Thư gởi các bạn già!
Bạn trẻ thương mến! (Phải gọi ngược lại như vậy kẻo bạn già nổi dịch, tự ái, hổng thèm đọc!)
Gần đây, những “mưu đồ” tiểu sự hay đại sự của tui đều bị phanh phui, bởi tui ngu dại đi sắm “cái loa” website, weblog!
Trong số các “mưu đồ” lớn nhỏ bề bộn lộn xộn lỉnh kỉnh của tui, có một cái “mưu đồ” thường bị các bạn già… (thôi, kêu thiệt vậy đi, né hoài cũng chẳng thể trẻ lại được đâu mấy bạn mình ơi, ta là người lớn, phải biết điều, đừng vẽ mặt bôi hề nhảy qua sân bọn trẻ đứng dáo dác hoài, lãng xẹt, coi kỳ lắm! Mình già cũng có cái “liêm sĩ” của người già chớ, phải hôn?)… phản đối nhiều nhất là cái mưu đồ “đi tu khi về hưu” của mình. Nói “đi tu” là các bạn diễn dịch lại, la vống lên nghe cho oai vậy thôi, chớ thiệt ra cái mặt tui mà tu hành nỗi gì, chùa nào chịu chứa! Nội cái tật làm biếng thôi, vô chùa ba bữa là đến con trùn con dế nó cũng hổng ưa (nhiều lần rót nước uống hổng hết, làm biếng đi đổ, tạt đại vô góc kẹt nhà, nghe tiếng con dế nó chửi: “Đồ ham ăn hốt uống mà làm biếng, tạt nước ướt ổ, ướt cánh mình, cái cánh là dây đờn của mình, sắp tới giờ mình “biểu diễn” rồi mà dây đờn ướt nhẹp, làm sao… gáy?!). Đó là còn chưa kể những qui định nghiêm ngặt khác của nhà chùa mà một người thiếu nghiêm chỉnh như tui chẳng thể nào kham nổi! Tóm lại là đời này kiếp này chúng sinh quậy như tui đừng hòng mơ màng léo hánh vào con đường nghiêm túc xuất gia! Tui chỉ có “mưu đồ” ẩn cư, về sống yên bình, tự do nơi núi đồi vắng vẻ ít người, để rồi khi cái miệng mắc nói quá thì đem kinh ra tụng, khi cái thân làm biếng nhúc nhích quá thì tréo cẳng ngồi thiền; trồng rau đem xuống chợ đổi tàu hủ, tương chao ăn cho đỡ tốn tiền; khỏi lo mắng con, giữ cháu … vậy thôi! Nhiều bạn già bảo: “Mày đừng có vô trách nhiệm như thế, con cái nó cần mày, sao mày nỡ bỏ tụi nó mà đi lánh thân cho sướng vậy?” Nay tui xin được “giả nhời” chung cái “câu có nhiều người nói” ấy như sau:
Thứ nhất: Ngày nay, nhiều bạn già ảo tưởng, cứ ngỡ mình quan trọng lắm, con cái nó thích sống với mình thiệt. Điều đó hổng có đâu bạn ơi! Con cái chỉ thích sống với cha mẹ khi chúng còn nhỏ, chưa lập gia đình, khi chúng đã dựng xây tổ ấm thì cái thân già lẩm cẩm của mình chỉ làm vướng tay vướng chân, làm mất tự do của chúng thôi. Ngoài miệng thì chúng phải nói theo đạo lý là muốn báo hiếu cho cha mẹ, nhưng báo hiếu thoải mái nhất đối với chúng là cống cho cha mẹ già một số tiền, rồi thì các cụ tự mà lo lấy hoặc thuê mướn người phục vụ, cuối tuần cuối tháng vợ chồng con cái chúng bồng bế về thăm, cười nói rôm rả một hồi rồi thì tổ ấm của chúng chúng rúc về, vậy là vui vẻ thoải mái cả làng, chớ còn bắt chúng phải cưu mang mấy cụ già rề rà lẩm cẩm trong nhà, sáng đau chiều ốm, ăn uống kén chọn, khó tánh dòm ngó xen vào từng kẽ hở tổ ấm của chúng là chúng không thích đâu.
Thứ hai: Nhiều bạn già ảo tưởng, cứ nghĩ con cái nó cần mình thiệt, mình là người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, rất cần cho đời sống các con. Hổng có đâu bạn ơi, mỗi thời mỗi khác, kinh nghiệm của ta chưa chắc đúng cho thế hệ chúng, cái dầu của ta già lão, xuống dốc minh mẫn rồi mà ta cứ tưởng ta vẫn còn ngon, cứ ý kiến ý cò, lên giọng dạy đời lớp trẻ, ép chúng phải theo ý mình. Nó “chịu đựng” không dám nói ra đó thôi, nó tế nhị không muốn làm bẽ bàng, buồn lòng cha mẹ nên ra vẻ tôn trọng ý kiến của ta (tui đã từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng trẻ, trí thức, ra vẻ đạo đức tôn ti, gia giáo; việc gì cũng giả vờ hỏi ý kiến bố mẹ cho các cụ vui, các cụ cứ tưởng bở rằng các cụ cũng còn có ích, thế nhưng rồi thì việc chúng chúng làm, lựa lời nói năng khéo léo là qua ải, mát lòng “các cụ tưởng bở” ngay). Chúng ta là cây đinh trước mắt, là gánh nặng tinh thần và vật chất cho con cái mà cứ tưởng mình là bậc quân sư, thầy đời của chúng.
