Tự lành
Một ngày ta bị gãy xương tay vì chút tai nạn trong đi đứng. Ngẫm thấy diễn biến sự việc của mình cũng có thể mang lại vài nghĩ suy bổ ích cho nhiều người, nên “độc thủ đại hiệp” ta ráng làm siêng ngồi gõ ra đây, với tấm lòng chân thành muốn chia sẻ “bí kíp” võ công vụn vặt của mình cho giang hồ võ lâm cùng ngẫm nghĩ.
Khi nhiều người cùng bị chung một tai nạn nào đó, hãy quan sát thái độ phản ứng của từng người, ta sẽ thấy rõ thế gian nhiều hạng. Cùng là người, nhưng khoảng cách hiểu biết, đạo đức giữa người và người xa quá là xa!
Khi tài xế xe buýt thắng gấp, hành khách đứng chen chúc trên xe ngã nhào. Lập tức tiếng nhiều người cất lên, chia thành mấy “làn sóng” chửi rủa.
– Làn sóng chửi rủa thứ nhất là của tài xế và những người ngồi phía trước trong xe, cùng chứng kiến sự việc, cho rằng đối phương có lỗi. Ít ai trên đời thấy lỗi của mình và dù có thấy thì cũng tìm cách đổ nó về phía đối phương. Cánh tài xế thì chửi mỗi khi có sự cố đã là thói quen trên tay lái; còn hành khách – những người “khi lên xe là cùng một hướng” – do tập quán bầy đàn, đã sẵn sự chia phe, cũng đương nhiên đứng về “phe mình”, do vậy phải hòa âm cùng chửi đối phương thôi, đó là “nhu cầu” gây hấn, bắt nạt của bản năng con người. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
– Làn sóng chửi rủa thứ hai là của hành khách trên xe, chửi ngay tài xế xe mình, thủ phạm gây ra tai nạn. Đây là những người có óc “nguyên tắc” khi qui trách nhiệm. Không cần biết lý do gì, anh là tài xế, lái xe có xảy ra việc chi thì trách nhiệm cứ thuộc về anh trước đã, chửi anh cái cho chắc! (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
– Làn sóng chửi rủa thứ ba là của nhân dân, chửi rủa đồng bào bên cạnh, những người đã trực tiếp va chạm vào mình. Không cần phân biệt đúng sai, không cần biết do cố tình hay vô ý, không cần biết nguyên nhân gì, “không cần biết em là ai”, hễ em đụng đến tôi là tôi xử em liền kẻo nguội. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Tóm lại, tất cả các làn sóng chửi rủa, dù phát thanh từ tần số nào (lầu lầu hay gầm quát) đều xuất phát từ “đài tiếng nói… của những người hung dữ”! Luôn chực sẵn sự tấn công người khác. Những người ấy nếu bị ai quăng cục lửa vào người, phản ứng đầu tiên của họ chắc là nhào tới đánh ngay kẻ quăng cục lửa trước khi lo dập tắt lửa cháy trên mình. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Ngoài các làn sóng chửi rủa, còn có một làn sóng ngầm, đó là sự im lặng của những người điềm tĩnh. (Đương nhiên không phải ai im lặng cũng là điềm tĩnh, trong số đó ắt cũng lắm người đang dậy sóng chửi rủa hoặc kêu than ầm ập trong người, nhưng không lên tiếng vì nhiều lý do). Họ im lặng vì biết chấp nhận mọi việc, im lặng vì biết điều, im lặng lo bảo vệ mình…. (Theo bạn đoán thì số người này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm của nhân loại?)
Và xin được ghi ra đây sự im lặng của mình.
Khi cú va đập bất ngờ làm mình bị chấn thương, ngay lúc đó mình đã không biết gì đến xung quanh ngoài việc lắng nghe mình. Trong lúc bất ngờ như thế, ta mới hiểu ra mình rõ nhất. Hóa ra hằng ngày ta huênh hoang bao điều tốt đẹp, luôn ý thức buông bỏ sự vị kỷ, làm được đôi điều vì người quên mình là ta đã tưởng ta ngon, đã biết vượt qua mình. Nào ngờ khi gặp chuyện, mới hay cái bản năng vị kỷ vẫn còn nguyên một khối. Ta không quan tâm xem quanh mình có ai bị sao không, chỉ chăm chú lắng nghe cơn đau lạnh người từ cổ tay bị gãy, rồi thầm lo lắng một cách bình tĩnh rằng tay mình dù có bị gãy làm mấy khúc cũng không đáng lo bằng cú ép ngực có thể gây tổn thương tim phổi… Tóm lại, lúc đó ta chỉ nghĩ đến mình. Mới hay rằng từ ý nghĩ (nhận biết được điều tốt), lời nói (phát biểu những lời hay), hành động (có vài ứng xử tử tế) đến sự thật (chuyển hóa) là còn xa lắm lắm. Ta đã không phiền trách, sân si chửi rủa như những người kia, nhưng ta chỉ dừng ở mức chỉ biết có mình.
Một bài học nữa cho tính tự tin: Lâu nay ta luôn tự tin rằng mình là người cẩn thận, ý tứ trong cách đi đứng. Ta thường mắng con, trách bạn vụng về hậu đậu trong các sinh hoạt hằng ngày. Giờ mới thấm cái điều không có gì lạ là: trăm lần cẩn thận cũng có một lần sơ ý. Dù biết rằng có những tai nạn do nghiệp mà ta không thể tránh khỏi, nhưng cũng không vì thế mà đổ thừa, viện cớ phủ nhận sự bất cẩn của mình. Biến chứng của lòng tự tin là tính tự mãn, mà khi tự mãn là ta đã tự đúc tượng mình: “chết” ngay khi còn sống, không thể hoàn thiện và phát triển được nữa.
Khi sống trong sự lo lắng trầm trọng của người thân, ta mới thấy rõ rằng con người quan tâm chiều chuộng quá mức cần thiết đến thân xác. Tại sao ta cứ phải uống thuốc giảm đau nếu còn có thể chịu đựng được cơn đau? Tại sao ta cứ phải nghỉ ngơi, để người khác phục vụ mình khi mình còn có thể tự lo được? Con người thích được phục vụ, thích được sai khiến người khác, lấy đó làm niềm sung sướng hạnh phúc. Khi đối diện với tai nạn, bệnh tật, cái can đảm cần thiết là ta phải biết nhìn thẳng vào sự thật, rằng ta phải biết ăn năn, xấu hổ vì đó là Quả của một cái Nhân xấu mà ta đã gieo, hãy vui vẻ chấp nhận, không than trách. Phải biết hạn chế những nhu cầu làm phiền người khác của mình, biết nghiêm khắc với cảm thọ của mình. Tại sao ta cứ chăm chú lắng nghe những nhu cầu nhõng nhẽo của cơ thể, cứ chăm chú chiều chuộng những cơn đau? Nếu biết tự vực dậy, đừng quá nuông chiều theo cảm thọ thì khả năng chịu đựng và vượt qua bệnh tật của con người tốt hơn nhiều.
Thật tệ khi có những người lợi dụng cái bệnh của mình để được phục vụ. Thật tệ khi có những người làm trầm trọng thêm, quan trọng hóa bệnh tật của mình. Mình nhớ có lần nghe kể hòa thượng Thích Thanh Từ đã khuyên đệ tử không nên cạo gió để lại dấu vết trên người, trên mặt, nơi mà người khác có thể nhìn thấy. Hòa thượng gọi đó là “biểu diễn cái bệnh” của mình ra. Con người luôn có nhu cầu được hưởng thụ mà không nghĩ đến qui luật nhân quả. Khi ta biết nhận thì cũng phải biết cho. Nhận mà không nghĩ đến cho thì là ăn gian quá đỗi! Có một nghi thức trong đám tang: Khi người viếng đến trước quan tài xá lạy người chết thì người thân trong nhà phải thay mặt cho người chết xá lạy trả lễ, vì người chết không còn cơ hội để “cho” ai điều gì nữa, nên một cái xá lạy cũng không dám “nhận”. Mong rằng ngay bây giờ, khi chưa nằm trong quan tài, chúng ta hãy biết sợ điều này: Biết sợ mình vay của mọi người, của cuộc đời nhiều quá mà chưa trả được, biết sợ mình mắc nợ…
Mọi vết thương, bệnh tật đều có nghiệp quả của nó. Nó sẽ không thể lành nếu không có sự hiểu biết, nỗ lực cố gắng của chính bản thân ta.
Làm gãy cái tay này thì ai cũng có thể làm được, nhưng làm lành cái tay này nếu ta không làm thì không ai có thể làm.
Một cái tay gãy thì dễ dàng nhận ra, nhưng một cái tâm ẩn chứa nhiều tật bệnh thì rất khó nhận ra.
Khi biết mình còn có những khiếm khuyết, bệnh tật ở THÂN cũng như TÂM, hãy sáng suốt, cố gắng, kiên trì, quyết tâm chữa trị bằng tất cả ý chí và nỗ lực của chính bản thân mình, để tự lành.
Không chỉ là hoa, trái…
Hàng cây bằng lăng dọc phố trước nhà trổ bông tím biếc. Nhà mình cũng được nhà nước giao cho sở hữu một cây. Cây bằng lăng trước nhà mình là giống bằng lăng rừng, bông to trái lớn, so với một số cây bằng lăng hàng xóm (giống lai tạo nước ngoài) thì nó có vẻ đẹp cổ… thụ hơn. Mình cám ơn ông Nhà nước vô tình trồng ngay trước cổng nhà mình cây bằng lăng loại này. Nó giống cây bằng lăng ở quê trong ký ức tuổi thơ của mình. Có hai thứ trái rất nhiệt tình trổ sai kín cành mà chẳng ai mừng, đó là trái bằng lăng và trái trâm bầu. Hồi nhỏ, khi ngồi vắt vẻo trên xuồng chở lúa từ đồng sâu về qua những rặng trâm bầu trái sai lấp lá, mọc triền miên dọc suốt hai bờ kinh; xuồng cứ xuôi như trôi giữa rừng xanh cổ tích. Mình khoái cái cảm giác ngồi trên đống lúa cao ngất chêu lêu giữa chiếc xuồng chở khẳm, sóng cứ lắc lư chao đảo; chồm bên này dòm xuống thấy bóng mình, chồm bên kia dòm xuống thấy bóng mình nhập nhòa giữa sóng. Mình cứ nghịch ngợm chồm qua chồm lại và bị la suốt dọc đường về: “Con Trà, mày có ngồi im đó hông, tao vít cho một dầm rớt xuống sông bi giờ!”. “Xuồng khẳm mà mày cứ chồm qua chồm lại, tạo lủi vô bụi trâm bầu cho ong quánh cái mỏ sưng bằng cái ống nhổ bi giờ!”. “Con này đít mọc chông hay sao mà nó không ngồi im được!”..v.v…
Trái bằng lăng và trái trâm bầu đều đẹp mà chẳng ăn uống gì được (ăn cũng được nhưng nó chẳng phải loại trái sinh ra để cho cái sự ăn) nên chẳng có cái miệng hay cái mỏ nào để ý, do vậy nó cứ thoải mái tồn tại đầy cành, chẳng hề bị thưa thớt; đến khô rớt thì thôi. (Mà thậm chí đến khô nó cũng không chịu rớt, cứ dính trên cành như chờ đợi một cái nhìn. Chẳng ai thèm nhìn thì nó lặng lẽ rơi, mà nó rơi lặng lẽ lúc nào cũng chẳng ai thèm biết.) Do vậy mà nó đẹp, cái đẹp không phô trương, không thất thoát.
Mỗi cuối mùa bông, mình đứng ngơ ngắm trái; đang mùa bông tím lãng mạn một khoảnh trời, mình cũng đứng ngơ ngắm bông mà nghĩ đến trái. (Vô duyên ác không biết!!!)
Có những loài hoa mà khi ngắm nó ta đã nghĩ đến trái. Sao vậy ta?
Những loài hoa khi ngắm nó ta đã nghĩ đến trái thì thường không được nâng niu đem chưng cắm trong bình hay kết thành lẵng để ngắm nghía xum xoe. Nó vẫn đẹp kiểu hoa và không chỉ có thế.
Nó vẫn đẹp kiểu hoa và không chỉ có thế.
Hay thiệt!
Và có những thứ trái chẳng phải để ăn, mà để ngắm như hoa. Hoặc cũng chẳng để làm gì, xong hoa thì kết trái, vậy thôi.
Nghệ thuật, văn chương cũng vậy.
Và nhiều điều khác trên đời cũng vậy.
Phải hông ta?
Sao lại hỏi “Phải hông ta” chi vậy?
