Niềm tin cứu rỗi
Mỗi ngày, đi xe buýt, chứng kiến nhiều giọt nước mắt của những người bị móc túi, rạch giỏ mất của… Lòng thối thần đau xót! Cảm thương cho người bị mất đồ thì một mà lo sợ cho kẻ trộm cắp lừa đảo thì mười! Những kẻ ấy, nếu họ có thể hiểu và biết được cái tội của họ gây ra lớn đến dường nào thì chắc rằng dù có đói, có nghèo đến mấy, chắc họ cũng không dám làm như thế.
Bạn có thể cãi ngay với tôi rằng những kẻ ấy có hiểu và có biết chớ sao không, biết, nhưng họ vẫn làm. Tôi không tin thế. Bởi vì: Nếu bạn biết mở chốt trái lựu đạn bày ra trước mặt thì mình sẽ tan xác, bạn có làm không? Nếu bạn bảo rằng “đói quá, cứ tạm giật lấy cái ăn trước đã rồi tính sau”. Nếu bạn biết cái mà bạn giật lấy để ăn tạm đó chính là miếng thịt mà mình phải trả bằng chính thịt của thân thể mình sau đó thì bạn có giật lấy mà ăn không? Chắc là “không dám đâu!”.
Khi bạn gây hại cho ai đó, bạn không thật sự hiểu biết hậu quả việc mình làm sẽ gây hại thế nào cho mình, nên bạn cứ làm. Cái gọi là “có hiểu biết” của bạn chỉ là sự hiểu biết trên lý thuyết, không tường tận, thấu đáo, đó không thể gọi là hiểu biết được. Và điều chủ yếu là bạn không tin vào nhân quả. Bạn không tin rằng mình sẽ lãnh hậu quả xấu khi làm một việc xấu, bạn hy vọng vào sự “lọt lưới”, sự bất công.
Ông bà ta thường nói Gieo gió gặt bão nhưng người đời mấy ai tin. Khi ta trồng một quả xoài mà thu hoạch hàng ngàn trái xoài, ta thấy đó là việc bình thường; khi ta mua tờ vé số giá vài ngàn mà trúng độc đắc hàng trăm triệu thì ta chấp nhận việc đó rất dễ dàng; nhưng khi ta làm một điều xấu, gieo một cái NHÂN ác thì ta lại nhắm mắt và không tin rằng sẽ có một cái QUẢ ác gấp nhiều lần hơn đang chờ. Ta cứ tưởng rằng nếu ta không chịu chấp nhận điều gì đó thì điều đó sẽ không xảy ra với ta vậy!
Người ta tin rằng mỗi hạt giống có một thời gian ra hoa kết quả khác nhau, nhưng không tin rằng mỗi hành động của chúng ta cũng cần có một thời gian khác nhau để mang lại kết quả, hậu quả.
Người ta có thể tin tít tìn tịt vào những điều huyền hoặc xa xôi, dù biết có thể đó chỉ là ảo tưởng, nhưng người ta vẫn tin, miễn là điều đó mang lại cho người ta hy vọng thỏa mãn nhu cầu tham lam ham hố.
Tóm lại, thật ra con người không có niềm tin. Con người chỉ có những hy vọng và mong cầu được dán nhãn niềm tin. Bản chất của niềm tin thật sự phải xuất phát từ sự hiểu biết thấu đáo và lẽ công bằng. Thiên hạ ai cũng súng sính hiểu biết và công bằng, nhưng hầu hết là giả hiệu.
Rồi khi niềm tin không có hoặc bị đặt sai chỗ, con người hành động như con thiêu thân: trả giá quá đắt và không kịp sửa sai được nữa.
Nếu bạn gieo xuống đất một cái hột nhãn mà bạn tin rằng sau một thời gian bạn sẽ có hàng ngàn quả nhãn thì tại sao bạn lại không tin nếu bạn làm rơi một giọt nước mắt đau khổ cho người khác thì sau này chính bạn sẽ phải rơi hàng ngàn giọt nước mắt đau đớn xót xa như thế.
Hãy biết tin như vậy để tự cứu mình khỏi những tổn thất quá lớn về sau. Đừng liều mạng đánh đổi một cách mù quáng với hy vọng là mình có thể ăn gian qui luật.
Cách tồn tại đúng đắn vững vàng nhất không phải là giành giật lấy ra, mà là hãy hòa vào.
Và tin vào qui luật tối cao: Nhân – Quả.
Thư gởi các bạn già!
Bạn trẻ thương mến! (Phải gọi ngược lại như vậy kẻo bạn già nổi dịch, tự ái, hổng thèm đọc!)
Gần đây, những “mưu đồ” tiểu sự hay đại sự của tui đều bị phanh phui, bởi tui ngu dại đi sắm “cái loa” website, weblog!
