Deprecated: Function session_register() is deprecated in /home/thunguye/public_html/functions.php on line 91
Thu Nguyet Personal Site - Nhật ký tác giả
 
T
R
A
N
G
C
H
Thơ Thu Nguyệt
Văn Thu Nguyệt
Nhật ký tác giả
Viết về tác phẩm TN
Phim về Thu Nguyệt
Tác phẩm Đặng Ca Việt
 
 
Giới thiệu
Ai ơi về
ĐỒNG THÁP MƯỜI...
ĐỊA CHỈ
QUÁN CƠM CHAY
QUÁN ĂN CHAY

Quảng Cáo
Khu nghỉ dưỡng & điều trịỊ
THIỀN TÂM
Nhật ký tác giả - Xem nội dung nhật ký
Ghi chép tháng 7/2021

29/7:

Mùa này chắc cũng có nhiều "bà mẹ quê" lúi húi thu gom rau củ gởi cho con cháu ở TP, kèm theo những lời nhắn nhủ động viên, dặn dò... nhưng chắc hổng ai phải nhắc con những lời như mình: "...rau củ chuyển đi lâu, cái nào ngửi hôi thì bỏ. Cỏ dại và cứt sâu lẫn trong rau thì không ăn được nghen con!".

Một trong những thất bại thê thảm của mình là dạy con có chút đảm đang. Sinh ra đàn con hậu đậu, khi chúng bắt đầu đi học lớp một, mình không dám mơ ước cao sang con học giỏi giang gì, chỉ cần chúng biết đọc dòng chữ: "Đây là trái lựu đạn, không mở nhíp ra ăn được" là đạt yêu cầu qua lớp một rồi.

Mình ở vườn thiền, hằng tuần chúng đi lên thăm. Bữa nó báo con đặt xe chuyến Sài Gòn - Bảo Lộc lúc 3g sáng. Mình đợi đến lúc mặt trời lên chói chang mà chưa thấy nó ló dạng, bèn tin nhắn hỏi: Mày mở mắt ra coi xe đi tới... Đà Lạt chưa con? Nó hu hu trả lời là nghe tin nhắn mẹ giờ con mới thức! (Chắc âm báo tin nhắn của mẹ nó cài đặt là tiếng sét đánh nên mới giựt mình thức dậy!!!) Cái tật ngủ quên của nó đến nổi nó lên xe đò là mình dặn dò: "Nhớ uống nước thấm lưỡi, vì mày lên xe là ngủ lưỡi thè tới rún, nếu có bà bạn hàng nào ngồi gần, bả chấm ngón tay nhờ vô lưỡi mày đếm tiền, chắc đếm được vài tỉ là mày khô lưỡi, nên uống nước trước..."

Chuyện hậu đậu của đàn con kể sao cho xiết!

Nhiều người lo già rồi mà khó tính thì con cái nó xa lánh, nó bớt thương. Mình thì già cứ khó tẹt ga! Bởi nghĩ thời gian mình không còn bao nhiêu, dạy con cho nốt. Nó mà có xa lánh mình thì cũng tốt, bởi trước sau gì cũng xa luôn, tập dần cho quen, mai sau nó đỡ hụt hẫng, nó ít thương mình thì mình chết nó đỡ đau buồn! Chẳng sợ nó xa lánh mình, chỉ mong nó trở thành người không bị thiên hạ xa lánh.

Mẹ già khó ưa, chẳng cần con ưa, chỉ cần con nên người, mẹ không vướng vào cái tội đem đến cho cuộc đời này một người không tốt!

Mong là qua mùa dịch, con mình biết phân biệt củ hành với củ tỏi, củ nghệ với củ gừng... thôi là phận làm mẹ của mình bớt củ chuối rồi!!!

(Stt này viết bởi bà mẹ nhà thơ có những đứa con hậu đậu. Những phụ huynh có con cái ngon lành, lỡ đọc thì đừng có bổ sung vào đường lối giáo dục của mình mà khổ lũ con. Hãy để chúng được tự do "làm người", đừng bắt chúng "làm con" của mình cho đến khi mình chết thì... chết mẹ chúng! Kkk...)