Phải hông ta? Ha..ha…
____________________________________
Đọc thêm:Viết đến đây chợt nhớ một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn:
ĐM cây bông
Nó không lao động
Ai trồng chật chỗ
Mày nhổ xem sao
Máu trào thiên cổ!
Trái bằng lăng nhà mình
Ảnh trái trâm bầu (trên mạng)
* Ngày 21-3-2009
Chút vị từ bi…
Nhìn đàn kiến làm một cuộc hành quân dài từ phía hành lang tiến về phía tủ, giật mình nhớ mẩu sô-cô-la đang ăn dở cất trong ấy. Lôi ra. Trời, mấy chú quá đông vui, nhộn nhịp, đang tấn công ráo riết món ngon của mình. Mang miếng sô-cô-la và ẳm luôn mấy trăm chú ăn vụng ra hành lang, để gần nơi khởi điểm xuất quân của các chú, cho các chú khỏi mỏi chân bò về chốn cũ (thương mấy chú ghê, hổng có nền khoa học kỹ thuật gì cả, chẳng phát minh ra phương tiện đi lại nào, đường xa vạn dặm đến đâu cũng chỉ trông cậy vào mấy cái cẳng xíu xiu của mình thôi). Kiên nhẫn đợi các chú miễn cưỡng bò khỏi miếng sô-cô-la, mình bèn khoét thêm cái phần dấu răng của các chú để lại trên miếng sô-cô-la tặng khuyến mãi luôn cho các chú đỡ thòm thèm vì công cuộc ăn vụng bị phát giác.
Mình tưởng tượng: Nếu có một đứa bé và một người lớn thấy việc làm của mình. Người lớn sẽ liền nói: “Trời, khùng quá! Sao không giết lũ kiến cho sạch, lại còn “nuôi” nó nữa!” Đứa bé sẽ bảo: “Vui quá, khoét thêm một chút nữa cho tụi nó mừng đi…”
Mình thì nghĩ: Khi không cần thiết phải giết hại – dù là một sinh vật nhỏ nhất –sao ta cứ phải “tiện tay” giết hại làm gì. Mình không muốn “nuôi” kiến, chúng rất phiền toái, bất tiện cho cuộc sống của mình, điều đó đã đành. Vì cạnh tranh sinh tồn, con người phải giết con kiến. Con kiến giết cũng dễ ợt hà, nên ai cũng có thể giết vô tư, không mảy may áy náy. Nhưng không hiểu sao mình vẫn không thể thấy chẳng chùng tay khi giết một con kiến. Và cảm giác thật nhẹ lòng khi nhìn con kiến vẫn “được còn sống” líu ríu bò đi…
Đi mua chai xịt kiến về phun trước xung quanh, hù dọa kiến bả đừng bén mảng đến, để người nhà khỏi phải ra tay giết chúng. Vậy rồi lại ngồi nghĩ ngợi lung tung: “Ai cũng cấm tiệt đường rồi chúng lấy gì ăn?”. Ôi trời, ai biểu sinh ra làm thân con kiến, sinh đẻ ào ào, chẳng ích lợi gì. Sao hổng biết khôn làm mấy con này con kia trong sách đỏ, được nâng niu bảo vệ chăm sóc chu đáo thấy ham hông! Đồ con kiến! Ai biểu mày đông, mày không quí hiếm!
Hỡi bạn bồ tèo, một buổi đẹp trời, lòng không quạu quọ, thử một lần tha cho mấy con kiến khi bắt gặp nó ăn vụng chút thức ăn của mình coi. Cũng vui lắm đó. Thiệt mà, thử đi. Bảo đảm không có hại bằng thử dùng xì ke ma túy đâu! (Nhưng chắc là số người thử xì ke ma túy lại nhiều hơn số người thử không giết kiến một lần. Hu..hu..!!!)
Không phải trả bằng một giá quá đắt như thử xì ke ma túy, sao bạn hổng thử một lần khoan hồng (dù chỉ một lần thôi cũng được), không giết kiến để nếm thử chút xíu cảm giác từ bi…
* Ngày 22-3-2009
Chiều chủ nhật, cho lũ trẻ đi thả diều. Nhìn mấy con diều sặc sỡ đủ màu được sản xuất phong phú hàng loạt, chợt nao nao nhớ con diều tuổi thơ mình. Mùa này ngày xưa, cứ mười đứa con trai trong lớp là hết tám đứa bị cô giáo phạt vì tội rứt giấy tập vở để làm diều. Thương biết mấy!
Thôi, gát lại những cánh diều và bầu trời ký ức. Hãy biết hài lòng và thích thú yêu thương với những cánh diều và bầu trời của hôm nay. Đời vui lắm kiểu.
Bất chợt mà nghĩ: Nếu như có ông Bụt hiện ra và cho mình một phép mầu: Được quay lại sống từ đầu y như bao nhiêu năm qua đã sống. Nghĩa là được khuyến mãi cho thêm 46 năm tồn tại nữa trên đời, nhưng phải sống lại y chang những gì mà mình đã trãi suốt mấy chục năm qua, với những vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau từng có. Liệu mình có đồng ý không nhỉ?
– Nào, – Bụt nói – con hãy chọn đi, ngay bây giờ, hoặc con sẽ là một đứa bé sơ sinh với số tuổi khởi điểm là 1, đường đời dằng dặc thênh thang ở phía trước với những niềm vui nỗi buồn mà con đã biết; hoặc con vẫn là một phụ nữ hiện tại 46 tuổi, già khú tới nơi rồi, đường đời chỉ còn một khúc (một khúc dài bao nhiêu thì “thiên cơ bất khả lộ”, ta hổng nói ra đâu) nhưng chắc chắn một điều là quỹ thời gian để vớt vát vui chơi nhảy múa của con chẳng còn bao nhiêu nữa (đừng hòng năn nỉ ta bật mí quỹ thời gian ấy còn bao nhiêu, hoặc hối lộ ta gia hạn, cho thêm). Nào, chọn đi, ta cho con suy nghĩ 15 phút.
Mình xúc động dâng trào, quì xuống bẩm:
– Dạ thưa Bụt, con đội ơn Bụt nhiều lắm lắm vì đã hào phóng ban cho con một đặc ân. Đặc ân này quả là quá lớn, bởi thiên hạ cổ kim vật vả kiếm tìm, bằng mọi cách để được sống dài hơn dù chỉ chục năm cũng đã là mơ ước lớn; đằng này Bụt hào phóng cho con tới những 46 năm. Ôi , Bụt ơi! Không biết dùng lời gì để nói lên sự cảm kích của con. Nhưng con không cần đến 15 phút để trả lời đâu ạ, con…
Bụt lật đật cắt lời:
– Khoan nào con, suy nghĩ cho chín chắn, 15 phút cũng đâu có lâu lắc gì. Con hãy cho ta có dịp rảnh rang, đứng đây già chuyện chơi với con một lát. Ta làm Bụt đôi khi cũng ấm ức lắm, muốn chuyển ngành qua làm quân sư để được nói nhiều hơn cho đỡ xì-trét miên man. Bây giờ ta xin tì một tí, phân tích cho con nghe nha! Con định từ chối chớ gì? (Ta là Bụt, dòm bộ dạng cái mỏ của con là ta biết tỏng con sắp nói cái chi rồi!) Con ơi! Công bằng mà nói, con đã có một cuộc đời khá đẹp, hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Khối người mơ ước có được một cuộc sống như con. Làm Bụt, dòm ngó muôn nẻo thế gian, ta biết, số người khổ hơn con chen chúc khắp cõi trần. Con tuy tính tình hơi bi lụy, đa sầu đa cảm, nhưng ta biết con cũng có một mớ chỉ số IQ, đủ để công bằng nhận xét đánh giá đúng mức cái cấp độ hạnh phúc của mình so với chúng sinh đồng loại. Lẽ nào con không chọn nhận lấy phép mầu của ta để được sống lại 46 năm qua, với những tháng ngày trẻ trung xinh đẹp… Mà lại chọn lấy hiện tại ngang đây làm một bà già U50, ngó mà phát ngán?! (Phụ nữ mà nghe ta phân tích tới khoản này hổng nao lòng mới lạ! – Bụt nhịp nhịp cây phất trần, toát ra vẻ tự tin…).
– Dạ, con rất n…a…o… lòng – mình mếu máo – Con là đứa xí xọn cũng vào hàng có hạng; ham nhan sắc, sợ già sợ xấu lắm Bụt ơi! Con cũng muốn sống lại những ngày ấu thơ với nhiều kỷ niệm; con cũng nhớ mẹ thương cha, yêu quí anh chồng đã khuất; muốn gặp lại tất cả bạn bè người thân năm xưa biền biệt mù xa… Nhưng…
(Ngày mai viết tiếp)
* Ngày 24-3-2009
Chiều, dạo ra bờ sông gần nhà, thấy mấy chú nhóc tuổi chừng 15-16, tóc nhuộm hoe vàng, gương mặt trầm ngâm, trải chiếu ngồi chơi trên bãi cỏ. Nhìn hình tướng, tuổi tác các chú và kiểu ngồi trầm ngâm rất chỏi nhau. Bỗng dưng mình thấy sợ. Lạ vậy! Khi nhìn chúng rú ga chạy nhổng phao câu trên đường phố mình cũng thấy sợ, mà khi nhìn chúng ngồi rất trầm ngâm trên bãi cỏ xanh êm dịu dàng như thế này mình cũng thấy sợ! Mà bỗng dưng sao muốn bước đến ngồi xuống bên chúng, vuốt mấy cái đầu tóc hoe vàng kia, nhìn thật ngọt ngào vào những đôi mắt non tơ ấy, kể cho chúng nghe một câu chuyện cười, để được nghe tiếng chúng cười thật trẻ thơ trong trẻo… Ôi, sao bỗng dưng mà thấy thương lũ trẻ như thế đến nghẹn ngào…
Tối, mấy mẹ con lên sân thượng ngồi ngó sao, hóng gió mát. Mình đem vấn đề “sống lại những ngày đã qua” hỏi các con và bạn bè của con, đứa nào cũng tỏ vẻ thích thú và hào hứng trả lời. Mỗi đứa một cách, khá bất ngờ!
Định viết tiếp bài hôm qua nhưng cuộc chuyện trò trên sân thượng đã kéo dài quá khuya. Ngủ.
* Ngày 25-3-2009
Hôm nay tòa soạn đón Tổng biên tập mới. Sếp mới đi một vòng khắp các phòng chào hỏi bà con, bắt tay mỗi người cái. May mà mình bị què tay trái, còn tay phải để chào sếp cho đúng cạc-ta-lô. Làm “lính” hơn hai mươi năm, thời gian gần đây mình mới biết cảm thông những “nỗi niềm” của “thân phận” sếp. Nói đúng hơn là lòng “từ bi lênh láng” của mình đã tràn tuốt tới chỗ cao ráo nhất là ghế sếp luôn rồi. Mô Phật! Mong “Chúng sinh tình dữ vô tình tề thành Phật đạo”… (Ha…ha…Hổng chừng mình xạo pà kố đấy! Mình mong ai cũng biết tu hiền để đừng… ăn hiếp mình thôi, chớ có “từ bi lênh láng” gì đâu! Ha..ha… Thấy ghét!)
Nhắc vụ cái tay là phải kể chuyện này nha! Mình bị bác sĩ bắt phải đeo băng bột cho tới khi xương liền hẳn là bốn tháng. Trời! Bác sĩ nghĩ sao mà bắt “em” đeo cái món “trang sức” nặng nề này tới bốn tháng? Bắt đầu từ tuần thứ hai là trong đầu mình đã vạch ra rất nhiều “âm mưu” để tháo cái món nữ trang mà bệnh viện Sài Gòn ITO đeo cho mình. Tuy âm mưu rất nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu và tất cả đều thất bại. Đến tuần thứ năm, mình hạ thủ công phu thực hiện một âm mưu hoành tráng: Mình đến viện Y dược học dân tộc TP.HCM vào một buổi chiều đẹp trời; cười tươi như… (má của) hoa hậu và liến thoắng nói với thầy thuốc:
– Bác sĩ ơi! Cái tay tui gãy có chút xíu, xương không di lệch. Bên Tây y bắt bó bột hơn tháng nay rồi. Tình hình cũng rất khả quan; tuy nhiên tôi lại thích và tin tưởng vào cách điều trị của Đông y mình hơn, nên hôm nay tôi đến đây, xin được chuyển sang điều trị Đông y cho nó tốt. Nghe nói bên Đông Y mình có những bài thuốc bó xương rất thần kỳ, mau lành lắm. Vậy bác sĩ có thể cắt bỏ giùm tôi cái băng bột này, thay vào đó là bó thuốc Đông y…
Mình tin rằng lý lẽ của mình ngon ngọt như tinh túy muôn ngàn thứ mật của muôn vạn loài ong, vậy thì các “từ mẫu” phải xiêu lòng thôi. Nói xong, mình chìa ngay cái món trang sức thảm thương ra trước mặt vị lương y. Ánh mắt van lơn cầu khẩn và niềm hy vọng của mình tỏa ra bay háo hức rạng ngời lấp lánh xung quanh. Vậy mà… vài phút sau mình đã ấm ức nước mắt lưng tròng, lủi thủi bước ra khỏi bệnh viện với món trang sức không thể chia tay! Bác sĩ đã từ chối yêu cầu của mình với những lý do cũng “khôn ranh” không kém gì mình! Đúng là “kẻ cắp gặp bà già”!!!