Trong số các “mưu đồ” lớn nhỏ bề bộn lộn xộn lỉnh kỉnh của tui, có một cái “mưu đồ” thường bị các bạn già… (thôi, kêu thiệt vậy đi, né hoài cũng chẳng thể trẻ lại được đâu mấy bạn mình ơi, ta là người lớn, phải biết điều, đừng vẽ mặt bôi hề nhảy qua sân bọn trẻ đứng dáo dác hoài, lãng xẹt, coi kỳ lắm! Mình già cũng có cái “liêm sĩ” của người già chớ, phải hôn?)… phản đối nhiều nhất là cái mưu đồ “đi tu khi về hưu” của mình. Nói “đi tu” là các bạn diễn dịch lại, la vống lên nghe cho oai vậy thôi, chớ thiệt ra cái mặt tui mà tu hành nỗi gì, chùa nào chịu chứa! Nội cái tật làm biếng thôi, vô chùa ba bữa là đến con trùn con dế nó cũng hổng ưa (nhiều lần rót nước uống hổng hết, làm biếng đi đổ, tạt đại vô góc kẹt nhà, nghe tiếng con dế nó chửi: “Đồ ham ăn hốt uống mà làm biếng, tạt nước ướt ổ, ướt cánh mình, cái cánh là dây đờn của mình, sắp tới giờ mình “biểu diễn” rồi mà dây đờn ướt nhẹp, làm sao… gáy?!). Đó là còn chưa kể những qui định nghiêm ngặt khác của nhà chùa mà một người thiếu nghiêm chỉnh như tui chẳng thể nào kham nổi! Tóm lại là đời này kiếp này chúng sinh quậy như tui đừng hòng mơ màng léo hánh vào con đường nghiêm túc xuất gia! Tui chỉ có “mưu đồ” ẩn cư, về sống yên bình, tự do nơi núi đồi vắng vẻ ít người, để rồi khi cái miệng mắc nói quá thì đem kinh ra tụng, khi cái thân làm biếng nhúc nhích quá thì tréo cẳng ngồi thiền; trồng rau đem xuống chợ đổi tàu hủ, tương chao ăn cho đỡ tốn tiền; khỏi lo mắng con, giữ cháu … vậy thôi! Nhiều bạn già bảo: “Mày đừng có vô trách nhiệm như thế, con cái nó cần mày, sao mày nỡ bỏ tụi nó mà đi lánh thân cho sướng vậy?” Nay tui xin được “giả nhời” chung cái “câu có nhiều người nói” ấy như sau:
Thứ nhất: Ngày nay, nhiều bạn già ảo tưởng, cứ ngỡ mình quan trọng lắm, con cái nó thích sống với mình thiệt. Điều đó hổng có đâu bạn ơi! Con cái chỉ thích sống với cha mẹ khi chúng còn nhỏ, chưa lập gia đình, khi chúng đã dựng xây tổ ấm thì cái thân già lẩm cẩm của mình chỉ làm vướng tay vướng chân, làm mất tự do của chúng thôi. Ngoài miệng thì chúng phải nói theo đạo lý là muốn báo hiếu cho cha mẹ, nhưng báo hiếu thoải mái nhất đối với chúng là cống cho cha mẹ già một số tiền, rồi thì các cụ tự mà lo lấy hoặc thuê mướn người phục vụ, cuối tuần cuối tháng vợ chồng con cái chúng bồng bế về thăm, cười nói rôm rả một hồi rồi thì tổ ấm của chúng chúng rúc về, vậy là vui vẻ thoải mái cả làng, chớ còn bắt chúng phải cưu mang mấy cụ già rề rà lẩm cẩm trong nhà, sáng đau chiều ốm, ăn uống kén chọn, khó tánh dòm ngó xen vào từng kẽ hở tổ ấm của chúng là chúng không thích đâu.
Thứ hai: Nhiều bạn già ảo tưởng, cứ nghĩ con cái nó cần mình thiệt, mình là người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, rất cần cho đời sống các con. Hổng có đâu bạn ơi, mỗi thời mỗi khác, kinh nghiệm của ta chưa chắc đúng cho thế hệ chúng, cái dầu của ta già lão, xuống dốc minh mẫn rồi mà ta cứ tưởng ta vẫn còn ngon, cứ ý kiến ý cò, lên giọng dạy đời lớp trẻ, ép chúng phải theo ý mình. Nó “chịu đựng” không dám nói ra đó thôi, nó tế nhị không muốn làm bẽ bàng, buồn lòng cha mẹ nên ra vẻ tôn trọng ý kiến của ta (tui đã từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng trẻ, trí thức, ra vẻ đạo đức tôn ti, gia giáo; việc gì cũng giả vờ hỏi ý kiến bố mẹ cho các cụ vui, các cụ cứ tưởng bở rằng các cụ cũng còn có ích, thế nhưng rồi thì việc chúng chúng làm, lựa lời nói năng khéo léo là qua ải, mát lòng “các cụ tưởng bở” ngay). Chúng ta là cây đinh trước mắt, là gánh nặng tinh thần và vật chất cho con cái mà cứ tưởng mình là bậc quân sư, thầy đời của chúng.
Thứ ba: Nhiều bạn già ảo tưởng, cứ nghĩ mình vì con cái chớ thật ra mình vì chính bản thân mình. Mình ham hố, mình bám víu, chẳng muốn rời bỏ, mình cố tỏ ra mình vẫn còn “phong độ” trong khi cả xã hội đã công nhận, khoa học đã đồng ý rằng ở cái tuổi đó là con người phải về hưu (nói cách khác là hết hạn sử dụng). Mình không thể buông bỏ để lui về lo sống an phận an bề, mình chỉ muốn cầm cự, chen chúc, giương cao cái tôi của mình, van vỉ cuộc đời “xin đừng quên tôi”! Mà bạn thử nghĩ kỹ lại coi, dù cuộc đời có nhớ bạn đến đâu đi nữa thì thật ra cũng có ích gì cho chính bản thân bạn đâu? Mình cứ ham hố chạy theo những điều hư ảo, chẳng thật sự cần thiết cho mình! Mình núp dưới danh nghĩa cái này, vinh danh cái nọ để thỏa mãn cái tôi luôn muốn “biểu diễn” của mình thôi.
Sao bạn không chịu sáng suốt, can đảm nhìn nhận tất cả sự thật đó để đừng “cố đấm ăn xôi”, để có thể tìm chọn cho mình một con đường thật sự là của mình, không nhờ vả, bám víu hay làm phiền người khác.
Nếu bạn nghĩ bạn vì con cái thật sự (như điều thứ ba tôi vừa nói trên) thì bạn hãy tiếp tục lặng lẽ làm điều có ích cho chúng. Bạn đã già, không thể tạo dựng gia tài vật chất cho con cái nữa, thì hãy gây dựng gia tài tinh thần cho nó. Đó là cách bạn sống một cuộc sống thật an hòa, tạo phước đức để lại cho con.