 

 

26/7:

Những năm mình làm việc ở báo Tuổi Trẻ Cười với sếp Nghĩa, phòng TTC hầu như đúng nghĩa với chữ CƯỜI, bởi cả đám nhân viên tếu táo và một ông sếp kỳ đặc! Điều kiện cơ quan như thế nào thì sếp Nghĩa cũng phải ở một phòng riêng, bởi cái phòng của ổng ta nói... không thể nói nổi! Miễn bàn về sự sắp xếp và những “đồ đạc” kỳ lạ mà sếp sưu tầm, thì từ căn phòng sếp, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh lạ lẫm rất “bắt lỗ tai”: Khi thì là những tràng cười ha hả, khi thì những tiếng khóc giả diễn, khi thì những tiếng la tào lao vu vơ câu gì đó, nghe là phải bụm miệng cười!

Từ ngày sếp phát hiện ra căn bệnh ung thư, những âm thanh phát ra thường là câu ngâm nga với giọng trào lộng: “Trời hỡi khi nào ta chết đây...?”. Lúc ấy chưa ai trong phòng biết sếp có bệnh. Mình là đứa hay làm thơ tếu táo, chọc vui về sếp. Và bốn câu thơ mình nhắn chuyền cho cả phòng đọc, bắt đầu từ cái câu mà sếp cứ “la làng” hằng ngày ấy:

“Trời hỡi khi nào ta chết đây...?”

Thì chừng nào chết chừng đó hay

Đi tới đi lui, la chộn rộn

Quần lỏng mơ-tuya, tuột có ngày!

Nhiều lắm những bài thơ, mấy tản văn viết tếu táo về sếp, mà khi nghỉ hưu, mình chép từ máy cơ quan vô USB, nó bị lỗi, mất tiêu! Loáng thoáng còn nhớ mấy câu mình viết khi sếp đi vắng dài ngày (bắt chước giọng Tố Hữu khi viết bài “Bác ơi!”):

Sếp đã đi rồi sao sếp ơi!

Bàn sếp giờ không có “đứa” ngồi

Im re ỉm rẻ… ta nói… đã!

Vắng sếp, phòng vui quá xá trời!

.... ....

(và câu kết cũng còn có hậu):

Đi đã rồi về nghen sếp ơi!

Nói xấu sếp là nói chơi thôi

Sếp như dây nhợ đời lính vậy

Không sếp, thân diều lính sẽ rơi!

Hồi đó cả phòng “oán” sếp, giận sếp, ức sếp lắm bởi vì cái lệnh cấm đi làm ngày nghỉ. Làm báo nên cơ quan có chế độ: nếu vào dịp nghỉ lễ mà ai vẫn sắp xếp đi làm được thì sẽ nhận lương gấp 3 ngày bình thường. Cả đám ham tiền, chỉ mong được đi làm ngày lễ, nhưng sếp không cho, sếp bảo ngày nghỉ phải ở nhà sum họp vui vẻ với gia đình. Cả đám ấm ức nghỉ, trong khi sếp thì vẫn đi làm! (Sau này mới thấu điều sếp bảo và... hiểu tâm trạng sếp!!!)

Khi sếp về hưu, cả phòng xúm lại làm một cái clip để tặng sếp (mà rốt cuộc thì không dám tặng). Trong đó cảnh thằng Thuần (nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần) ngồi đeo mặt nạ, giả làm sếp, lần lượt mỗi người đi đến nói một câu với sếp. Mình thì nói câu tếu táo như vầy: “Thôi, nói vậy chớ thương lắm! Về hưu rồi ráng ngồi viết văn cho giỏi bằng tui nghen!” xong kéo cái tay “sếp” ra, khoắng cây viết lên đó: “Cho chữ ký trước nè” rồi gõ vô mặt nạ cái cốc, bỏ đi! Hahaha... Sau này mình gởi cái đoạn clip này cho sếp, ổng hông chửi mà chỉ cười!