Mình buồn quá! Tự nghĩ rằng: Thôi thì do cái nghiệp của mình, đành phải chịu! Nếu 120 ngày đeo cái món nữ trang hôi này chắc cái tay mình sẽ phải cưu mang một số dòi bọ đáng kể. Ngày tháo băng chắc dòi sẽ bò ra, mỗi con tha theo một quyển trường ca được chúng viết trong bốn tháng! Hu..hu… Tía má ơi!!!
Vậy rồi tự dưng bất ngờ một cú điện thoại mang niềm vui tới, vực dậy mình đang trong lúc buồn quằn quại miên man! Bác sĩ Quốc Anh muôn năm! (Xin phép bác sĩ cho ghi tên ra đây luôn vì mình đang phấn khởi quá!) Bác sĩ là người đẹp trai nhất trong các bác sĩ mà hồi nhỏ tới giờ tui biết. Đẹp thiệt nghen! Hổng nói giỡn đâu, đẹp hơn Nguyễn Chánh Tín hồi 29 tuổi luôn! Nếu Việt Nam mình mà làm phim kiểu như Anh em nhà bác sĩ cạnh tranh với Hàn Quốc và mời bác sĩ Quốc Anh đóng thì diễn viên Jang Dong Gun tuột hạng chắc luôn! (Ha…ha… Phải hỏi xin em bác sĩ này cái ảnh đưa lên đây làm bằng chứng mới được!) Bác sĩ kêu mình hai ngày nữa tới tháo cái băng này ra để thay bằng cái băng khác nhẹ nhàng hơn. Bác sĩ hỏi mình đeo băng được mấy tuần rồi? Mình trả lời: “ Sáu thế kỷ!”. (Thật ra mình mới đeo có năm tuần thôi nhưng mình ăn gian, nói thêm một tuần cho tăng phần thê thảm)
Mới hay, chuyện nhỏ như cái… băng bột, đeo vào tay chỉ hơn tháng mà mình vật vả như vầy. Thế mà những chuyện lớn hơn, kinh khủng hơn, mình đeo cả đời lại không tìm cách tháo gỡ. Sao lạ vậy ta???
Ngày 27-3-2009
Bỗng dưng mà thấy ngán vu vơ cho những ngày sắp tới. Hôm nay mình đi cưa cái băng trên tay. Cái băng làm bằng sợi thủy tinh cứng sắt mà mình phải mang hơn một tháng qua; cùng ăn cùng ngủ cùng gõ lóc cóc trên bàn phím… Mình đã từng ngày mong tháo bỏ nó ra, giờ nhìn nó được tách ra khỏi mình, nằm chơ vơ lăn lóc, bỗng thoáng thấy…thương nó. Người nhà hỏi có lấy cái băng về làm kỷ niệm không? Mình lắc đầu. Xưa nay mình vốn là người rất hay cất giữ những món đồ vật linh tinh, đến mức gần như lẩn thẩn. Có những mẩu giấy từ thời học sinh, bạn bè viết ném cho nhau – khi thì là mấy lời tinh nghịch tào lao, khi chỉ là “bùa” của bài kiểm tra copy nhau.v.v… – vậy mà mình cũng cất giữ rất cẩn thận tới bây giờ. Hôm nay, lần đầu tiên mình từ chối, không giữ lại một món kỷ niệm. Chẳng phải vì cái món này làm mình không thích. Mình đã bắt đầu biết buông bỏ? E rằng chưa. Có lẽ đây mới chỉ là ý thức “làm nháp” những việc nên làm. Bằng chứng là mình bỏ mà vẫn ngoái lại nhìn nó…
Bỗng dưng mà thấy ngán, thấy buồn vu vơ… Biết bao thứ cần buông bỏ mà ta có bỏ được đâu! Lòng ơi! Sao cứ nặng…
* Ngày 28-3-2009
(Viết tiếp bài hôm 23-3)
Sống lại…?
Bất chợt mà nghĩ: Nếu như có ông Bụt hiện ra và cho mình một phép mầu: Được quay lại sống từ đầu y như bao nhiêu năm qua đã sống. Nghĩa là được khuyến mãi cho thêm 46 năm tồn tại nữa trên đời, nhưng phải sống lại y chang những gì mà mình đã trãi suốt mấy chục năm qua, với những vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau từng có. Liệu mình có đồng ý không nhỉ?
– Nào, – Bụt nói – con hãy chọn đi, ngay bây giờ, hoặc con sẽ là một đứa bé sơ sinh với số tuổi khởi điểm là 1, đường đời dằng dặc thênh thang ở phía trước với những niềm vui nỗi buồn mà con đã biết; hoặc con vẫn là một phụ nữ hiện tại 46 tuổi, già khú tới nơi rồi, đường đời chỉ còn một khúc (một khúc dài bao nhiêu thì “thiên cơ bất khả lộ”, ta hổng nói ra đâu) nhưng chắc chắn một điều là quỹ thời gian để vớt vát vui chơi nhảy múa của con chẳng còn bao nhiêu nữa (đừng hòng năn nỉ ta bật mí quỹ thời gian ấy còn bao nhiêu, hoặc hối lộ ta gia hạn, cho thêm). Nào, chọn đi, ta cho con suy nghĩ 15 phút.
Mình xúc động dâng trào, quì xuống bẩm:
– Dạ thưa Bụt, con đội ơn Bụt nhiều lắm lắm vì đã hào phóng ban cho con một đặc ân. Đặc ân này quả là quá lớn, bởi thiên hạ cổ kim vật vả kiếm tìm, bằng mọi cách để được sống dài hơn dù chỉ chục năm cũng đã là mơ ước lớn; đằng này Bụt hào phóng cho con tới những 46 năm. Ôi , Bụt ơi! Không biết dùng lời gì để nói lên sự cảm kích của con. Nhưng con không cần đến 15 phút để trả lời đâu ạ, con…
Bụt lật đật cắt lời:
– Khoan nào con, suy nghĩ cho chín chắn, 15 phút cũng đâu có lâu lắc gì. Con hãy cho ta có dịp rảnh rang, đứng đây già chuyện chơi với con một lát. Ta làm Bụt đôi khi cũng ấm ức lắm, muốn chuyển ngành qua làm quân sư để được nói nhiều hơn cho đỡ xì-trét miên man. Bây giờ ta xin tì một tí, phân tích cho con nghe nha! Con định từ chối chớ gì? (Ta là Bụt, dòm bộ dạng cái mỏ của con là ta biết tỏng con sắp nói cái chi rồi!) Con ơi! Công bằng mà nói, con đã có một cuộc đời khá đẹp, hạnh phúc nhiều hơn đau khổ. Khối người mơ ước có được một cuộc sống như con. Làm Bụt, dòm ngó muôn nẻo thế gian, ta biết, số người khổ hơn con chen chúc khắp cõi trần. Con tuy tính tình hơi bi lụy, đa sầu đa cảm, nhưng ta biết con cũng có một mớ chỉ số IQ, đủ để công bằng nhận xét đánh giá đúng mức cái cấp độ hạnh phúc của mình so với chúng sinh đồng loại. Lẽ nào con không chọn nhận lấy phép mầu của ta để được sống lại 46 năm qua, với những tháng ngày trẻ trung xinh đẹp… Mà lại chọn lấy hiện tại ngang đây làm một bà già U50, ngó mà phát ngán?! (Phụ nữ mà nghe ta phân tích tới khoản này hổng nao lòng mới lạ! – Bụt nhịp nhịp cây phất trần, toát ra vẻ tự tin…).
– Dạ, con rất… n…a…o… lòng – mình mếu máo – Con là đứa xí xọn cũng vào hàng có hạng; ham nhan sắc, sợ già sợ xấu lắm Bụt ơi! Con cũng muốn sống lại những ngày ấu thơ với nhiều kỷ niệm; con cũng nhớ mẹ thương cha, yêu quí anh chồng đã khuất; muốn gặp lại tất cả bạn bè người thân năm xưa biền biệt mù xa… Nhưng… Con có cái bệnh mãn tính rất ngu là Hạnh phúc dễ quên, niềm đau hay nhớ. Hồi tưởng lại quãng đời đã qua, con mồn một rát rạt những kỷ niệm đau buồn, còn mấy điều vui vẻ thì con cười cái là quên văng muốn hết. May là mười mấy năm nay nhờ Phật pháp mà con được chữa trị bớt cái bệnh này, cũng đã biết quên, xả bỏ rất nhiều nỗi buồn ác tính. Tuy vậy, di căn của bệnh vẫn còn, chưa tiệt gốc. Do đó, thiệt tình mà nói, dòm lại quãng đời đã qua, con mắc ngán chớ hổng thấy gì ham. Con cũng công nhận rằng con đã có một quãng đời tạm cho là trên trung bình, 6 điểm về hạnh phúc và thành đạt so với khả năng thực chất thấp bé của con. Đôi lúc con cũng có hài lòng về những điều mình đã hành xử tốt trong mấy chục năm qua, nhưng với nhận thức của con hiện giờ, con thấy sống như quãng đời qua của mình có quá nhiều uổng phí, nên con chẳng muốn lại quay lại xài thêm mấy chục năm uổng phí như thế nữa rồi mới lại bắt đầu cái nhận thức mà con đang có ngày hôm nay. Bây giờ, dẫu con cũng chưa làm được gì ngon lành hơn những điều đã làm, nhưng đáng quí nhất là con có được sự hiểu biết và nhận thức mà con cho là rất hữu ích và có ý nghĩa thật sự cho một kiếp đời con.
Bụt lại nhịp nhịp cây phất trần, gật gật gù gù ra vẻ hài lòng rồi nói:
-Ừ! Con đã hiểu được như vậy thì ta cũng mừng. Thật ra, ta lấy đâu ra 46 năm tuổi thọ để khuyến mãi cho con, lại càng không thể bắt cả xã hội quay lại từ năm 1963 để cho con có bối cảnh sống y chang những ngày xưa cũ. Chẳng qua đây là bài trắc nghiệm tâm lý để thử tự nhìn lại mình thôi. Ta đã đem “bài” này tham khảo nhiều người. Thật bất ngờ là số người không muốn sống lại những ngày đã qua rất nhiều con ạ. Dẫu luôn hoài niệm, tiếc nuối quá khứ, nhưng ít ai muốn sống lại nó. Điều này nói lên nhiều vấn đề lắm, các nhà nghiên cứu tâm lý và xã hội học ắt diễn đạt rành rẽ hơn ta. Ta nói cà bơ cà bông vậy thôi nhưng chắc mọi người cũng hiểu (ai chưa hiểu từ từ cũng hiểu nếu không thuộc dạng tham lam si mê quá) À, già chuyện thêm chút nữa con nghe: Hôm rồi ta bay ngang chỗ sân khấu kịch Indecaf, thấy họ diễn cái kịch Pháp sư xuống núi, ta coi cọp một khúc, thấy vở kịch nói lên cái vấn đề cũng hay. Có ông pháp sư luyện được cái phép làm cho người chết dù mấy chục năm rồi cũng có thể sống lại, vậy mà cả bầu đoàn của ổng ế thê thảm vì thiên hạ ai cũng bù lu bù loa kêu khóc thương tiếc nhớ nhung những người thân đã chết, nhưng khi ổng đến tiếp thị rằng ổng có thể làm cho người chết sống lại thì hổng có ai mướn ổng mần hết! Ổng thất nghiệp ế đói thảm thương luôn! Và còn bị mọi người đuổi cổ hất bay về núi! Ha..ha… (Bụt cất giọng cười ha há có vẻ hơi… vô duyên nhưng rất thâm trầm, chua xót… ém nhiều ý nghĩa!)
Mình im re, ứ biết nói gì nữa. Bụt cười xong phát, vẫy phất trần cái rẹt, vừa tranh thủ bay vừa nói: “ta… đi… đây…”
Mình quay qua sống tiếp.