Nếu bạn nghĩ con cái cần bạn (như điều thứ hai tôi vừa nói trên) thì bạn phải biết cho đúng con cái cần ta ở điểm nào. Chúng cần ở ta một thần tượng, một sự tin tưởng tâm linh, một chỗ dựa tinh thần khi cần thiết – hãy lưu ý chữ “khi cần thiết”, bởi nếu ví chỗ dựa ấy như một cái cái ghế, một bóng cây thì không phải lúc nào cái ghế, bóng cây ấy cũng tò tò theo nó ngay cả lúc nó phải di chuyển, ngay cả lúc nó cần sưởi nắng.
Nếu bạn nghĩ con cái trưởng thành thích sống với cha mẹ (như điều thứ nhất tôi vừa nói trên) thì bạn phải biết chúng thích cha mẹ phải biết “vâng lời” chúng (như chính cha mẹ đã từng muốn chúng ngoan ngoãn vâng lời mình). Liệu bạn có thể “trẻ hóa” mình đến mức có thể làm con lại được cho chính con mình không?
Vậy thì bạn già ơi! Hãy biết giật mình trước cái suy nghĩ già cỗi, lạc hậu, thiếu sáng suốt của ta về cái sự “thương con” của ta đi. Thương con cho đúng, hy sinh vì con cho đúng để đem lại lợi ích thiết thực cho mình, cho con cái là không dễ đâu, không đơn giản như nhiều người nghĩ là cứ đeo bám tò tò theo con như thế đâu!
Bạn già ơi! Hãy can đảm, sáng suốt lo cho con chính thứ mà chúng thực sự cần. Có những đứa con không biết đúng chính thứ mà chúng cần, ví như đứa trẻ đang viêm họng mà đòi ăn kem lạnh, làm cha mẹ là phải biết mà đem đến cho con đúng thứ chúng cần chớ không phải mù quáng đưa đến cho chúng thứ mà chúng đòi. Theo tôi, thứ mà chúng thực sự cần cho cuộc đời của chúng – giữa quá nhiều bất trắc vô thường ở thế gian này – là cái phước đức sâu dầy, gia tài quí giá mà cha mẹ có thể để lại cho con cái.
Và bạn già ơi, có một điều còn quan trọng hơn nữa là bạn đừng tạo điều kiện để con cái mình phạm tội bất hiếu đến tận cùng khi “sử dụng, tận dụng” cha mẹ đến cả những năm tháng tuổi già (phải lủi thủi làm người giúp việc, trông nhà cho con!).
Tóm lại, cái sự “xa con lui về ở ẩn” của tui là không hề thiếu trách nhiệm mà còn là trách nhiệm cao cả không dễ mấy ai mần được đâu nhé! Mong các bạn già hãy suy nghĩ thử coi. Nếu ai thấy đúng thì chuẩn bị đi rồi ráng mà mần! Coi vậy mà hổng dễ đâu, thiệt đó!
Thư đã dài, lời không hết ý, chắc bạn già đọc cũng đã mỏi mắt rồi, thôi tui ngừng đây. Mong các bạn già sáng suốt nhìn ngay sự thật mà suy nghĩ cho thấu đáo, để chọn cho mình những ngày tháng xế chiều thật sự có ich cho mình cho người.
Xin chân thành lễ phép hun hít các bạn với lòng cảm thương quí mến vô hạn những người cùng date! (hạn sử dụng).
Ký tên
Bạn già mã số 06-TN.
Hỡi bạn người ơi! (2)
Đời mình đã từng chứng kiến nhiều người xấu, tệ đến mức chẳng xứng làm người, nhưng họ cũng biết giấu cái xấu của mình dưới danh nghĩa này kia đó nọ. Dẫu cái xấu được ngụy trang có khi còn khủng khiếp hơn cái xấu được phơi bày, nhưng dẫu sao, khi kẻ xấu còn biết ngụy trang cái xấu của họ nghĩa là họ còn có một chút “biết” mắc cỡ, biết bất an với cái xấu của mình, còn dạng kẻ xấu cứ nhơn nhơn phơi bày cái xấu của mình và coi đó là “lẽ đương nhiên” thì thật là kinh hãi!
Cô bạn hàng xóm là cô giáo nhà nghèo, cả gia đình ở nhờ nhà một người giàu có, có căn nhà để trống. Nay người giàu ấy bán lại căn nhà cho một con buôn chuyên kinh doanh mua bán nhà đất, “con buôn” nọ mua nhà xong vào ngày 28 Tết, và ngay lập tức đuổi cổ cô bạn hàng xóm nhà nghèo ra khỏi cửa, bất chấp hôm ấy đã là ngày 28 Tết (và cô này có cả một gia đình 4 người, có cô con gái đang mang thai!) Thật là tàn nhẫn! Mình không thể nói được gì hơn trước lý lẽ chẳng chút tính người: “Tôi bất chấp gia đình chị ăn đâu ở đâu qua cái Tết, nhà tôi đã mua là tôi phải lấy, dù có khóa cửa để không chơi cũng kệ tôi!” Sự tàn nhẫn ấy được coi là lẽ đương nhiên, là một sự “đúng luật”, miễn bàn! Trời, thế gian này có biết bao những cái “luật đúng” và được công nhận như thế?!