Sếp về hưu, hằng ngày vô thư viện cơ quan ngồi viết, mỗi sáng mình pha trà xanh, thường bưng qua cho uống, có bữa sếp đi vắng, không báo trước, mình mang trà qua ngồi nói xấu sếp với mấy em thư viện. Sếp nhắn tin bảo: “Xin lỗi, tui đi vắng vài hôm mới về, phiền nhà thơ quá... Khi nào về tui qua xin, đừng nhọc công mang qua làm tui tổn thọ...” Mình nhắn trả lời: “Haha... nếu làm được đại ca tổn thọ thì cả đám hùn lại làm à!” Anh nhắn lại: “Trời ơi tui bị ghét quá ơ. Bi giờ mới biết. Cũng hoan hỉ luôn.” Mình ngậm ngùi: “Đời còn bao lâu để uống trà cùng nhau. Năm tới anh cũng không còn thấy em ở cơ quan nữa rồi. Em về rừng luyện sư tử...” Và anh cũng ngậm ngùi: “Người quen dần dần đi hết...!”

Và bữa nay tới lượt anh đi.

Trong những câu thơ mình viết vui về anh, có lẽ câu này là... hổng vui:

Văn Nghĩa hay bất giác cười

Để Không-Không-Thấy cuộc đời lẻ loi.

Anh làm báo Cười, viết trào phúng, bạn bè đầy nhóc, chiều chiều thường lê la uống bia, phiếm chuyện... Vậy mà sao anh có cái dáng đi buồn tàng ẩn thế?!!

Mong anh sẽ có một cuộc bắt đầu mới, với nhân quả của những niềm vui mà anh mang lại cho nhiều người từ những trang viết của anh.

 

https://cuoi.tuoitre.vn/doi-cuoi/nghia-cuoi-2021072740415312.html?fbclid=IwAR1TjneGR5PjKZacWE-Xh5Dvlyi2b64p9nyjQqQR4_sa41j-jITECN1sZN8

clip vui phòng TTC quay:

https://www.facebook.com/1383266102/videos/pcb.10220003914353191/769646670399149

 

25/7:

Mình thích nhìn những dấu chân (nên hay trang trí cho vườn thiền những dấu chân bằng đá). Hồi nhỏ mình hay thơ thẩn đếm chơi những dấu chân Ba đi từ sau hè nhà ra ruộng mấy bữa trời mưa. Ruộng nhà mình mỗi khi Ba sạ lúa, những dấu chân ba để lại trên mặt đất sình bằng phẳng lấm tấm hạt lúa nảy mầm trăng trắng, mình nhìn thích lắm! Rồi những khi hai cha con kéo bừa cho đất, dấu chân Ba in sâu, dấu chân mình in cạn, loáng thoáng trên mặt đất, nhìn dấu chân hai cha con bên nhau, mình thấy thương gì đâu! Những khi lội ruộng, cứ nhìn thấy dấu chân ba in khắp nơi, là mình thấy yên lòng ấm áp, không sợ gì hết. Từ ngày Ba mất, về nhà, ra ruộng, những lúc nhớ Ba, mình bỏ dép lội chân trần để thấy dấu chân mình in trên đất bùn, giống hệt dấu chân Ba...

Ngày xưa mình viết bài thơ DẤU CHÂN BA:

Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba

Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa

Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa

Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba.

Để bây giờ trong mỗi chuyến đi xa

Có bàn chân ba nâng bàn chân con bước

Con đã thay ba đi mọi miền đất nước

Như hạt gạo quê mình đến với mọi người thân.

Trong mơ con vẫn có những dấu chân

Là nốt nhạc bổng trầm trong hương lúa

Dẫu đi đến nơi nào con vẫn nhớ

Bàn chân mình đứng trên dấu ba.

------------

Ảnh: những dấu chân bằng đá ở vườn thiền:
 
 

 

20/7:

15 năm trước về đây mua một khoảng đồi. Đồi bỏ hoang, trọc, chỉ còn rải rác vài cây trà thấp chưa đầy mét; có một cây vú sữa là cao to nhất cũng chỉ hơn đầu người.

15 năm qua, mấy cây trà vẫn không lớn gì hơn, chỉ cây vú sữa là cao lớn, ra dáng cổ thụ, thỉnh thoảng cũng có ra vài trái nhưng lớn được chút là biến mất đi đâu không dấu tích. Ai đến cũng hỏi cây có nhiều trái hông? Mình hay trả lời đùa: Tại sao phải có trái? Một cái cây cao to đẹp thế cũng đủ rồi mà! Đòi hỏi chi nhiều! Mình chỉ mong cây sống khỏe, đứng đó như một vị trưởng lão, oai nghi, vậy là đủ rồi, có trái hay không chẳng quan trọng. Mình có hai con mắt và chỉ một cái miệng. Vườn còn nhiều cây trái rau quả khác để ăn, cây vú sữa không cần ra trái cũng đâu có sao, nó cứ đứng đó trên đồi là đã quá cảm ơn rồi!