Và thỉnh thoảng “bất chợt mà nghĩ…”
Hôm nay viết trả lời cho mục Ý kiến bạn đọc trên website mình. Rất nhiều lần mình được hỏi về việc bản quyền, mình toàn trả lời lăng quăng lớ quớ. Bữa nay cũng vậy. Trả lời như vầy (với một bạn đọc xưng em. Có thể đọc đầy đủ ở đây:
http://www.thunguyetvn.com/suggestion.php):
“… Chị không biết nhiều về luật bản quyền và cũng không quan tâm mấy về việc bản quyền tác phẩm của mình.Chị viết là để bày tỏ lòng mình và mong những trang viết của mình có thể mang lại chút lợi ích nào đó cho người đọc nó; cho nên chỗ nào đăng lại tác phẩm, tạo điều kiện cho có nhiều người đọc là chị mừng húm; không cần quan tâm đến chuyện bản quyền. Chỗ nào đăng mà xin phép hoặc nói cho biết một tiếng thì mừng, mà hổng thèm xin phép, hổng thèm nói tiếng nào thì chị cũng hổng buồn. Còn chuyện tiền bạc, chị thấy mình hổng có tốn kém tiền bạc gì nhiều cho tác phẩm của mình nên cũng hổng cần thu lại tiền bạc, do vậy ai trả nhuận bút thì mừng, hổng trả cũng hổng buồn. hi..hi..”
Có thể sự dễ dãi này của mình rất sai. Chuyện bản quyền là hết sức cần thiết bởi nó thể hiện sự công bằng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động – nhất là đối với các ngành nghề mà tác giả phải bỏ vốn đầu tư bằng tiền bạc. Riêng với nhà văn, dẫu không phải bỏ vốn đầu tư nhiều bằng tiền bạc khi viết ra tác phẩm, nhưng sự lao động trí óc, thời gian và công sức bỏ ra cho tác phẩm là rất lớn. Có những nhà văn sống chủ yếu bằng ngòi bút của mình, do vậy, việc bảo vệ bản quyền là rất quan trọng. Nói chung, mình không đủ khả năng để nói nhiều về vấn đề này, chỉ tóm lại một điều mình thấy việc bản quyền là rất cần thiết. Còn riêng với cá nhân mình, mình dễ dãi với việc bản quyền vì mình có những lý do riêng, xin đừng ai rầy la và cũng đừng mang ra làm ví dụ để biện minh hay dẫn chứng cho việc này việc kia nha!
Không biết là có may mắn hay không khi mình khỏi phải mưu sinh bằng ngòi bút. Mình được tự do viết khi mình muốn viết và nghỉ khi…làm biếng. Không có điều gì thúc ép, bắt buộc mình ngoài cái ý thức “trách nhiệm nhà văn” của mình. Khi được tạo hóa ban cho cái khả năng có thể diễn đạt lòng mình bằng những trang viết – một phương tiện có thể chuyển tải suy nghĩ của mình đến với nhiều người – mình đã ý thức, mong muốn rằng sẽ mang đến cho mọi người đôi điều bổ ích nào đó qua những trang viết. Đó là cách mình góp phần nhỏ bé để đền bù lại cho cuộc đời, chuộc tội, bởi mình biết ít nhiều gì mình cũng đã góp phần “phá hoại” cuộc đời này ở một số điểm đáng kể… (chí ít cũng là tiêu tốn một lượng ô-xy không nhỏ cho việc hít thở hằng ngày…) Cho nên, có một số việc mà mình thấy cần phải có trách nhiệm “cống hiến” lại cho đời, không dám đòi trả công.
(có thể còn tiếp)
Lau cỏ mong manh
Có lẽ trước khi trở thành khu qui hoạch dân cư, những khoảng đất mênh mông này là những cánh đồng xen lẫn những bãi đất hoang với nhiều loại cỏ cây hỗn hợp. Người ta san lấp mặt bằng, kẽ vạch từng khu tăp tắp, nhưng thỉnh thoảng cũng chừa ra mấy chỗ có đám cây bần, cây tràm, bàu sen… hoặc những vạt dừa nước mới mọc, xòe lá loi nhoi lên trời. (Chỗ này phải mở ngoặc, làu bàu một câu mắc mớ: Cái anh dừa nước khi đã trưởng thành thì ngó coi còn được, cũng mang đến cho người ta khái niệm về cây; nhưng khi ảnh mới mọc thì dòm coi rất là lãng nhách! Những cái lá như tự dưng ai đem cắm xuống bùn, dòm rất… trơ trơ, không giống cây gì! Bởi cây gì thì khi mọc người ta cũng qua một qui trình lớp lang tử tế; còn ảnh, tự dưng ảnh lách đất xòe lên một tàu lá rất hiên ngang, cao lớ ngớ, không ra cây, không ra cành, cứ lỏi chỏi lổng chổng rải rác không nên một trật tự nào. Nhìn đám dừa nước mới mọc, cảm giác như nhìn một công trình của “nghệ thuật sắp đặt” nào đó đang lỡ dở… Mình làu bàu theo cảm tính con mắt vậy thôi, có thể là trật lất, mong nếu có nhà “dừa nước học” nào đó thấy trớt quớt thì đừng có la mình nghen!)
Ở những khu qui hoạch dân cư như thế, bên cạnh mấy con đường nhựa mới láng, những căn nhà hiện đại, những ngôi biệt thự điệu đàng làm dáng chung một kiểu cách..v.v… là những vạt cỏ hoang chen chúc xanh rất hồn nhiên. Nhiều cỏ lắm! Dẫu dường như cỏ cũng có sự phân chia “cộng đồng” – có đám rặt cỏ này, có đám rặt cỏ kia – nhưng trong nhóm cộng đồng ấy, thỉnh thoảng chen vào “các dân tộc anh em” là những chủng loại cỏ khác. Chúng hồn nhiên mọc cạnh nhau, leo bò chen chúc nhau rất vô tư hòa thuận, đứa nào cũng đủ xanh, cũng đủ héo, cũng đủ để nở hoa, kết hạt và rụng xuống cho mùa sau. Sẵn sàng cho bị nhổ, bị đốt và cũng rất sẵn sàng lì lợm rủ nhau kết dề, kết đám mọc lên…
Nhìn mấy đám cỏ mật, cỏ gạo… xanh tốt non mềm mà hùi hụi nhớ bầy bò của mấy thằng bạn thời xưa. (Mấy thằng khỉ chăn bò ấy chẳng bao giờ biết ga-lăng. Nhà mình không có bò, muốn cưỡi bò phải nhịn ăn cà rem lấy tiền “mướn” bò của chúng để cưỡi. Tới bây giờ nhớ lại còn thấy ghét!) Trời, tự dưng vô duyên ác! Nhìn đám cỏ xanh tươi như vậy mà bỗng liên tưởng tới cái mỏ bò, hổng lãng mạn gì hết trơn!
Thơ mộng nhất là những vạt cỏ lau bông trắng mảnh mai phất phơ theo gió. Cỏ lau thì xin đừng mọc dày quá, cứ lưa thưa mới nhìn thấy hết vẻ mảnh mai. Cái đẹp mong manh mà không yếu ớt của cỏ lau đã khơi gợi xưa nay biết bao cảm xúc. Riêng với mình, mỗi lần nhìn cỏ lau là thấy nể nó làm sao! Gió nhẹ cũng lay, gió mạnh cũng lay, gió cỡ nào cũng lay vậy vậy… Rồi tỉnh queo đứng đó, lại tỉnh queo lay lắt ngã nghiêng… Cứ tỉnh queo mà nghiêng ngã hoài, như không, như chơi vậy! Ôi! Xin rạp người kính nể trước cỏ lau!
Nơi đây, những ngôi nhà rồi sẽ lần lượt mọc lên. Những vạt cỏ lau rồi sẽ lặng lẽ hụp sâu, chôn vùi dưới bê tông sắt thép. Mai đây, những cơn gió của khoảng trời này sẽ không còn gặp lại cỏ lau nay, sẽ không còn được vuốt qua những cái uốn mình dịu dàng an nhiên mềm mại của cỏ lau. Những ngọn gió của khoảng trời này rồi sẽ vờn qua những khoảnh sân tranh thủ chen chúc đầy các loài hoa sang trọng. Cảm giác của gió sẽ ra sao? Có bất chợt khi nào nhớ tới cỏ lau xưa không hở gió???…
Trời ơi tự dưng mà đi lo cho gió. Hãy lo mà nhớ hình ảnh của cỏ lau kìa!
Những dòng này mình sẽ mang ra đọc cho cỏ lau nghe, rồi xé vụn gởi gió rải quanh gốc cỏ…
Đứng bên cỏ lau mà nao lòng nhớ thương biết mấy cỏ lau…
Đeo kính
Con gái học đại học năm thứ nhất, được lãnh tiền học bổng, muốn mua tặng mẹ một món quà làm kỳ niệm cho có ý nghĩa. Suy nghĩ vật vã mấy ngày liền mới tìm ra được món quà phù hợp: một cái kiếng mát.
Hổng biết mình có họ hàng xa xôi gì với ông Azit Nê-xin(*) không, mà đời mình xưa nay chưa bao giờ có một “cái kính” nào úp lên mặt coi cho được! Thời còn đi làm hằng ngày bằng xe gắn máy, nhong nhong suốt ngày ngoài đường nắng nôi khói bụi, buộc phải đeo kính bảo vệ mắt, mình đã sắm rất nhiếu kính, nhưng chưa một cái nào không bị mọi người cười. Không một cái kính nào dung nạp được gương mặt vô duyên của mình. Bó tay, mình đành đeo kính kiểu như thợ hàn cho bà con hết đường bình phẩm.
Nhớ lần đi Hàn Quốc, nhỏng nhảnh hết khu này phố nọ, chui xuống lòng đất leo vót tầng cao, quà cáp cho bạn bè người thân tha về đủ cả, nhưng chưa sắm được món gì cho mình, liền nhủi xuống một khu mua bán khá sầm uất dưới tầng ngầm gần khách sạn, dạo rã cẳng và ra dấu mỏi tay rồi thì cũng mua được một món cho mình. Đó là một cái kính mát, hai tròng bự chảng, tròn vo như hai cái đít chai xá xị, gọng nhựa giả đồi mồi lốm đốm quằn quện. Tha cái kính về phòng, ngượng ngịu khoe với nhỏ Tư (Nguyễn Ngọc Tư): “Tao mới mua tầm bậy một cái kiếng” rồi cố rặn cười giễu cợt rào đón trước cho đỡ quê. Con Tư ngó ngó, mần thinh, chắc nó đang cố gắng bí mật vận công để kềm giữ cái lưỡi trong họng khỏi văng ra tiếng kêu trời. Mình bảo vệ cái kính về nước, tới nhà mới lấy ra đeo lần đầu tiên trước mặt đám con. Đàn con ba đứa, hai đứa cười hai kiểu, một đứa kêu lên: “Giống cú vọ quá mẹ ơi!”. Cái kính dù rất tào lao nhưng vì mua cũng mắc tiền (so với mấy cái kính giá bằng ba ổ bánh mì trước đây của mình) và mua ở “nước ngoài” nên mình cũng ráng đeo chu du vênh váo khắp đường phố Sài Gòn suốt thời gian qua cho bõ.
Phen này, con gái quyết tâm “giải thoát” mẹ khỏi nỗi ám ảnh về kính, bèn cùng với các bạn của nó kỳ công lùng sục tìm mua cho mẹ một cái kính với quyết tâm thay đổi cái “nhìn đời” cho mẹ thật đẹp. Kính con mua có cái vỏ bao đẹp thiệt, màu nâu sang trọng và tân kỳ. Cái kính ngó coi cũng đẹp, có vẻ mô-đen, quí phái; nhưng khi úp lên cái mặt mình thì lại… tiếp tục truyền thống vô duyên! Đeo cái kính mình không dám ngậm miệng lại, cứ phải ngoác ra cười để cho con không thấy xấu.