Vậy rồi qua Tết “con buôn” nọ treo bảng cho thuê nhà. Nhà mình chuẩn bị xây nên phải thuê nhà ở. Nhà con buôn cho thuê đối diện ngay trước cửa, quá tiện lợi, mình đành phải mở “phiên giao dịch” với con buôn! Đã chuẩn bị trước tâm thế, mình nghĩ rằng dù người xấu đến đâu, nhưng nếu ta đối xử tốt với họ, nói năng dịu dàng hòa nhã với họ, ắt họ cũng phải khác. Nhưng than ôi! Cái thế gian ô trọc này quả là việc gì cũng có thể xảy ra, loại người kiểu nào cũng có thể có – kể cả loại người thua một con thú vật. Và mình đã vận dụng hết tất cả mọi phương cách, tận dụng đến cùng chữ nhẫn mà mình “hạ thủ công phu” bao nhiêu năm nay để “giao dịch” mấy phiên với con buôn. Nhiều “mưu kế” được vận dụng, nhiều “phương án tác chiến” được áp dụng, nhưng được đằng chân lân đằng đầu, con buôn vẫn tàn nhẫn vô tâm, chẳng hề biết thế nào là liêm sĩ, bắt ép mình không còn đường thở; nhưng với sự “nhẫn nhịn vô biên” của mình, cuối cùng hợp đồng cũng được ký! Cầm bảng hợp đồng trên tay, mình nuốt cục uất mỉm cười. Con gái Hải Thư chứng kiến cảnh mẹ chịu nhịn, cầm lòng không nổi, khi con buôn vừa bước ra khỏi cửa là chạy ra bên mẹ, giậm chân tức tối nghiến răng: “Cái bà đó đúng là chẳng biết trời đất là gì nữa, con tức quá đi!”. Mẹ mỉm cười xoa dịu con gái: “Thôi kệ đi con, hoàn cảnh mình cần thì phải chịu ép. Hơi sức đâu vì một chút tự ái mà phải chịu cảnh nhọc nhằn, cực khổ “cho lại gan” với người đời. Tức làm gì, đời có nhiều hạng người như vậy, họ chỉ biết có tiền thôi, giống như con mèo hóng vào miếng mỡ, thôi thì mình quăng cục mỡ cho nó tha chạy đi phứt cho rồi! Mình chớ vì “thấy ghét” nó mà cứ ngồi giữ hoài cục mỡ cho phí sức”. Nhưng mẹ con chưa kịp an ủi động viên nhau thêm câu nữa thì con buôn quay trở lại và đưa ra yêu sách đòi thêm tiền tiếp! Trời ạ, đúng là lòng tham không đáy! Lần này thì… mô Phật, xin cho con… nghỉ tu 5 phút để con “dạy dỗ” cái con chúng sinh quá đáng này! (ha..ha..) Vậy là nhà thơ ta trổ tài đanh đá. Cám ơn tía má đã ban cho nhà thơ ta một chiều cao, hình thể, cân nặng cũng đủ xài nếu có lúc cần phải “giang hồ quyết đấu”; cám ơn kho từ ngữ mà nhà thơ ta lượm lặt khắp trong thiên hạ xưa nay đủ để nhà thơ ta mang ra trộn thêm chút xi măng, cát đá là lời lẽ đanh thép đủ đổ “bê tông chất lượng cao” ụp xuống đối phương. Con buôn ngỡ ngàng thụt lui trong chí chóe như con chuột bị dồn đuổi.
Giải quyết xong vụ việc, ta ngồi thấm mà buồn! Tại sao con người tệ hại thế? Thì ra người lớn chẳng qua chỉ là một đứa con nít lâu năm,, lời ngọt ngào đôi khi chẳng hiệu quả bằng cây roi hươ lên trước mặt! Mới hay, Có những hạng người chẳng có cảm ứng gì với lẽ phải mà chỉ có cảm ứng với bạo lực thôi, giống như con vật vậy! Mới vỡ lẽ ra cái điều hết sức đương nhiên rằng xã hội quả là cần có cảnh sát và nhà tù. (Lãng xẹt hết biết!!!)
Tại sao vậy hỡi bạn người ơi? Tại sao ta là loài người, ngon lành hơn loài vật ở cái bộ óc biết phân biệt phải trái, vậy mà sao ta không sử dụng, ta không tận dụng “quyền làm người” để sống với tư thế “sang trọng” cao cấp của con người, lại tự hạ cấp mình xuống, sống trong tư thế, kiểu cách của những con vật: chỉ biết dừng lại khi bị chặn đứng bằng bạo lực chớ không biết tự dừng lại trước lẽ phải!
Gallery vách tường
Dọn nhà, nhìn bốn vách tường trống trơn, thấy quá nhiều kỷ niệm, dấu vết thời gian còn lưu lại trên tường.
Đây là dấu vết của những kệ sách cũ, màu sơn năm cũ… Đây là khoảng của mấy cái khung tranh, của cái móc treo mấy món đồ lưu niệm những vùng đất xa…
Và rải rác khắp nhà là những bức vẽ, những dòng chữ nguệch ngoạc của lũ trẻ con ngày xưa nghịch ngợm lén lút, hồn nhiên để lại. Mỗi dòng chữ, bức vẽ gợi nhớ một câu chuyện.
Nhà có trẻ con hiếu động, khó mà giữ được những bức tường nguyên sạch vẹn trơn. (Mà nhất là nhà có ba mẹ là họa sĩ, những “vũ khí tác chiến” sẵn bày ra đó, nhìn là “ngứa tay” mắc vẽ thôi!)
Bức vẽ bầy thằn lằn đang đùa giỡn cắn đuôi nhau trên vách chỗ này gợi nhớ câu chuyện:
Một buổi tối, mẹ kêu ré:
– Trời ơi, sao tụi con vẽ bậy lên tường như thế?
Con hồn nhiên nghiêm túc trả lời:
– Con có vẽ bậy đâu mẹ, con vẽ thiệt mà!
Sau ba giây ngắc ngứ trước “lý luận” hồn nhiên của con, mẹ nhà thơ cũng tìm ngay ra từ ngữ thích hợp:
– Mẹ nói con vẽ bậy là vì con đã vẽ không đúng chỗ.
– Con vẽ đúng chỗ mà mẹ, con thằn lằn thì phải đeo trên vách tường!