Những khi trời gió, cây như có hai tầng lá; tầng dưới màu xanh mướt, tầng trên màu vàng nâu sáng chói. Đẹp uy nghi lộng lẫy một góc trời.

 

 

19/7:

Hơn hai tháng nay cả nhà nó lên trốn dịch, nó phá suốt ngày không ngơi tay, mình đau khổ rên rỉ: "Hy ơi! Sao con phá dữ vậy?!!", nó cũng ray rức bảo: "Con đâu có muốn phá đâu, tại hai cái tay con nó cứ phá hoài hà!" Cái sự nghịch phá của nó cộng với sự tiếp tay tăng hiệu suất của thằng bé hàng xóm làm mình bị thiệt hại vô số kể! Bữa nghe ba mẹ nó bàn về tin TP lại tiếp tục giãn cách, nó hỏi ba nó: " Vậy là mình ở đây mãi mãi hả ba?" Ba nó bận rộn, trả lời cho qua :"Ừ..." Nó nháy mắt :" Vậy là bà ngoại xui xẻo rồi!". Biết vậy luôn á trời!!!

(Video: đến rình rình đi quay con ong mà cũng không thoát khỏi ảnh đi theo lồng tiếng!")

https://www.facebook.com/1383266102/videos/pcb.10219966898707823/868051204108586

 

13/7:

Sáng sớm nhón chân đi rung mấy cành hồng

Nhẹ nhàng góp ngụm sương rửa mặt
Những giọt long lanh trong vắt
Chấm mát lạnh trên tay.
 

Ngước lên trời rộng mây bay

Cúi xuống hoa rơi mấy cánh
Mây trôi trên đầu rất rảnh
Hoa rụng dưới cẳng thong dong.

Hơi thở mình thì đi vòng

Vào ra, ra vào... thanh thản
Khẽ mỉm nụ cười hữu hạn
 Tặng cho trời đất vô cùng.

 

 

12/7:

Không biết con nhện khi giăng tơ, ngoài yêu cầu kỹ thuật, nó có chú ý đến yếu tố mỹ thuật hông ta? Rồi lâu lâu có bày ra tổ chức các cuộc thi như con người hông ta? Ví dụ như: thi tơ đẹp nhất, tơ bền nhất, tơ lắt léo nhất...v.v...

Chắc là không, vì nhện nhà ai nấy ở, tơ ai nấy giăng, chúng không sống bầy đàn như ong hay kiến, mối... Mà nếu biết được con người áp đặt cho nó qua câu ca dao: "Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai..." chắc nó cười khẩy: Tao chờ con mồi tên mối thôi chớ mối mang gì! Hahaha...

(Bồ tèo nào rảnh nghe chơi bài hát nhạc sĩ Văn Phụng phổ bài thơ khuyết danh có 2 câu trên. Đường dẫn dưới phần còm. Hai câu cuối trong bài: "Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ)

 

 
 
 
9/7:

Lúc buồn hãy nhớ

"Rồi sẽ qua đi"

Lúc vui hãy rõ

"Chẳng mãi mãi gì".

Phút nào may mắn

Được chút bình yên

Thì ngay phút đó

Lạc trú hiện tiền.

 

3/7:

Ngày mình rời TP về Bảo Lộc lập vườn thiền, hành trang mang theo có một xe tải cây cỏ hoa lá - toàn bộ khu vườn trên sân thượng bao năm. Trong đám cây cỏ đó có cây lộc vừng quà tặng của anh bạn văn thân thiết Trần Quốc Toàn anh bảo đây là cây lộc vừng lấy giống từ cây lộc vừng ở Hồ Gươm Hà Nội. Anh tặng mình, coi như món quà cho ngày mình bắt đầu một cuộc sống mới. Cảm ơn anh biết bao!!! Bây giờ thì nó trổ chùm bông đầu tiên, và độc đáo là cả cây chỉ trổ duy nhất có 01 sợi bông này thôi. Sợi bông nở đẹp tỉ mỉ, chu đáo, theo thứ tự mỗi ngày một đoạn, rất hoàn mỹ!

Mời mọi người ngắm hoa thôi.

(Hihi... vì là cây mang từ thủ đô nên chụp ảnh giống chữ S cho có hình tổ quốc! Hahaha...)

 

1/7:

Đang ngồi ăn cơm, con tò vò tha con sâu bay ngang, làm rớt con sâu xuống đầu gối mình cái độp! Cả nhà nhao lên mắng con tò vò hậu đậu và tham lam, bắt con sâu cho bự rồi tha rớt lên rớt xuống! Mình ngẩn ngơ tiếc, phải chi nó tha thỏi vàng hay viên kim cương thì hay biết mấy! Hahaha...

Bữa nay phát hiện con tò vò này chẳng những hậu đậu mà còn lười biếng vô phương! Nó thấy mấy cái gương sen khô mình chưng cắm trong bình, bèn "sẵn ổ nhảy đẻ", không cần làm tổ, cứ tha sâu nhện về để vô lỗ hạt sen rồi hàn lấp miệng lỗ lại thôi, khỏe re.

Lên mạng xem tài liệu coi con tò vò chích có độc không, thì thấy quá nhiều lời khuyên đánh số đề và phong thủy về con tò vò làm tổ trong nhà mang lại may mắn tài lộc, tiền đếm phải uống thuốc giảm đau vì nhức mỏi tay! Hahaha... Nhớ lại hồi nhỏ ở quê nhà mình đầy tổ tò vò, (mình ngồi rình nó xây tổ hàng giờ, ngày này qua ngày khác, rồi cạy tổ nó lấy nhện đi câu cá). Vậy mà ba má mình có giàu gì đâu, hay là ổng bả giàu thiệt mà diếm tiền, sợ mình biết, xin đem mua bánh ăn hết?! Kakaka....!!!

(Xem video thấy rõ nó đang nhét con sâu vô cái lỗ hạt sen, con sâu vẫn còn nhúc nhích. Tò vò có cái thuốc chích con sâu chỉ bị chết lâm sàng, không phân hủy, đợi đến lúc trứng nó nở ra con, con nó sẵn thức ăn tươi sống luôn. Hầu hết các loại côn trùng sâu bọ đều là những bậc phụ huynh chu đáo!)

 


Các bài nhật ký khác:
Ghi chép tháng 9/2021 11.10.2021 03:50
Ghi chép tháng 8/2021 05.08.2021 08:19
Ghi chép tháng 7/2021 05.08.2021 08:19
Ghi chép tháng 6/2021 05.08.2021 08:18
Ghi chép tháng 5/2021 05.08.2021 08:18
Ghi chép tháng 4/2021 05.08.2021 08:18
Ghi chép tháng 3/2021 05.08.2021 08:17
Ghi chép tháng 2/2021 05.08.2021 08:17
Ghi chép tháng 1/2021 05.08.2021 08:16
Ghi chép tháng 12/2020 05.08.2021 08:16
Ghi chép tháng 11/2020 05.08.2021 08:16
Ghi chép tháng 10/2020 05.08.2021 08:15
Ghi chép tháng 9/2020 05.08.2021 08:15
Ghi chép tháng 8/2020 05.08.2021 08:14
Ghi chép tháng 7/2020 22.08.2020 06:46
Trang 1/5[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] »

 
 
Thông tin sáng tác
Thư viện văn
Thư viện thơ
Tìm hiểu Phật giáo
Ý kiến bạn đọc
Thông tin từ thiện
L
I
Ê
N
H

T
G
 
Links đọc web
Tuổi trẻ
Hội nhà văn VN
Vnexpress
VTV
HTV
Tuổi trẻ Cười
Đồng Tháp
Dưỡng sinh
Web tìm kiếm Google
THƯ VIỆN HOA SEN
ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
THIỀN TÔNG VIỆTNAM
THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
BÁO GIÁC NGỘ
QUẢNG ĐỨC
BUDDHA SASANA
LOTUSMEDIA
PG NGUYÊN THỦY
DIỆU PHÁP ÂM
RỪNG THIỀN ĐẠT MA
PHÁP TẠNG
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
NI GIOI NGAY NAY
PHÁP VÂN
SUỐI TỪ
TRUNG TÂM HỘ TÔNG
 
© by Thu Nguyet - All rights reserved.
Designed and developed by Nicestyle Co., Ltd.