Cái kính con mua, tròng có màu vàng nâu. Đó lại là một điều trở ngại khiến mình không muốn đeo nó. Xưa nay mình không thể úp cái kính màu gì lên mắt quá năm phút. Mình không chịu được cái cảm giác nhìn mọi vật xung quanh không đúng với màu sắc thật sự của nó. Nhiều khi, nhìn thấy cái mắt kính của ai đó có màu này màu nọ, mình xí xớn chộp lấy gắn lên mắt coi chơi một cái, nhìn ngó dáo dác xung quanh thấy mọi vật đổi màu thấy cũng hay hay, nhưng rồi phải tháo ra ngay. Có lần đi đường nắng quá, chói chảy cả nước mắt, mình ghé vô tiệm mua một cái kính râm, mang vô. Thiệt dễ chịu khi đi giữa nắng chang chang mà có cảm giác như đi trong hoàng hôm êm ả. Nhưng năm phút sau là mình lại tháo ra. Mình cứ có cảm giác như ảo ảo thế nào, không chịu được. Mây không phải là mây, trời không phải là trời, cỏ cây không phải là cây cỏ, nó cứ như thế thế nào nào…
Nhưng để đẹp lòng con, mình phải ráng đeo cái kính. Mỗi lần đeo kính phải ngoác miệng ra cười để không bị chê xấu, vì dường như Mụ Bà biết tính mình hay ủ rũ bi quan, lúc nào cũng buồn miên man nên khi nặn gương mặt mình bèn ban cho nụ cười cứu chữa; muốn người đối diện không bất bình, ngoảnh mặt quay đi che tay mà ói trước “nhan sắc” của mình thì mình phải há mỏ ra mà cười thường trực.
Để đẹp lòng con, mình phải đeo cái kính, dù không thích cái cảm giác nhìn mọi vật không đúng màu sắc của nó, mình cũng phải tập cho quen. Phải tự rầy mình: Cớ gì phải dị ứng với cái kính màu, cớ gì cứ nhất thiết phải nhìn sự vật đúng y như màu sắc thiệt của nó, ta cứ nhìn mọi vật qua màu kính, miễn là luôn biết rằng ta đang đeo kính… Vậy cũng tốt chớ sao.
Cám ơn con đã lần thứ hơn 1001 cho mẹ cái sự tự vượt qua mình. Từ lúc sinh con, bắt đầu làm mẹ, cực khổ nuôi con, dạy con, chịu đựng hy sinh không biết bao nhiêu điều… Mỗi lần như vậy là một lần ta lại vượt qua mình.
Giờ đeo cái kính của con mua, khi dòm ngó mọi vật, ta luôn phải tự nhắc mình rằng: Cái này coi vậy mà hổng phải vậy, cái kia coi vậy mà hổng phải vậy, tại cái kính làm mắt mình nhìn thấy vậy thôi. Sự thật không phải như mình thấy.
Cám ơn cái kính nhắc ta biết: đâu phải ta nhìn sự thật đúng như nó thì nó mới thật. Ta nhìn nó như thế nào thì nó vẫn cứ “như nó đang là”, đâu có thể khác hơn.
Biết bao điều có thể rút ra từ cái kính đeo mắt, và vấn đề chủ yếu là ta phải nhớ rằng mắt mình đang trong tình trạng như thế nào, đang “đeo kính” màu gì, đeo kính loại gì?… để đừng hiểu quá sai sự thật.
Và thậm chí ngay cả khi không đeo kính thì chắc gì ta đã nhìn mọi việc đúng như thật, bởi mắt ta không chỉ có khả năng đeo kính mà còn có thể đeo nhiều thứ khác như định kiến, chủ quan, si mê, lệch lạc..
Nhớ nghen!
Cô đơn cũng đắt!
99,99% nhân loại ắt ít nhất một lần trong đời có cảm giác cô đơn. Vậy ra anh chàng Cô Văn Đơn này chắc bạn bè vô kể? Không hề!
Ai cũng “cảm thấy” cô đơn, thậm chí là lắm người còn có “nhu cầu cô đơn” nữa kia. Thế nhưng thật ra hổng ai thật sự cô đơn cả. Anh chàng Cô Đơn mãi mãi cô đơn, chẳng bao giờ có được tri âm.
Sâu thẳm cái cảm giác cô đơn của con người vẫn chỉ là sự phô trương khéo léo, tinh vi biểu diễn cái TÔI của mình mà thôi. Khi có cảm giác cô đơn, ta vi tế muốn bày tỏ cho ai đó biết là tui đang cô đơn dữ lắm à nghen! Dù ra vẻ im lìm lặng lẽ, giấu kín sự cô đơn nhưng nếu thiệt tình hổng ai biết tui đang cô đơn là tui…cô đơn chết bà luôn á! Vì nếu có cô đơn thiệt như vậy thì… cô đơn hãi hùng lắm, chịu sao thấu!!!
Anh Cô Đơn ơi, tui ra vẻ thân thiện, bằng hữu với anh vậy thôi, chớ thật ra tui hổng chung đường với anh được đâu. Thôi thì anh cứ lơ lửng trên cao, lâu lâu tui vói tay khều anh một cái cho thiên hạ thấy cái… bàn tay tui chơi thôi, chớ anh mà dợm giơ tay ra là tui hốt hồn rút tay cái véo!
Nhu cầu BẦY ĐÀN của con người bao trùm vô số lớp. Ít ai ngoi, nhoài, thoát ra khỏi nó.
Cho nên, thỉnh thoảng có ai nhắn tin, gọi điện than: “Cô đơn quá!” là mình cố gắng ém cười kẻo bị rủa là đồ vô cảm! Hí…hí… bạn ơi, khi mà bạn còn “cảm thấy” cô đơn, nói được câu đó là còn khuya bạn mới biết được thế nào là cô đơn.
Ve vãn được anh Cô Đơn đâu có dễ! Mặc dù ảnh hổng vạm vỡ đẹp trai, nhưng ảnh oai. Ai sở hữu được ảnh đều thấy mình biệt lập, cao lỏi chỏi.
Nhưng mình biết chắc, anh Cô Đơn mãi mãi cô đơn, bạn bè lúc nhúc, hàng xóm rần rần chớ tri âm thì rỗng láng, hổng có ai hết. Ai cũng rên: “Tui cô đơn lắm” nhưng thiệt tình thì từng phút từng giờ mãi miết nhả tơ giăng mắc miệt mài…
Bởi vậy, thấy mà thương anh Cô Đơn quá! Đời trụi lủi chẳng có gì mà còn bị thiên hạ vây quanh nhận vơ, giả dạng quá trời!
Đời phong phú thiệt, cái gì cũng có thể trở thành “mốt”, kể cả nỗi buồn, kể cả cô đơn! Vì loài người đông đúc quá, món nào cũng đắt!
“Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”
Một bữa có người thân “phê bình” rằng ta không chú trọng đến quan điểm về bạn bè của con cái, để lũ trẻ sống hơi bị tách biệt với thế giới bạn bè xung quanh; rằng ta làm “lây nhiễm” lũ trẻ cái tính cô đơn, rất không tốt cho tuổi trẻ.
Ta biết, “bầy đàn” là một nhu cầu rất lớn của con người. Bạn bè là nhu cầu rất lớn của tuổi trẻ – mà không riêng gì tuổi trẻ, tuổi nào cũng vậy. Mỗi khi thấy lão Sơn Núi (nhà thơ Nguyễn Đức Sơn) từng ẩn cư trên núi đồi Bảo Lộc hơn 30 năm qua mà giờ cứ nhắn tin kêu gọi mọi người lên chơi là ta ngậm ngùi nghĩ về nhu cầu bầy đàn của con người!
Khi ta hỏi cô con gái 17 tuổi: “Nếu cho con ba điều ước, con sẽ ước gì?” Con trả lời: “Một trong ba điều ước của con là mơ ước có một môi trường bạn bè tốt…”. Nghe con ước vậy là ta biết nhu cầu bạn bạn bè đối với con quan trọng như thế nào. Khi con than thở: “Bạn bè trong trường lớp của con bây giờ rất chán! Con chỉ có hai đứa bạn thân từ hồi cấp I đến giờ…” Ta bật cười: “Phải thay chữ chỉ bằng chữ đã vì hai đứa là ngon lắm rồi!” Và ta búng thêm một câu chữ Hán cho thêm phần hàn lâm văn tự: “Quí hồ tinh bất quí hồ đa…” Vẫn thấy chưa yên tâm, ta bèn chèn thêm “bản sắc văn hóa dân tộc” bằng dẫn chứng mấy câu thơ Nguyễn Bính:
Từ dạo về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu…
Rồi giảng giải với con: “Nguyễn Bính nói thà lẻ loi ngồi ngó cái thềm mọc rêu xanh biếc nỗi cô đơn còn hơn dòm thấy có mấy cái dấu chân của những người bạn xấu rộn ràng in lên đó”. Sự cô đơn có thể mang đến cho ta nhiều điều không hay, nhưng nó cũng có thể giúp ta trưởng thành hơn về tư tưởng. Thời gian bỏ ra để lăng xăng với các mối quan hệ không ra gì, thà rằng để ngồi không, thở vặt!
Có người sẽ bảo: Điều gì cũng đem lại cho ta bổ ích nếu ta biết xử lý, vận dụng; chơi với bạn xấu cũng đem lại cho ta bài học kinh nghiệm này kia… Ồ không! Sao lại nhúng chân xuống bùn rồi đi rửa “cho biết” cái cảm giác bùn. Biết làm gì? Còn biết bao cảm giác tốt hơn khác mà ta chưa biết, sao không tìm hiểu cho biết, lại đi thử chi cái cảm giác xấu? Có người lại sẽ bảo: Phải biết cái cảm giác xấu như thế nào thì mới cảm nhận tốt hơn cái cảm giác tốt chứ. Ái chà! Cũng giống như ta thử chặt một cánh tay mình đi để tận hưởng thế nào cái cảm giác tuyệt vời khi có đủ hai tay!
Thôi, con! Hãy hài lòng với cái cảm giác bình thường khi ta có hai tay, đừng tìm hiểu cao siêu tột đỉnh làm gì cái cảm giác ấy mà phải chịu chặt thử một cánh tay. Tay không thể mọc lại được đâu! Đừng coi thường những điều ta tưởng là chỉ… “thử” thôi! Đừng biện luận rằng để rút ra kinh nghiệm, trãi nghiệm… này kia đó nọ… Nguy hiểm lắm!!! Nếu chịu cụt một cánh tay chỉ vì để biết cái cảm giác tuyệt vời thế nào khi có hai tay thì có nên đổi không?
Hãy đành cứ sống cô đơn nếu không tìm được sự rộn ràng có ích.
Hãy đành cứ sống buồn nếu không tìm được niềm vui có ý nghĩa.
Cảm giác tích cực hay tiêu cực không nằm trên những qui chuẩn bề nổi; nó nằm trong chính kiến cái cảm giác của ta.
Cái thềm là để chân người lui tới, nhưng cái thềm vẫn không vô ích khi chỉ để rêu mọc biếc xanh…
Vậy, nếu không có những bàn chân tử tế, thì:
“Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”…
23/11/2009:
Ai rảnh thì coi truyền hình chơi…
Đã lâu rồi, ta biết thân biết phận, biết nghe theo lời nói của nhà văn Trang Thế Hy: “…đi chỗ khác chơi, không bẹo hình bẹo dạng…” nên đều từ chối các cuộc có mặt trước đông người. Vậy mà hôm rồi, có lẽ vì đang trong chuyến đi chơi phấn khởi, lại đang đứng trước cổng một ngôi chùa hoành tráng nhất Đông Nam Á (chùa Bái Đính- Ninh Bình) nên khi nhận được cuộc điện thoại của em Thăng (chương trình Sức Sống Mới) mời tham gia chương trình trên tivi, ta đã xiêu lòng sau khi bị em thuyết phục rằng: “Chị tham gia chương trình này đi, cũng là một cách góp phần giúp ích cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, để họ có thêm sự động viên làm nghị lực vượt khó…. đó cũng là cách chị…làm từ thiện…” Hi..hi.. nghe cũng thấy có lý! Vậy là gật.
Và đây là phần trích cái kịch bản chương trình:
(Mình chỉ đưa lên đây phần mình soạn để trả lời cho trường hợp mình thôi, còn phần của hai vị khách mời kia mình không dám đưa lên vì sợ… vi phạm bản quyền. Các bạn muốn biết thì xin mời đón xem chương trình Sức Sống Mới, dự kiến sẽ phát sóng vào lúc 11giờ ngày 7/12/2009 trên VTV1 và phát lại vào lúc sau 19giờ cùng ngày trên VTV4)
TRUNG DŨNG (dẫn chương trình)
Gần đây chắc Mai có nghe nói đến cuốn tự truyện “Bài giảng cuối cùng” của giáo sư Randy Pausch (người Mỹ)?
THANH MAI (dẫn chương trình)
Có chứ, Mai có theo dõi vài kỳ trích đăng trên báo Tuổi Trẻ! Khi biết mình chỉ còn sống được vài tháng, giáo sư Randy đã đăng ký thuyết trình bài giảng cuối cùng ở trường đại học nơi mình dạy và viết cuốn tự truyện, xem như là để lại “di sản” cho ba đứa con thơ. Có thể thấy trong đó gói ghém bao nhiêu tình cảm của người chồng, người cha trước khi vĩnh viễn rời xa vợ con, đọc rất xúc động!