– Trời! – Mẹ kêu lên! Để giải thích những điều hết sức giản đơn với trẻ con quả thật không đơn giản!
Một hôm khác:
– Sao con lại vẽ tùm lum nữa lên tường? Mẹ đã bảo rồi, con phải vẽ vào giấy, vách tường là phải để cho sạch đẹp…
– Thì con đâu có làm dơ tường, con vẽ lên cho đẹp tường mà mẹ. Mẹ coi kìa, cả một vườn bông hoa với lại có cô tiên đang bay xuống, cô tiên tối ngày đi đứng trên mây, bàn chân của cổ cũng hổng dính đất, đâu có gì dơ…
Lại một bữa:
– Mẹ ơi! Coi con vẽ cái tranh cổ động này giỏi hông? Con vẽ để “cổ động” tụi con hổng nghịch đùa với lửa như lời mẹ dặn nè.
Trên tường là “bức tranh cổ động” vẽ một trái gòn đang cháy, ngọn lữa bay dài như tóc Thủy thủ mặt trăng. Hai cái gạch chéo như dấu nhân bự chảng. Cái tranh này được vẽ theo chuyện kể của ông nội: chú Út ngày xưa còn bé, thấy ông nội giắt trái gòn trên vách (dùng để lấy bông gòn tẩm xăng làm tim ống quẹt – bật lửa thời đó) liền lấy xuống đốt thử coi chơi. Đốt thấy lửa cháy dữ quá thì hoảng hốt, sợ cháy hết mất trái gòn sẽ bị la mắng nên vội vàng giắt… trả lại vào vách cho ông nội! Mà vách nhà ông nội thời ấy là vách lá, trái gòn đang cháy phừng phừng được giắt trả lại, thế là thành ra… chú Út đốt nhà chơi! Lũ trẻ tự “khuyến cáo” mình, vẽ trái gòn đang cháy lên vách tường, để mai mốt không được nghịch lửa dại dột như chú Út!
Thôi bó tay! Làm sao ngăn cản được tư tưởng “hoạt động nghệ thuật” rất “nghiêm túc” này của lũ trẻ!
Và rồi những bức tranh khác, gợi nhớ thân thương: Chỗ này là mấy trái xoài, đu đủ của ông ngoại dưới quê đem lên cho; chỗ kia là cánh tay bé Tú đang đeo cái vòng mới tinh – quà của bác nhà thơ Thu Bồn khi ba Việt Hải làm xong cho bác bìa tập sách Đánh đu cùng dâu bể. Giờ đã thấy quí hóa chưa, khi ông ngoại khuất rồi mà mấy trái xoài, đu đủ của ông còn đó; bác Thu Bồn và ba cũng khuất rồi mà chiếc vòng tay ấy vẫn còn kia…
Và rồi chỗ này, gần cửa, là những cái vạch bên cạnh có ghi ngày tháng. Đó là chiều cao của lũ trẻ, chúng tự đánh dấu cho nhớ và so sánh với nhau. Bây giờ, bé Tú (nhỏ nhất) cũng đã cao hơn cái vạch của chị Quỳnh (lớn nhất) ngày xưa, còn cái đỉnh đầu của bé Thư xưa thì nay chỉ ngang eo cô Thư bây giờ 16 tuổi!
Gallery vách tường còn nhiều thứ nữa. Những chữ Phật (chữ Hán duy nhất mà bé Tú biết viết) chi chít đầy xung quanh vách phòng ngủ của Tú, bé viết để “trừ ma” (?!), mong cho trong giấc mơ bé chỉ toàn thấy Phật và chớ có con ma nào dám lại gần rình nhát bé! Rồi những nhân vật trong phim hoạt hình và truyện tranh ngả nghiêng lố nhố đủ thứ chất liệu: từ nàng tiên cá, con chó đốm, cậu bé rừng xanh, chú nai Bam Bi đến Đôrêmon, Thủy thủ Mặt Trăng, Harry Potter…
Khi có căn nhà mới, những bức tường sạch trơn, sang trọng sẽ không còn cơ hội lõng lẽo cho lũ trẻ con có thể lén lút vẽ bừa bãi lên tường. Khi có căn nhà mới, lũ trẻ đã lớn, đủ ý thức để không còn viết vẽ lung tung lên tường. Do vậy, giờ nhìn bức tường cũ, lòng bỗng nao nao, nhớ… tiếc… Nhớ cả những điều trước đây làm ta bực mình, giờ bỗng trở thành cái quí; tiếc cái trước đây ta không thèm quan tâm giờ bỗng trở thành nỗi khát khao. Tâm trạng lao xao lẫn lộn nhiều điều, giống như tâm trạng của người mỗi khi về quê thấy đường làng được bê tông hóa, sạch sẽ khang trang mà bỗng nhớ cầu tre cầu khỉ. (Bây giờ, cầu khỉ cầu tre lắc lẽo, đường sá bùn sình thì chẳng ai muốn đi nữa, thích chạy xe bon bon trên đường tráng nhựa hơn, nhưng lòng thì cứ mắc nhớ thương hoài cây cầu tre cầu khỉ!).
Ôi, cái gallery vách tường mà hằng ngày ta cứ càu nhàu vì nó vi phạm cái trật tự, qui cách, ngăn nắp… mà nếp sống thị dân đã đề ra; nay sắp rời xa, đập bỏ đi sao lòng bỗng thấy mến thương nó quá! Mới hay, tình cảm con người thật là mâu thuẩn. Nuối tiếc là giọt vi-ta-min nuôi dưỡng cho bản ngã mịn màng.
Có biết bao cái gallery vách tường như gallery vách tường của nhà ta. Mong rằng những bậc phụ huynh sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc bình dị ngay nơi ấy, sau khi bỏ qua những phút bực mình vì những trò nghịch ngợm bướng bỉnh của trẻ thơ. Cái ĐẸP đôi khi không nằm ở hình thức hay theo một qui cách nào cả! Cái đẹp tùy ở cách nhìn của chính ta, điều gì mang đến cho ta niềm vui, hạnh phúc chân chính thật sự thì điều đó đẹp.
Và “Cái nhà là nhà của ta”(*) ấy là nơi mà từ đó chúng ta lớn lên… và góp vào gallery vĩ đại của cuộc đời vô vàn những bức tranh phong phú…
Chú thích:
(*): Lời bài hát hình như là của Sản Đình Nguyễn Văn Thích đã dạy cho ấu nhi của vườn trẻ Hương Linh tại Huế ngày xưa.
Có thể nghe tạm bài hát ở đây:
Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.
Xóm làng là làng của ta
Xương máu ông cha làm ra
Chúng ta phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.
Cánh đồng đơm đầy hương hoa
Công khó dân ta làm ra
Quyết tâm ta gìn giữ lấy
Nuôi nhau chung sống một nhà.
Xóm giềng là tình quê hương
Chung sống vui bên ruộng nương
Có nhau để cùng chung sức
Vươn lên non nước hùng cường.
Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp sơn hà.
“Tới luôn bác tài!”
Câu hiệu “Tới luôn bác tài!” này thường dành cho tài xế mỗi khi xe vừa vượt qua được vật cản gì đó. Câu này âm điệu nghe coi bộ giòn giã và hay, nên dân gian lấy xài luôn, trở thành quen thuộc và được vận dụng trong nhiều ttrường hợp, kể cả những trường hợp không hề, không dính đáng gì đến xe cộ.
Ở đời, những chuyện bực mình, phiền phức nhiều như những chướng ngại vật, ổ gà trên các con đường thời xã hội “đang phát triển”. Nếu ta không chịu bỏ qua, không chịu “tới luôn bác tài!” mà cứ de đi de lại hoài cái khu vực ổ gà ấy để “thấu đáo” cái cảm giác dằn xóc, thì chắc là ê ẩm suốt đời thôi.
Các chuyên gia tư vấn thường nấu cháo lời khuyên kinh điển nhuyễn nhừ rằng “Khi bạn có việc gì, hãy chia sẻ tâm sự với người thân…. để vơi đi…” v.v… Lời khuyên này chắc phải phụ chú thêm một câu nữa: Lưu ý: “tâm sự khác với “tám” sự! Bởi “tâm sự” ở đây tức là chia sẻ với nhau những điều mình còn băn khoăn, trăn trở… chưa giải quyết được; còn “tám” sự là kể lể, già chuyện, bắt người xung quanh phải nghe nhằm nhiều mục đích, mà mục đích chính chỉ là thỏa mãn tính già chuyện bẩm sinh di truyền! Cái “tám” sự này có thể chẳng “làm vơi đi…” mà còn làm đầy óc ách phiền não. Cái “tám” sự này ngoài việc gây nhiều thiệt hại dễ thấy khác, còn gây một thiệt hại ngầm, khó thấy mà rất lớn cho bản thân nhưng kẻ “tám” thường không hay biết, đó là: Tự bắt tâm trí và cảm giác của mình trở lại cái thời điểm bực mình khó chịu đó hoài, mình cứ “hồn nhiên” đỏ mặt tía tai “auto review” hoài cái đoạn băng đã làm mình phiền bực; mình tự hành hạ mình một cách rất “natural”! (Ha..ha.. sính ngoại ngữ ghê chưa! Văn chương vậy mới ra vẻ “hội nhập” chớ! Viết có trật, ai đó làm ơn sửa giùm nghen! Viết sai chính tả chỉ là chuyện nhỏ, viết sai “chính nghĩa” mà có khi còn được người ta nô nức tìm đọc nữa kia mừ!)
Bác tài xế lái có chiếc xe mà phải biết xả khói “tới luôn”, huống chi mình lái cả cuộc đời mà cứ de tới de lui “tìm cảm giác mạnh” ở mấy cái “ổ gà cuộc đời” hoài, chịu sao thấu?!
Thôi, “tới luôn bác… Nguyệt ơi!” Đường sá phía trước còn dài lắm …
Điều phải biết: Phải “biết điều”!
Hôm nay bé Thư được giải nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động do trường tổ chức.
Trong nhà, Thư là đứa có nhiều biệt danh, trong vô số những biệt danh, nổi cộm nhất là biệt danh “Không biết điều!” bởi Thư là đứa hồn nhiên, vô tư, hay bất chấp những luật lệ, qui định mà mọi người thường biết. Ví dụ: Khi có một cái bánh, mẹ chẻ đôi cho Thư một phần và em Tú một phần bằng nhau thì Thư giãy nãy: “Sao mẹ lại chia đều? Con lớn hơn – con 45kg, còn Tú chỉ 28kg – con phải được ăn phần nhiều hơn chớ! Như vậy mới công bằng”. Cái lẽ “công bằng” của Thư là như vậy, mọi lời giải thích đều như nước đổ vào cái lá môn xanh dờn, chắc chắn của bức tường “công bằng” theo kiểu mà Thư hiểu.
Hôm nay trường tổ chức phát giải thưởng cho các phong trào hoạt động Văn Thể Mỹ. Theo nghi thức, lớp nào đạt giải thưởng thì cử người đại diện lên nhận giải. Các lớp đều cử lớp trưởng lên nhận giải. Đến lượt giải vẽ tranh, Ban tổ chức vừa xướng tên giải thưởng là Thư đã chuẩn bị chỉnh tề, “ngang nhiên” bước qua mặt lớp trưởng lên nhận giải. Cái lý của Thư là: “Tranh của con vẽ, ký tên con đàng hoàng, bạn lớp trưởng chẳng có nhúng tay gì vào đó, cớ sao phải để bạn ấy lên nhận giải chớ?”. Rồi Thư “ẳm” số tiền tặng thưởng, “nghinh ngang” hăm hở tót về nhà, vui mừng ngồi săm soi! Mẹ tủm tỉm cười, ướm hỏi:
– Rồi con định “xử dụng” số tiền ấy như thế nào?
Thư thản nhiên, hồn nhiên nói:
– Con sẽ mua bánh kem khao cả nhà mình, và… …
Nhìn gương mặt, ánh mắt hồn nhiên của con, mẹ chỉ biết ngồi cười mãi! Rồi cũng phải giải thích với con cái lẽ “công bằng” theo “mô-tuýp” cuộc đời:
– Con à, số tiền ấy con phải mang vào lớp, để cô chủ nhiệm giải quyết, có thể con phải sung vào quĩ của lớp, vì đây là giải thưởng lấy danh nghĩa của lớp dự thi, con chỉ là người thực hiện, nếu lớp có lòng thơm thảo thì chi lại “bồi dưỡng” cho con một ít…
Cái “công cuộc” giải thích lý lẽ với Thư thật khó khăn! Làm sao với cái đầu 16 tuổi, quen sống với không khí trong truyện cổ tích, truyện tranh, phim hoạt hình, sách vở… hiểu thông được những qui luật lắt léo mà ta phải “biết điều” với hiện thực cuộc đời! Cũng như làm sao giải thích được với con rằng cái chương trình giáo dục mà con và hàng triệu những đứa học sinh khác đang phải nhất nhất tuân theo, bò càng bò niễng ra học ngày đêm đó có thể rất là … trật lất, ai cũng biết mà ai cũng… đành chịu vậy! Làm sao giải thích để con hiểu rằng phải chính từ con người mới làm nên tập thể, nhưng nếu tập thể sai thì trách nhiệm chẳng thuộc về con người nào hết! Chính con người cụ thể mần ra sách giáo khoa, nhưng sách giáo khoa sai thì do Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm và Bộ Giáo dục thì chẳng phải là con người cụ thể nào hết, dù Bộ ấy được “cấu tạo” bởi từng con người cụ thể mà ra! Cũng như ngược lại: cái tranh này dù là do con vẽ, nhưng danh dự và công cán phải thuộc về tập thể lớp. Việc đó con phải “biết điều” mà hiểu và vui vẻ chấp nhận, hoan hỉ tán thành!
Nếu con không hoan hỉ tán thành cũng không được. Cũng như cái bữa con bệnh, bác sĩ siêu âm cho con, con cứ cười ặc ặc vì bị nhột. Bác sĩ bảo không được cười, vì con cười thì bác sĩ không siêu âm được. Con bảo: “Con nhột thì con phải cười mới được bác sĩ ơi!” Bác sĩ bảo: “Nhột cũng không được cười!” Và dù cái “lý” của con là “đúng”: Nhột thì phải cười. Nhưng trong cuộc sống, có những lúc ta nhột mà không được cười, nếu cứ cười thì… bác sĩ không siêu âm được; bác sĩ không siêu âm được thì không chẩn đoán được đúng bệnh, không đoán đúng bệnh thì trị bệnh không hết, trị bệnh không hết thì có thể bị… chết queo! Chết vì cười một cách “không biết điều” thì lãng nhách lắm con ơi!
Phải “biết điều” mà sống giữa cuộc đời đầy những điều mình biết là… “không biết điều”. Đó là điều phải biết!
Giám sát lòng
Các con mang trong người dòng máu nông dân và nghệ sĩ, lại lớn lên trong lòng phố thị nên tâm hồn đôi khi ngơ ngác chênh chao như những con chim trong thảo cầm viên! (Biết bao lần ta nhìn những con chim bị nhốt trong thảo cầm viên mà nao xót lòng thương cảm! Dại dột cầu mong cho chúng chẳng biết suy nghĩ nhiêu khê như mình, để chúng biết tự hài lòng với bầu trời, vòm cây mà chúng có.)
Là dân nhập cư, sống đời thị dân, xung quanh không họ hàng thân thích, lũ trẻ luôn thiếu vắng sự thân tình, mẹ lại là người không hiếu khách, chỉ thích yên tĩnh, lặng lẽ, nên khách đến chơi nhà rất hiếm hoi.Do vậy mỗi khi có ai đến nhà là lũ trẻ vồ vập như bắt được… người thân. Và những “người thân” kiểu ấy chẳng hề biết họ là “người thân” trong mắt lũ trẻ, họ vô tư đến và vô tư đi, để lại những tình cảm sâu nặng trong lòng lũ trẻ mà họ không hề hay biết. Và để mẹ cứ phải xót dạ, bực mình mỗi khi lũ trẻ cứ hỏi “Mẹ ơi, sao anh A, bác B, cô C… hổng ghé lại chơi với con nữa hả mẹ?” Những lúc ấy ta cố gắng im lặng, không trả lời lũ trẻ, bụng bảo thầm rằng: Các con ơi, đa mang tình cảm như các con, sau này rồi sẽ khổ thôi. Tình người như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay. Mình cũng đã từng viết trong bài thơ Ướp lạnh:
Thị thành xuôi ngược phất phơ
Trái tim phải lạnh mới mơ còn hồng
Nghĩa tình ô nhiễm quá đông
Khẩu trang ta bịt kín… lòng vẫn đau…
Nhưng làm sao giải thích được được với con, hổng lẽ dạy các con rằng chớ có nặng lòng thương yêu ai mà khổ. Trong tám cái khổ mà Phật dạy thì có cái khổ thứ năm là ái biệt ly khổ (thương yêu mà xa cách là khổ). Biết vậy nhưng chẳng biết làm sao để bao bọc chở che những trái tim non dại, thấm đẫm giòng máu đa cảm kia khỏi qui luật Bát khổ của đời người.