Thứ ba: Nhiều bạn già ảo tưởng, cứ nghĩ mình vì con cái chớ thật ra mình vì chính bản thân mình. Mình ham hố, mình bám víu, chẳng muốn rời bỏ, mình cố tỏ ra mình vẫn còn “phong độ” trong khi cả xã hội đã công nhận, khoa học đã đồng ý rằng ở cái tuổi đó là con người phải về hưu (nói cách khác là hết hạn sử dụng). Mình không thể buông bỏ để lui về lo sống an phận an bề, mình chỉ muốn cầm cự, chen chúc, giương cao cái tôi của mình, van vỉ cuộc đời “xin đừng quên tôi”! Mà bạn thử nghĩ kỹ lại coi, dù cuộc đời có nhớ bạn đến đâu đi nữa thì thật ra cũng có ích gì cho chính bản thân bạn đâu? Mình cứ ham hố chạy theo những điều hư ảo, chẳng thật sự cần thiết cho mình! Mình núp dưới danh nghĩa cái này, vinh danh cái nọ để thỏa mãn cái tôi luôn muốn “biểu diễn” của mình thôi.
Sao bạn không chịu sáng suốt, can đảm nhìn nhận tất cả sự thật đó để đừng “cố đấm ăn xôi”, để có thể tìm chọn cho mình một con đường thật sự là của mình, không nhờ vả, bám víu hay làm phiền người khác.
Nếu bạn nghĩ bạn vì con cái thật sự (như điều thứ ba tôi vừa nói trên) thì bạn hãy tiếp tục lặng lẽ làm điều có ích cho chúng. Bạn đã già, không thể tạo dựng gia tài vật chất cho con cái nữa, thì hãy gây dựng gia tài tinh thần cho nó. Đó là cách bạn sống một cuộc sống thật an hòa, tạo phước đức để lại cho con.
Nếu bạn nghĩ con cái cần bạn (như điều thứ hai tôi vừa nói trên) thì bạn phải biết cho đúng con cái cần ta ở điểm nào. Chúng cần ở ta một thần tượng, một sự tin tưởng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần khi cần thiết – hãy lưu ý chữ “khi cần thiết”, bởi nếu ví chỗ dựa ấy như một cái cái ghế, một bóng cây thì không phải lúc nào cái ghế, bóng cây ấy cũng tò tò theo nó ngay cả lúc nó phải di chuyển, ngay cả lúc nó cần sưởi nắng.
Nếu bạn nghĩ con cái trưởng thành thích sống với cha mẹ (như điều thứ nhất tôi vừa nói trên) thì bạn phải biết chúng thích cha mẹ phải biết “vâng lời” chúng (như chính cha mẹ đã từng muốn chúng ngoan ngoãn vâng lời mình). Liệu bạn có thể “trẻ hóa” mình đến mức có thể làm con lại được cho chính con mình không?
Vậy thì bạn già ơi! Hãy biết giật mình trước cái suy nghĩ già cỗi, lạc hậu, thiếu sáng suốt của ta về cái sự “thương con” của ta đi. Thương con cho đúng, hy sinh vì con cho đúng để đem lại lợi ích thiết thực cho mình, cho con cái là không dễ đâu, không đơn giản như nhiều người nghĩ là cứ đeo bám tò tò theo con như thế đâu!
Bạn già ơi! Hãy can đảm, sáng suốt lo cho con chính thứ mà chúng thực sự cần. Có những đứa con không biết đúng chính thứ mà chúng cần, ví như đứa trẻ đang viêm họng mà đòi ăn kem lạnh, làm cha mẹ là phải biết mà đem đến cho con đúng thứ chúng cần chớ không phải mù quáng đưa đến cho chúng thứ mà chúng đòi. Theo tôi, thứ mà chúng thực sự cần cho cuộc đời của chúng – giữa quá nhiều bất trắc vô thường ở thế gian này – là cái phước đức sâu dầy, gia tài quí giá mà cha mẹ có thể để lại cho con cái.
Và bạn già ơi, có một điều còn quan trọng hơn nữa là bạn đừng tạo điều kiện để con cái mình phạm tội bất hiếu đến tận cùng khi “sử dụng, tận dụng” cha mẹ đến cả những năm tháng tuổi già (phải lủi thủi làm người giúp việc, trông nhà cho con!).
Tóm lại, cái sự “xa con lui về ở ẩn” của tui là không hề thiếu trách nhiệm mà còn là trách nhiệm cao cả không dễ mấy ai mần được đâu nhé! Mong các bạn già hãy suy nghĩ thử coi. Nếu ai thấy đúng thì chuẩn bị đi rồi ráng mà mần! Coi vậy mà hổng dễ đâu, thiệt đó!
Thư đã dài, lời không hết ý, chắc bạn già đọc cũng đã mỏi mắt rồi, thôi tui ngừng đây. Mong các bạn già sáng suốt nhìn ngay sự thật mà suy nghĩ cho thấu đáo, để chọn cho mình những ngày tháng xế chiều thật sự có ich cho mình cho người.
Xin chân thành lễ phép hun hít các bạn với lòng cảm thương quí mến vô hạn những người cùng date! (hạn sử dụng).
Ký tên
Bạn già mã số 06-TN.
Năm 2008