TRUNG DŨNG
Vị giáo sư 47 tuổi đã trân trọng từng giây phút còn được sống và đã làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho cuộc sống của vợ con sau khi mình vắng bóng. Nhưng dù thế nào thì mất đi người bạn đời cũng là nỗi đau quá lớn cho người ở lại đúng không Mai?
THANH MAI
Dĩ nhiên rồi, “làm người ở lại bao giờ cũng buồn” mà. Nhưng điều quan trọng là họ làm thế nào để vượt qua? Hôm nay chúng ta sẽ được chia sẻ câu chuyện của hai người ở lại như thế, đó là nhà thơ Thu Nguyệt, vợ cố họa sĩ Nguyễn Việt Hải và chị Hải Anh, vợ cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền!
Trước khi gặp gỡ các vị khách mời, xin mời quý vị cùng xem qua một số hình ảnh sau đây!
Insert hình ảnh gia đình của DD Huỳnh Phúc Điền và Họa sĩ Nguyễn Việt Hải (45’’)
THANH MAI
Xin giới thiệu đến quý vị:
+ Nhà Thơ Thu Nguyệt
+ Chị Hải Anh
+ Cùng tham gia trò chuyện còn có Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, một gương mặt hết sức quen thuộc của chương trình.
Trích kịch bản:
….Chị Thu Nguyệt thì sao ạ? Sau khi anh Hải ra đi, chị mất bao lâu để trở lại nhịp sống bình thường hả chị?
THU NGUYỆT:
Trước những biến cố của cuộc đời, mỗi người có một cách phản ứng và sức chịu đựng rất khác nhau. Có người vững vàng, mạnh mẽ, có người thì lung lay, yếu đuối. Riêng với tôi – một người phụ nữ làm thơ, tâm hồn vốn mong manh nhạy cảm – thì biến cố lớn như vậy quả là đã tác động đến tôi một cách kinh khủng. Nhưng đúng như những nhà khoa học đã nói, sức chịu đựng và khả năng thích nghi của con người là rất lớn, lớn hơn ta nghĩ rất nhiều. Tôi đã không ngờ rằng mình có thể “giỏi” (cười) như vậy.
Bây giờ, tôi có thể điềm tĩnh nói về những ngày tháng kinh khủng của mình đã qua, nhưng thật sự thì lúc ấy tôi đã vật vã rất nhiều. Phải sau 3 năm kể từ ngày anh Hải mất, tôi mới lấy lại được cân bằng về tinh thần và bình thường hóa được mọi việc trong gia đình cũng như các mối quan hệ. Nói vui là thời gian làm “nhiếp chính” của tôi rất lâu. Từ một vị “hoàng hậu” suốt ngày ngắm hoa đuổi bướm làm thơ… giờ bỗng phải leo lên ghế mần vua mà trọi lỏi hổng có thừa tướng, quốc công gì hết, tôi giống như con lật đật, chao đảo tứ tung, nhưng rồi mọi sự cũng trở về chu tất. Cũng may là những cơn sóng gió ấy chỉ diễn ra bên trong đời sống nội tâm, còn bên ngoài thì tôi vẫn vững vàng trong mọi việc. Ví dụ như khi đi làm, khi lên cơn buồn, tôi chui vô nhà vệ sinh ngồi khóc cho đã rồi chạy ra lấy nước đá đắp lên mặt cho hết sưng đỏ rồi vô phòng làm việc tiếp, hoặc khi đi đón con, thấy con người ta có cha mẹ đi đón, chở đi chơi.v.v.. tôi lấy kiếng đeo mắt, bịt khẩu trang để con tôi đừng thấy tôi ròng ròng nước mắt… Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng khi ta biết kềm chế, đè nén những cảm xúc tiêu cực thì cảm xúc tích cực sẽ đến giúp ta. Là một người làm thơ, cảm xúc, tâm hồn tôi đa đoan nhạy cảm, mong manh lắm, nhưng may mà tôi rất hiểu điều đó, tôi luôn ý thức rằng mình phải tự kiểm soát và bình tỉnh sáng suốt điều tiết cảm xúc của mình, không được yếu đuối, nuông chiều những cơn xúc động của mình. Khi cơn buồn đến, tôi thường có ba cách đối phó: Thứ nhất là tự “lên lớp” chấn chỉnh tư tưởng của mình; khi mà không “dạy bảo” được mình thì phương án đối phó tiếp theo là tìm việc gì đó để làm cho quên; nếu làm tá lả mà vẫn hổng quên thì hạ sách cuối cùng là tìm một chỗ nào đó trốn vào và thả mình buồn cho đã, bằng cách khóc cho cật lực! Và sau “cao trào” sẽ là … “thoái trào”, mình sẽ vơi buồn đi rất nhiều! (cười…)
… Còn với chị Thu Nguyệt thì chắc có thể gói gọn bao nhiêu năm chung sống cùng anh Hải trong hai câu ca dao:
“Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”?
THU NGUYỆT:
Vợ chồng tôi đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, lớn lên đi làm việc ở cơ quan nhà nước thời bao cấp nên nghèo thêm một bậc, cả hai vợ chồng đều là văn nghệ sĩ phóng khoáng nên cái nghèo lại càng “mênh mông” hơn! Tôi nhớ anh Hải thời ấy sống một mình đã không đủ, vậy mà khi có một đứa học trò lạ hoắc ở tận vùng sâu Đồng Tháp Mười, nghe danh mến mộ anh, vác ba lô tìm đến phòng tập thể cơ quan nơi anh ở, nói: “Em muốn học vẽ, muốn trở thành họa sĩ, nhưng em nghèo quá, không theo học ở đâu được, vậy anh dạy giùm em và nuôi em luôn nghen?” Vậy là xong. Nhà thêm một miệng ăn và một cái chiếu ngủ.
Khi tôi mang thai đứa con đầu lòng, đến ngày sắp sinh mà không biết lấy tiền đâu để chi cho chuyến vượt cạn, anh Hải bèn “sáng kiến” ra một cách là… nghỉ việc để nhận tiền trợ cấp thôi việc cho vợ đi đẻ!!! Rồi anh khăn gói lên Sài Gòn làm… cu li. Công việc đầu tiên của anh là làm công nhân thi công cho cái tượng đài của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, cái tượng ấy bây giờ đang đặt ở ngã Sáu (đầu đường Điện Biên Phủ) TP. HCM mình đó. Từ một anh họa sĩ cầm cọ, giờ phải làm công việc nặng nhọc, phồng hết cả hai tay, nhưng bàn tay ấy cầm bút viết thư gửi về nhà vẫn mượt mà và lãng mạn đến mức anh viết hẵn riêng một lá thư cho cô con gái đầu lòng mới tròn một tháng tuổi. (Lá thư ấy vẫn còn đây và hầu hết bạn bè, người thân ai đọc qua cũng khóc!)
Sau đó thì anh bắt đầu vào làm họa sĩ trình bày cho báo Tia Sáng, rồi chạy sô cho một số tờ báo, tạp chí khác nữa. Cuối cùng thì mới được nhận về làm họa sĩ trình bày cho báo Tuổi Trẻ. Năm 1992 thì tôi mới chịu rời quê hương, ẳm con lên Sài Gòn với anh. Ban đầu là trọ nhờ nhà bạn, sau đó thuê căn nhà tình nghĩa của một anh thương binh để ở. Năm 1995 thì mua trả góp được căn nhà của một người bạn ở Thủ Đức, và hiện nay tôi đang sống ở đấy.
…Người ta nói sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Được biết chị Thu Nguyệt học ở trường viết văn Nguyễn Du –Hà Nội ra, sau khi làm việc ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng tháp và rồi lên TP.HCM làm việc ở báo Văn Hóa , nhưng khi chuyển nhà về Thủ Đức thì chị quyết định ở nhà để chăm sóc gia đình. Quyết định như vậy ở thời điểm ấy với chị có khó khăn không?
THU NGUYỆT:
Khi quyết định không đi làm việc mà chỉ ở nhà để mang tiếng là để chồng nuôi, tôi bị gia đình và bạn bè góp ý nhiều lắm! Ai cũng bảo rằng tôi được học hành đàng hoàng, có khả năng làm việc, sao không đi ra xã hội mà khẳng định vị trí của mình, lại lui về ở nhà nội trợ, mang tiếng là để chồng nuôi. Tôi cười nói ngay: “Ủa, chồng nuôi thì quá vui chớ có gì mắc cỡ?” Là phụ nữ nhưng quan điểm của tôi là không ủng hộ chuyện bình đẳng nam nữ, tôi chỉ ủng hộ chuyện bình đẳng về con người. Là con người thì có quyền bình đẳng như nhau. Còn giữa nam và nữ thì có những đặc thù khác nhau, làm sao cứ cào bằng được. Nam có lợi thế của nam, nữ có lợi thế của nữ, vấn đề là ta phát huy lợi thế của mình để làm việc cho hiệu quả nhất, chớ không nhất thiết cứ phải đàn ông phải làm được việc của đàn bà và đàn bà cứ phải gồng lên làm cho được việc của đàn ông để chứng tỏ mình ngon ngang cỡ… đàn ông! (Tôi cho rằng đòi quyền bình đẳng nam nữ là vô tình tự hạ thấp phụ nữ! vấn đề này có dịp ta sẽ trao đổi trong lúc khác… – cười…) Trong gia đình, nếu cần thiết thì cả hai vợ chồng cùng làm việc kiếm tiền hỗ trợ cho nhau, nếu không cần thiết thì chỉ cần có sự phân công hợp lý, thế nào cho tốt nhất, mang lại niềm vui, hạnh phúc nhất cho gia đình mình là được.
Riêng trường hợp của tôi, là nhà văn, muốn khẳng định vị trí của mình thì khẳng định bằng tác phẩm chớ đâu phải bằng công việc gì hay chức nọ tước kia. Tôi đã ở nhà 8 năm như ở ẩn. Đây là thời gian thú vị nhất, tôi vùi đầu vào đọc sách, nghiên cứu Phật giáo. Chính nhờ vào thời gian này, đã vun đắp cho tư tưởng tôi có được sự vững vàng và sáng suốt hơn, để sau này đối diện với hoàn cảnh khó khăn cực kỳ mà vẫn cứng cáp và vượt qua vững vàng.
….Như chị Hải Anh là đã có một khoảng thời gian để tự trấn an và bình tĩnh chấp nhận điều sẽ đến. Nhưng với chị Thu Nguyệt thì anh Hải ra đi hết sức đột ngột, chị tiếp nhận cú sốc đó như thế nào ạ?
THU NGUYỆT:
Đó là những ngày nặng nề nhất cuộc đời tôi. Tôi mất mẹ sớm nên tất cả tình yêu thương tôi dồn cả vào ba, vậy mà trong vòng mấy tháng tôi phải đội lên đầu hai cái đại tang là tang cha và tang chồng. Lúc anh Hải mất, tôi đang ở trong bệnh viện ở dưới quê chăm sóc cho ba tôi. Anh Hải ở nhà chỉ có một mình, ba đứa con đều theo tôi về quê. Khi hay tin anh mất, tôi được cơ quan cũ là Hội Văn Nghệ Đồng Tháp cho xe đưa ngay về TP. Ngồi trên xe mà tôi như người mất hồn, chẳng biết mình sẽ làm sao để lo được cái việc trước mắt là đám tang cho anh, vì sự thật là trong nhà tôi lúc đó không còn được đến 3 triệu đồng! Lúc còn sống, anh Hải làm được khá nhiều tiền, nhưng chúng tôi không hề giữ tiền, có bao nhiêu là đem giúp người khác hết. Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau này gia đình tôi luôn được nhiều người giúp đỡ. Trong suốt đám tang anh Hải, tôi như người ngơ ngẩn, tất cả mọi việc là do cơ quan báo Tuổi Trẻ lo chu đáo đến từng chi tiết. Còn việc cúng kiến thì do quí thầy cô ở các chùa đảm trách rất tận tình, hoàn mãn; nhà chùa nấu cơm mang đến tận nhà cúng hằng ngày cho đến đủ 49 ngày, tôi không phải lo lắng điều gì dù là việc nhỏ nhất. Tất cả sự quan tâm giúp đỡ tận tình ấy đã giúp tôi đứng vững và tiếp tục ở lại TP làm việc và nuôi con đến ngày nay, chớ nếu không thì tôi đã bồng bế các con về quê và cũng chẳng biết xoay sở làm sao nữa!!!
May là trước đó tôi đã hiểu biết chút ít tư tưởng nhà Phật, đã trang bị được cho mình một tinh thần vô úy (không sợ hãi) và thấu lẽ vô thường, biết chấp nhận cuộc đời luôn có những đổi thay và những điều bất ngờ không như ý. Do đó, đứng trước cú sốc kinh hoàng ấy, tôi tuy có hụt hẫng nhưng luôn ý thức được rằng mình phải biết chấp nhận và chỉ có con đường duy nhất là phải vượt qua mà thôi. Hiểu và xác định được như vậy, cộng với sự giúp đỡ của mọi người, tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể vượt qua tốt được.
….Trong thời điểm khó khăn nhất, điều gì đã vực tinh thần các chị lên?
THU NGUYỆT:
Điều thứ nhất sau những biến cố đau đớn mà tôi “ngộ” ra được là khi có được sự hiểu biết thì khả năng chịu đựng của mỗi con người chúng ta lớn hơn nhiều so với chúng ta tưởng. Dù chúng ta là dạng người nào, mềm yếu, đa cảm đến đâu, nhưng khi đã thấu hiểu mọi việc và biết chấp nhận những điều bất như ý xảy ra cho mình thì dù hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể vượt qua và đứng dậy được.
Với tôi, điều cơ bản vực tôi dậy là sự hiểu biết tinh thần Phật giáo và sau đó là trách nhiệm với với các con. Sự giúp đỡ, quan tâm của bạn bè, những người xung quanh cũng là một sự tiếp sức hết sức quan trọng cho tôi.
….Các con chị Thu Nguyệt thì giờ cũng lớn cả rồi nhưng quay lại thời điểm 6 năm về trước, một thân một mình, chị xoay sở ra sao?
THU NGUYỆT:
Hai năm đầu là giai đoạn kinh khủng nhất! Một mình tôi vừa là bí thư, chủ tịch, kế toán, thủ quỹ, bảo vệ, tạp vụ… Các con còn nhỏ, lại mang cái gien nghệ sỹ lơ mơ của cả cha và mẹ cộng lại, nên rất vụng về, chẳng thể giúp đỡ được gì dù là việc nhỏ nhặt nhất. Nếu nhà thơ Nguyễn Duy vợ ổng chỉ bệnh thôi mà ổng đã la làng thảm thiết: “…Anh làm nguyên thủ tanh bành quốc gia/ việc thiên việc địa việc nhà/ một mình anh vãi cả ba linh hồn!” thì tôi cũng vậy! Vừa làm công việc ở cơ quan, tôi còn nhận thêm sách của nhà xuất bản về dàn dựng làm thêm, tôi vất vả đến mức đêm nào cũng thức đến 2-3 giờ khuya, sáng ra chạy xe đi làm mà đôi lúc ngủ gật đến giật mình lạnh hết cả người, phải tấp xe vô lề ngồi định thần lại.
Nhớ lại giai đoạn ấy, tôi thương các con lắm! Có những chi tiết rất đau lòng. Ví dụ như sợ tôi buồn, các con không bao giờ nhắc đến ba trước mặt tôi. Hễ có việc gì liên quan đến ba là chúng tìm cách lãng sang chuyện khác. Ba năm đầu sau khi anh Hải mất, ngày buồn nhất của mấy mẹ con là ngày Tết, khi bốn bên hàng xóm tiệc tùng ca hát om sòm thì mấy mẹ con ngồi thui thủi lặng lẽ bên mâm cơm cúng ông ngoại và ba.
….Trải qua bao khó khăn vất vả, giờ thì chị đã có được những ngày bình ổn chưa? Và nếu có đôi lời chia sẻ kinh nghiệm với mọi người về sự vượt khó của mình, chị sẽ nói điều gì?
THU NGUYỆT:
Các con tôi hiện nay đã trưởng thành hơn rất nhiều. Ngày xưa tôi đã từng viết bài thơ thương cho những bà mẹ trẻ, rất cô đơn vì con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn với mình. Giờ thì các con của tôi đã lớn, bé út đã lên lớp sáu và cô gái đầu đã vào đại học năm thứ hai, đã có thể hiểu mẹ và giúp mẹ chăm sóc các em. Công việc của tôi hiện nay cũng ổn định và tôi bằng lòng với cuộc sống hiện nay của mình, không đòi hỏi gì hơn nữa.
Qua những trải nghiệm cuộc đời mình, điều tôi muốn chia sẻ với mọi người là hãy yêu thương và san sẻ với mọi người những gì tốt đẹp mà mình có, ta sẽ nhận lại được rất nhiều. Ví như bạn gieo một hạt nhãn, bạn sẽ nhận được không chỉ là hàng vạn, hàng tỉ trái nhãn, mà bạn còn có được bóng mát cây nhãn để treo võng ngồi chơi, được hoa nhãn để ngắm, được hương nhãn để thưởng thức mà… làm thơ nữa! (ví dụ này tôi nói dựa theo ý của thầy Chân Quang trong một bài thầy giảng về Nhân-Quả)
Đứng trước những khó khăn nghịch cảnh, hãy biết chấp nhận và chú tâm vào việc tìm cách để vượt qua. Phải hiều biết và đánh giá đúng chính mình, để có cách khắc phục điều chỉnh mình. Hãy tin vào khả năng tiềm ẩn của mình. Và… (cười) nhớ lời bác Hồ dạy quân đội nhân dân Việt Nam : “…nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…” Mà nếu như có nhiệm vụ hay khó khăn nào mà ta đã cố gắng hết sức rồi nhưng vẫn không thể hoàn thành, không thể vượt qua thì ta cũng cứ bình thường chấp nhận, không nên áy náy, ưu tư, dằn vặt khổ sở làm gì, hãy biết chấp nhận mình với những điều hay, dở của mình, đừng tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao quá mà phải thất vọng khi mình không đủ khả năng đạt tới. Hãy biết bằng lòng với những điều mình có thì cuộc đời sẽ thoải mái nhẹ nhàng.
(Kịch bản mình soạn trả lời là vậy, có thể nhà đài còn biên tập cắt bớt để đủ thời lượng chương trình)
Em Nguyễn Ngọc Thăng (bìa trái, ngồi cạnh TN) – người đã “kêu réo động viên” TN tham gia chương trình
28/11/2009:
Đây là lần thứ ba leo lên đỉnh Yên Tử, lần nào cũng vậy, ngồi giữa khói sương vắng vẻ, mình thường loanh quanh với những suy nghĩ vặt như:
– Hổng biết mấy nhà du hành vũ trụ khi lơ lửng một mình ngoài không trung, cảm thấy cô độc thế nào khi quanh mình vắng bặt bóng dáng nhân gian?
– Ngày xưa khi ngài Trần Nhân Tông từ một vị vua tiền hô hậu ủng rần rần, leo lên đây đi tới đi lui một mình, cảm giác của ngài ra sao nhỉ?
Có lần ngồi một mình trong đêm Yên Tử, nghe gió hú ầm ào qua vách núi, mình đã rất xúc động khi chợt nghĩ đến cảnh năm xưa, cũng trong không khí đêm khuya vắng lặng nơi núi rừng hoang dã này, ngài Trần Nhân Tông biết mình sắp đến phút từ giã cõi trần, đã hỏi một câu rất nhẹ nhàng: Bây giờ là mấy giờ rồi? Câu hỏi ấy như làn hơi thở nhẹ, thấm đẫm vào muôn vạn lá cây rừng, để mỗi lần lên Yên Tử, ngồi lặng lẽ trong đêm, nghe tiếng gió thổi là mình cứ tưởng tượng ra từ những chiếc lá xao, câu hỏi ấy cứ thì thầm nhẹ nhàng trong tiếng lá…. Và cái phút Người ra đi ngày xưa chắc rất thiêng liêng, dẫu núi rừng vẫn im lìm bình dị…
Lần đó, mình đã viết một bài thơ… như vầy:
Đêm Yên Tử
“Bây giờ là mấy giờ rồi?”
Núi bừng lên ánh sao ngời không gian…
An nhiên một cánh lá vàng
Rơi xuyên qua phút rừng hoang chuyển mình.
Ta người mới học làm thinh
Bước theo bóng lá nghe mình lao chao
Khói sương vẫn giống thuở nào
Thoắt không thoắt có, thoắt vào thoắt ra…
Lối Người nâng bước chân ta
Mà sao xa quá là xa nẻo Người!
Hình như lá lại rơi rồi
Hình như sao cũ bên trời đang sa…
Hình như sương mới đi qua
Sao hình như vẫn còn Ta…
“Mấy giờ?”…
2/12/2009:
“Thế à?!”
Ngày trước, khi đọc chuyện thiền sư Hakuin, mình không hiểu nổi sao ngài có thể cứ nhếch mép mỗi một câu: “Thế à?!” những khi bị ai đó xúc phạm: Khi người ta hùng hổ kéo đến sỉ vả, vu oan rằng ngài làm cho một cô gái mang thai, ngài lạ lẫm: “Thế à?!”; khi người ta mang giao đứa trẻ bảo đây là con của ngài, bắt ngài phải nuôi dưỡng nó, ngài thản nhiên: “Thế à?!” rồi lặng lẽ nhọc nhằn nuôi đứa trẻ; khi đứa trẻ lớn lên, người ta đến bắt lại, bảo nó không phải là con của ngài, vật vã sám hối xin lỗi ngài, ngài điềm nhiên tự tại nhẹ bẫng: “Thế à?!”. Ôi trời, mình tự nhẩm tính: hai chữ “thế à” này ta phải gồng mình đến cỡ nào thì mới nói nổi?!
Vậy mà rồi tự dưng có một ngày, nắng gió cũng bình thường, thời tiết đúng như đài dự báo, bỗng dưng lòng mình phẳng lặng như cái mặt hồ… trên hình vẽ.
Khi giải quyết một vấn đề với bạn đồng nghiệp, bạn chẳng hiểu gì mà lại cứ vênh vênh chứng tỏ ta đây thông kim bát cổ, lên giọng dạy dỗ với ta, ta chỉ thấy mắc cười và suýt thì buột miệng “Thế à?!”. May mà còn chút sĩ diện để không ăn cắp bản quyền của thiền sư Hakuin một cách thô thiển khi chưa biết sáng tác ra từ gì khác để thốt lên, đành chỉ biết cười thôi. Cám ơn má đã sinh ra con còn tặng kèm cái thẻ đa năng nụ cười, con xài vào chuyện gì cũng được.
Khi có kẻ khích bác chê bai rằng ta nhút nhát, bất tài, chỉ lo yên ổn cho bản thân mình.v.v… ta tỉnh queo giơ cái thẻ đa năng nụ cười ra xài một phát, gật đầu dũng cảm công nhận là mình có những cái xấu mà đối phương nhận xét, thế là đối phương chán nản thu nắm đấm vì chẳng thú vị gì khi giang tay đấm cật lực vào một cái bị bông.
Đâu cần phải tốn sức thanh minh. Giản đơn ta nghĩ: Thứ nhất không vì ai đánh giá ta giỏi thì ta giỏi, đánh giá ta dở thì ta dở. Ta giỏi dở cỡ nào vốn đã được lập trình rồi. Thiên hạ có khen ta hay chê ta vạn lần thì thực chất khả năng, bản chất ta cũng chẳng thể vì thế mà tăng lên hay thấp xuống. Khi ta trồng được một cây hoa, mọi người bu lại rải lời khen chê ào ạt thì cây hoa cũng chẳng đẹp hơn hay xấu đi được, cây hoa chỉ đẹp hơn hay xấu đi tùy thuộc vào khả năng chăm bón của ta thôi. Thế nhưng thiên hạ ai cũng cũng mê mẩn với lời khen và tê tái trước tiếng chê mà đánh mất sự tỉnh táo. Thứ hai: Phải dũng cảm mà công nhận rằng những điều ta bị chê trách cũng có phần đúng, việc gì phải ém đi, không thừa nhận để cứ sống trong ảo tưởng về mình. Mình mắc cười nhất là mỗi khi bị chê ngu thì anh chị nào cũng nhảy chồm lên cơn tự ái, hổng ai chịu nhận rằng mình ngu hết, dù thật sự thì mình ngu đến mức không biết mình ngu! Sở dĩ ta nhảy chồm lên tự ái cãi phăng rằng mình không ngu vì ta cho là cái đứa nói mình ngu nó còn ngu hơn mình, nó không đủ tư cách để nói mình ngu. Ta không tỉnh táo để lo tìm hiểu đúng vấn đề mình ngu như thế nào, mà cứ lo săm soi tư cách cái người nói mình ngu, ví như khi có đứa nói áo ta bị rách, ta liền gườm mắt soi liền coi cái quần thằng đó có rách không, chớ hổng lo dòm ngó lại mình.
Đời ngược xuôi rối rắm tứ tung, thiện ác đúng sai xà quần đảo lộn, giữ cho mình không bị lôi cuốn theo dòng là khó vô cùng. Thôi thì biết phận bèo chẳng cách gì không trôi theo nước, trót sinh ra ở cõi này thì phải gánh nghiệp của cõi này, chỉ biết ráng cố gắng làm sao giữ chút thăng bằng để mà bập bềnh thảnh thơi trên nước; thuận theo thời tiết bốn mùa mà nở hoa phải phép dâng đời.
Và, để lắng lòng tập trung sáng suốt vào mục đích, đừng bị ảnh hưởng bởi những lao chao không cần thiết, hãy học cách của thiền sư để biết “thế à?!” khi sóng gió chồm dập lóc chóc xung quanh. Giữ tâm bình an mà xuôi ngược đảo quay giữa dòng đời cho vững.
18/12/2009:
Loay hoay với bóng
Sở dĩ hai lần rồi mình mần giám khảo cuộc thi thơ Haiku là vì Tổng lãnh sự quán Nhật tổ chức cuộc thi kết hợp với báo Tuổi Trẻ (để tiện việc tuyên truyền), mà báo Tuổi Trẻ thì anh em trong ngoài trên dưới ai cũng bận rộn, hổng rảnh rỗi mà lang thang khu vực thơ phú; lãnh đạo cơ quan mới sực nhớ ra có “chứa chấp” mình – một nhà thơ lơ phơ cái nhãn mác của Hội Nhà văn, bèn “sắc phong” cho mình thò tay ra mần giám khảo. Là vậy, chớ hổng phải mình có uy tín hay hiểu biết thâm hậu gì về lĩnh vực Haiku.
Thế rồi có không ít những lời “mắng nhiếc” quăng tới cái mạng nhện lơ phơ này khi những bài thơ Haiku được chấm giải không làm hài lòng một số “thần dân” thơ. Mình bị mắng thì chỉ cười “Thế à?!” phát là xong, tối về ngủ còn ngon dữ. Nhưng một hôm nửa đêm thức giấc… ngắm trăng (ha..ha…), tự dưng thấy mình dễ tính, lòng yêu mến chúng sinh tràn ngập, bất giác dạt dào thương những “thần dân” thơ đang mang mễnh những bức xúc không đáng có; bèn phải ngồi lại gõ đôi dòng bày tỏ cái chuyện trên, cho bà con cô bác mọi nơi thấu lòng rõ dạ.
Chuyện đời đa số là chuyện nhỏ, qua một số cái mỏ bỗng hóa ra to; trong khi có biết bao chuyện to không ai lo bởi cái đầu quá nhỏ.
Trước nhất mình muốn nói đến cái mục đích cuộc thi. Bác Nhật quan điểm rất rõ ràng. Bác tổ chức cuộc thi là muốn giao lưu văn hóa, muốn mọi người nhớ đến nước Nhật hùng cường của bác có thể loại thơ rất đặc sắc là Haiku – niềm tự hào của văn chương nước bác. Bác muốn giới thiệu tuyên truyền quảng bá… nhắc cho thế giới luôn nhớ là bác ấy có Haiku, chớ hổng có nhằm mục đích tìm kiếm những thiên tài hay những bài thơ tuyệt phẩm, bởi tuyệt phẩm về Haiku thì chắc bác ấy chỉ thích cả thế giới nghiêng mình trước Haiku chính gốc của bác ấy thôi. Do đó, số lượng người dự thi mới là mối quan tâm chủ yếu của bác chớ hổng phải chất lượng. Vì vậy, việc có chọn đúng những bài thơ hay nhất, các tác giả xứng đáng nhất để trao giải hay không, không là vấn đề quan trọng, quan trọng là phát động được bà con khắp nơi hăng hái ngày đêm mần thơ Haiku rần rần là bác ấy khoái!
Với cái mục đích như thế nên Ban giám khảo mà bác chọn chẳng nhất thiết phải là những “mắt xanh” mắt đỏ cao siêu gì, bởi công việc chính của bác đâu phải là để phát hiện ra những “thiên tài” thơ (bác nào dám bon chen vào “sứ mạng” thiêng liêng của các Hội văn học nước bản địa). Vì vậy, lần thứ nhất tổ chức cuộc thi, bác còn “phải phép” giả lả áo khăn mời những nhà văn, nhà nghiên cứu khá có tiếng cỡ như Nhật Chiêu… làm giám khảo; còn lần này, bác ấy thực tế đĩnh đạc, chỉ “nhân tiện” mời mấy thầy trò ở trường đại học KHXH&NV, mình và Lam Điền (phóng viên báo Tuổi Trẻ) làm bộ lọc. Bác í chỉ cần Ban giám khảo có cặp mắt của quần chúng số đông để chấm những bài thơ được số đông quần chúng hài lòng là được rồi. Với ban giám khảo này, mấy bài thơ mà nhà thơ lơ phơ như mình chấm hạng nhất nhì ba đều không lọt được vào top 10 bài thơ cao điểm nhất. Nhưng mình vẫn vui vẻ biểu quyết bầu chọn cho những bài thơ được số đông giám khảo chọn, bởi mình hiểu được vấn đề.
Quan điểm của bác Nhật về mọi việc rất phân định rõ ràng. Dù bác nổi tiếng về kinh tế nhưng bác làm văn hóa ra văn hóa, không có nhập nhèm làm văn hóa ra kinh tế. Do đó giải thưởng văn hóa của bác mang tính tinh thần là chính chớ không kèm theo một số ngân lượng hậu hĩ như các giải thưởng nước ta (1). Cho nên các “trạng nguyên bảng nhãn” thơ Haiku chỉ được tặng dăm cái bưu phẩm, chút quà lưu niệm nho nhỏ xinh xinh đem về ngó ngắm chơi chớ hổng có cái gì cho gia đình vợ con xúm xít “chia chác” được. Thậm chí đến tiền tàu xe cho người đạt giải đến dự lễ trao giải, nhận giải cũng hổng có trong dự trù kinh phí! Và tiền thù lao cho giám khảo cũng chỉ “hương hoa” là 40 đô-la một vị. Nhắc đến tiền thù lao này mình xin kể một chi tiết vui: Đợt thi thơ Haiku lần thứ nhất năm 2007, vì số lượng thơ dự thi nhiều quá mà lúc đó mình đang bận túi bụi, nên mình nhờ lão Sơn Núi (nhà thơ Nguyễn Đức Sơn) đọc giùm sơ khảo. Lão sống trên rừng, rỗi việc, suốt ngày ngồi bấm điện thoại nhắn tin cho khắp thiên hạ những vấn đề vĩ mô. Mình rinh lão xuống, nhốt vô nhà mình, nhờ lão đọc giùm sơ khảo, vừa là để lão “có công ăn việc làm” chơi, vừa là có dịp đọc cho biết tình hình thơ phú văn chương thời đại. Lão hào hứng, nhiệt tình đọc nghiêm túc lắm. Mỗi ngày mình đi làm về tới cổng, chưa kịp bỏ nón bước vô thềm là lão đã hí hấp chạy ra chận mình ở cửa, trên tay lột sột loạt soạt mấy tờ thơ, lão chỉ chỉ chỏ chỏ, mắt tít típ cười, mỏ thì lật đật nói như không kịp: “này…này…này… có bài thơ này…nó..nó…nó…” Xong đợt, mình móc tiền túi trao cho lão hai triệu đồng, trả công lão móp đít ngồi đọc mấy ngàn bài thơ. Lão hồn nhiên nhận không hề quan tâm thắc mắc. Chắc lão yên tâm nghĩ rằng mình đã vớ bẫm cái tiền làm giám khảo cho một cường quốc nhà giàu cỡ như bác Nhật. Ha..ha…!
Tóm lại, các quan điểm của dân mình và của bác Nhật cũng như những bác vạm vỡ khác trên thế giới này khác nhau nhiều lắm, khó mà có thể kết luận rằng ai hay ai dở; cơ bản là cứ căn cứ trên trình độ, tiến bộ, mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân nước bác nào ngon lành hơn thì chắc là bác ấy hay hơn.
Việc đời, nhiều thứ nhiêu khê, ngõ ngách vấn đề loằng ngoằng lắc léo. Tóm lại, khi dòm thấy chuyện bất bình nào, ta cũng chớ có vội vàng hăng hái hùng hổ kết luận. Trước hết nên bình tỉnh, điềm đạm sáng suốt tìm hiểu ngọn ngành khúc nôi coi sự thật thế nào, có đúng như hiện tượng mình dòm thấy hông; kế đó là tự xét lại coi cái nhìn, quan điểm của mình có trật lất hông; kế đó nữa là phải biết tự thương mình mà buông bỏ bớt những phiền não không đáng có, để đơn giản bớt hành trang của mình, nhẹ gánh cho đời. Có nhiều người cứ hở chút là nhào vô bươi chí chết, la hét om sòm, vật vã rã rời mà chẳng biết để làm gì. Họ quên rằng đời còn biết bao chuyện khác quan trọng hơn, cần mình chung tay góp sức. Mà nói chi xa đến việc góp sức cho đời, chỉ mong sao mỗi người biết tự điều chỉnh mình, đừng làm bận lòng mọi người, rối ren xã hội là đã tốt!
Lại kể chuyện nữa: Có một người bạn, rất vô thần, ai nói chuyện tôn giáo, tâm linh là giễu cợt cười, cho rằng mọi người nhẹ dạ nhát gan, u mê tăm tối. Thế nhưng đêm giao thừa nào cũng bằng mọi giá xông vào chùa hái cho bằng được cái lộc, nhổ cho được mấy cây nhang dấm dúi xách về nhà. Năm nào làm việc ấy không mỹ mãn là ray rức áy náy, lo sợ không yên, chẳng thể tin tưởng vào công việc làm ăn năm đó. Kỳ cục vô phương hiểu! Chuyện đáng quan tâm thì không quan tâm, chuyện đáng làm thì không làm, cắm cúi hùng hục vào những chuyện tào lao hết biết!
Đời đông người vậy lắm. Mà dòm quanh ngó quất chi cho xa, chính mình đây cũng rất nhiều khi tào lao phong phú. Ừ, hổng vậy sao là người bám trên trái đất này. Cho nên, biết thế thì chớ có ngồi đó mà trách mình trách người, vấn đề ở đây là phải thấy được mình đang “bị ghẻ” tào lao ở cái chỗ nào để lo tìm phương thuốc trị. Đừng thấy có ghẻ tào lao để gãi chơi đôi khi cũng… đã ngứa… mà dung túng cho ghẻ chóc của mình, kẻo rồi thân thể dần dần mỗi ngày lở loét tùm lum!!!
Để tạm ngưng cuộc “già chuyện” nãy giờ, xin được giới thiệu một bài dự thi thơ Haiku năm nay mà mình rất thích:
Ao trưa
Chuồn chuồn đậu
Trên cái bóng của mình.(2)
Bài thơ vẽ lên một hình ảnh rất gợi: buổi trưa khi mặt trời đứng bóng, ánh sáng chiếu thẳng góc, mặt ao yên ả không xao động, con chuồn chuồn đậu đúng ngay trên cái bóng của nó chiếu xuống nước. Lung linh. Khoảnh khắc. Bài thơ có thể ngẫm ra được nhiều tầng ý nghĩa.
Kiếp người có khác kiếp chuồn chuồn?
…khi vui nó đậu, khi buồn nó bay…
Hãy bay đi nào bạn, hãy cất cánh với cái bản nguyên, thực chất của mình thôi, đừng mang theo gì cả dù là cái bóng thật nhất của chính mình.
——————-
(1): Cuộc thi thơ Tứ tuyệt do tạp chí KTNN tổ chức vừa rồi, giải nhất là 32 triệu, tính ra mỗi từ trong bài thơ được hơn một triệu đồng, ngon quá xá! hi..hi.. thơ mà được nhuận bút cao như vậy thì mình thề sẽ viết… trường ca cho đến hơi thở giãy chết sau cùng! ha…ha…
Còn nhớ hồi xưa ông Nguyễn Hàm Ninh làm bài thơ Răng cắn lưỡi được vua Tự Đức thưởng cho mỗi câu thơ một lạng vàng. Bi giờ, nếu bác Dũng (N.T.D) mà ra đề tương tự kiểu đó, thưởng cỡ đó, hổng biết các nhà thơ mình có xung phong rầm rộ hông ta?
Bạn có thể đọc sự tích bài thơ Răng cắn lưỡi ở đây:
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237ntnvntn3n31n343tq83a3q3m3237nvn3n)
(2): Không biết tên tác giả, vì BGK chỉ nhận được bản thảo photo được đánh dấu mã số từ BTC thôi.