Bây giờ mẹ con xây nhà, phải thuê một anh giám sát công trình. Anh giám sát là sinh viên, tính còn trẻ con, nghịch ngợm… cũng có vẻ hiền lành dễ thương nên lũ trẻ cứ vây bám vào, suốt ngày ríu rít chuyện trò đùa vui như anh em họ hàng thân thích. Mai này nhà cửa xây xong, anh bay như chuồn chuồn ngày nắng, ta lại phải đối diện với những câu hỏi của trẻ con, lại thấm thía lời Phật dạy. Ôi… nó oải cái kiếp làm người!
Thuê giám sát mà giờ ta phải làm giám sát, giám sát công trình thì dễ, mọi thứ đã có bản thiết kế rồi, còn giám sát tình cảm mới gian nan, làm sao thiết kế được những trái tim con trẻ theo ý mình! Những lâu đài, thành trì tình cảm của con người là những công trình phức tạp nhất, xây hay phá nó không dễ như xây hay phá một ngôi nhà.
Mong các con lớn nhanh, tim ai đập người đó biết, khỏi phải hỏi mẹ ơi mẹ à nữa, cho ta đỡ mệt lòng! Lòng ta vốn đã triền miên mệt…
Gương mây
Đứng trên tầng lêu nghêu của nóc nhà mình, cao trơ trọi, ta nhìn…
– Nhìn lên:Ôi, bầu trời bao la biết dường nào, bao la vượt xa, ra ngoài cả khái niệm mà ngôn từ có thể diễn tả. Nơi cái bao la ấy, có vô tận bao điều vô tận mà ta chưa biết. Cảm thấy mình nhỏ bé đến tận cùng cái khái niệm nhỏ bé. Nhỏ bé đến có thể tan vào tất cả… và trong cái phút cảm thấy mình tan ấy, trong tích tắc ta thoáng chẳng thấy mình là một chủ thể nữa, mà hòa nhập vào tất cả…
– Nhìn xung quanh:Xa xa đây đó lô nhô tít tắp những ngôi nhà. Đồng loại, đồng bào ta dầy đặc xung quanh đó. Mây trôi qua đầu ta cũng đã từng vờn trên tóc bạn, gió thổi qua người ta cũng đã từng tung bay áo bạn. Ta đang thở giữa cuộc đời, điều đó thật rõ ràng như ánh mặt trời đang dần mọc phía đằng đông…
– Nhìn lại mình:Sao ta lại đứng đây? Một mình, đơn độc? Ngay lúc này, nếu ta muốn nói ra những suy nghĩ, tâm trạng của mình thì ta sẽ nói với ai? Không có ai! Lát nữa hay ngày mai, ngày kia nữa… ta sẽ nói với ai? Không có ai. Tạ ơn đời đã ban cho ta trang viết và mấy ngón tay để nói với… mình. Ủa, mà tại sao phải nói? Đất đá cỏ cây im lặng ngàn đời vẫn cứng rắn xanh tươi đó đấy thôi. Nghĩ vậy nên thấy tiếc mấy giọt nước mắt tủi thân cô đơn mà ta vừa phung phí, chợt hài hước nhớ ngang câu ca dao dân dã:
Giọt nước mắt rơi cái độp anh thò tay anh thộp lại liền
Buồn vui để bụng chớ để xóm riềng cười chê.
Ta quả thật đáng cười chê! Cớ gì ta cứ nghĩ nhiều, tự thương mình nhiều đến thế?! Đám mây kia dư biết chốc nữa nó sẽ chẳng còn là đám mây, nó sẽ là giọt nước nằm trên nụ hoa, rớt xuống ven đường hay chui xuống cống… nó chẳng quan tâm, không trăn trở, lo âu, tính toán… nó vẫn ung dung tung tẩy lang thang rong chơi cùng gió. Vậy mới thiệt là ngon, mới thiệt là trong veo nhẹ nhàng hông…
Kìa gió. Kệ nó đi…
Những vết thương
Trót dại ham vui sinh ra một bầy con gái, con gái bắt đầu lớn thì những câu nhắc nhở của họ hàng người thân bè bạn cũng tỉ lệ thuận nhiều theo. Nhắc rằng mẹ nhà thơ phải biết lưu tâm giám sát trái tim con gái. Trời, tui tự giám sát tim mình còn túi bụi, không xuể, giờ lại phải giám sát một đám rần rần kia nữa hả trời?! Người ta “làm cha thiên hạ” mà ngó coi dễ ẹc, mình làm mẹ có mấy con vịt trời mà sao thấy oải dữ vậy ta!
Bữa nay, một vị ni sư kính yêu gọi điện cũng nhắc mẹ nhà thơ cái nhiệm vụ hoành tráng đó, kèm theo một câu rất ư là chân lý: “Tình cảm nào cũng để lại lòng ta một vết thương…” Ôi, may mà không phải vết thương nào cũng có khả năng giết chết ta, nếu không thì đời ta sống đến bây giờ chắc phải chết đi sống lại nhiều hơn tóc trên đầu!
Tất cả các vết thương đều làm ta đau, nhưng hậu quả và sự hồi phục đều có khác. Khi sinh ra, cất tiếng khóc chào đời là ta đã khắc một vết thương vào lòng cha mẹ, và cha mẹ đã dự án sẵn một vết thương dành cho ta. Khi đội lên đầu vòng khăn tang trắng khóc tử biệt cùng phụ mẫu là vết thương kia đã khoét một vết sẹo tròn sâu vào trái tim ta. Rồi những người thân, họ hàng bè bạn liên tục thay phiên lần lượt khắc vào tim ta những vết thương lớn nhỏ cạn sâu đủ kích cỡ, hình dáng… Rồi vợ chồng con cái cần cù, hồ hỡi, miệt mài bấu véo, đục khoét hết công suất vào mọi góc sâu thẳm nhất của trái tim ta. Một trái tim đa cảm là một trái tim nhừ tử! