vụ. Thật tệ khi có những người làm trầm trọng thêm, quan trọng hóa bệnh tật của mình. Mình nhớ có lần nghe kể hòa thượng Thích Thanh Từ đã khuyên đệ tử không nên cạo gió để lại dấu vết trên người, trên mặt, nơi mà người khác có thể nhìn thấy. Hòa thượng gọi đó là “biểu diễn cái bệnh” của mình ra. Con người luôn có nhu cầu được hưởng thụ mà không nghĩ đến qui luật nhân quả. Khi ta biết nhận thì cũng phải biết cho. Nhận mà không nghĩ đến cho thì là ăn gian quá đỗi! Có một nghi thức trong đám tang: Khi người viếng đến trước quan tài xá lạy người chết thì người thân trong nhà phải thay mặt cho người chết xá lạy trả lễ, vì người chết không còn cơ hội để “cho” ai điều gì nữa, nên một cái xá lạy cũng không dám “nhận”. Mong rằng ngay bây giờ, khi chưa nằm trong quan tài, chúng ta hãy biết sợ điều này: Biết sợ mình vay của mọi người, của cuộc đời nhiều quá mà chưa trả được, biết sợ mình mắc nợ…
          Mọi vết thương, bệnh tật đều có nghiệp quả của nó. Nó sẽ không thể lành nếu không có sự hiểu biết, nỗ lực cố gắng của chính bản thân ta.
         Làm gãy cái tay này thì ai cũng có thể làm được, nhưng làm lành cái tay này nếu ta không làm thì không ai có thể làm. 
         Một cái tay gãy thì dễ dàng nhận ra, nhưng một cái tâm ẩn chứa nhiều tật bệnh thì rất khó nhận ra.
         Khi biết mình còn có những khiếm khuyết, bệnh tật ở THÂN cũng như TÂM, hãy sáng suốt, cố gắng, kiên trì, quyết tâm chữa trị bằng tất cả ý chí và nỗ lực của chính bản thân mình, để tự lành.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *