20/7
Làm
một cái nhà nhỏ, không lợp mái, không đóng vách, trống không giữa trời đất với
bốn vòng tròn thông thống giữa thiên nhiên. Tạm đặt tên là nhà THẤU TÂM.
Khi
đứng trước ngôi nhà, ta thắc mắc: Sao nhà mà không có mái, không có vách, không
có cửa..v.v... thì biết ngay rằng ta đã khởi tâm biệt. Sự phân biệt ẩn chứa
trong tâm, được cấu thành từ những qui định, định kiến ngàn đời. Đó là những
“mái nhà” của sự áp đặt, của lề thói truyền thừa, được sự “chở che” của những
khái niệm đạo đức núp trong hào quang của chân lý. Đó là “bức tường” của sự
ngăn ngại, si mê, luôn bảo vệ cho cái tôi tồn tại, phát triển. Đó là những
“cánh cửa” đóng khung giam hãm sự liên thông tự nhiên của vạn thể.
Hãy
nhìn thấy sự vô hạn trong giới hạn của ta. Hãy nhìn thấy qua ngôi nhà chỉ có
cái khung (giới hạn) giữa đất trời thiên nhiên (vô hạn) ...
Khi
tâm trong suốt, vạn pháp, mọi sự vật hiển bày như bản nguyên của nó. Và đó là
TÂM PHẬT.
14/7:
Người
ta bảo rằng niềm vui là “vô giá”, nhưng cuộc đời đôi khi hào phóng “định giá”
cho ta một số niềm vui để ta có thể mua được bằng tiền. (Tuy nhiên cũng có những
người thừa tiền mà hông mua được niềm vui, là bởi... nhiều căn nguyên lắm!
Hihi... ) Đương nhiên niềm vui là hữu hạn, và thời gian là thước đo khắc nghiệt
của niềm vui, luôn thò tay móc mối với mặt trái của niềm vui là nỗi buồn. Mà
thôi, trong khi vui thì ta cứ hưởng thụ nó trong chánh niệm, đừng có “vói tâm”,
bận lòng liếc qua những “hàng xóm” của niềm vui, hay phân tích sâu xa từng tế
bào, cấu tạo của nó làm gì; bởi một phút trôi qua là ta đã xài béng 1 phút của
quỹ thời gian đời mình – mà MÓN này thì quả là VÔ GIÁ, không thể dùng tiền hay
bất cứ thứ gì mua lại được.
Chọn
lựa cái để vui, cách để vui... là trí tuệ và nhu cầu riêng của mỗi người, không
ai áp đặt cho ai được. Đạo đức, qui định ngàn đời thường can thiệp, tác động,
chỉ đạo đa phần những niềm vui của chúng ta: đúng sai, đáng hay không đáng, lợi
hay hại..v.v... thường đóng vai ngọn đèn soi rọi và soi mói vào diện mạo của niềm
vui.
Ở
cái tuổi sắp được hí hửng ghi vào “tiểu sử” cái từ “hưởng thọ”, mình hay bòn
mót rốt ráo niềm vui. Ngoài những niềm vui miễn phí, tự chế tạo, chế biến bằng
sức lao động (chăm chút cỏ hoa) tận hưởng thiên nhiên... thì mình thường hào
phóng tự chiêu đãi cho mình những niềm vui có thể mua được bằng ngân lượng. Tuy
nhiên, vì ngân khố vô cùng eo hẹp, nên tự giác cũng biết tiết chế những “niềm
vui có giá”.
Sáng
nay ngồi uống ly trà có giá 150 ngàn đồng này, bỗng dưng thấy triết lý ùa về,
ngẫm suy xả lũ! Hahaha...
Cảm
ơn nhỏ em đã tinh tế mua tặng ly trà khi mình thấy giá của niềm vui này hơi mắc,
nên đã không mua. Bữa nay ngồi nhâm nhi, mới thấy niềm vui này cũng đáng giá,
chớ hông có mắc! Hihihi...
(Ảnh:
Ly trà có 2 lớp, khéo léo đúc hình dáng trái tim, để khi ta rót trà, trái tim cứ
lớn dần theo mực nước... và quan trọng là trái tim ấy không làm ta bị nóng theo
nhiệt độ của nó.)
5/7:
Cụm
nụm đem hai cây cà na từ quê nhà Đồng Tháp thương yêu lên trồng ở đất đồi Bảo Lộc,
lòng chỉ dám mong nó sống được ở vùng cao, để hằng ngày mình ngắm nó, thỉnh thoảng
ngắt một chiếc lá làm kèn thổi te te gợi nhớ tuổi thơ yêu dấu. Vậy mà không ngờ
nó chẳng những sống tốt mà còn ra bông liên miên, trái đậu ít thôi nhưng cũng đủ
cho mình lâu lâu chóp chép hương vị quê nhà.
Hồi
nhỏ, hầu hết thời gian rảnh của mình là ở trên cây cà na. Mình treo một cái
võng trên cây, đi học về, nếu không ra ruộng là mình tót lên đó nằm đọc sách,
ngắm vòm lá, mây trời... Cây cà na là người bạn thân thiết nhất thời niên thiếu.
Trưa
qua, hái mấy trái cà na, lên ngồi ăn bên khung cửa sổ trên cây của vườn thiền,
xúc động bồi hồi nhớ ngày xưa xa lắc...! Cái cửa sổ cũ mình nhờ mua được, tình
cờ bất ngờ cũng giống y chang cái cửa sổ ngôi nhà hồi nhỏ của mình, cũng kích cỡ
này, cũng màu sơn này...
Cám
ơn cuộc đời thơm thảo, đã ban cho mình những giây phút binh yên, sống lại với
ký ức tuổi thơ biết bao yêu thương thắm thiết...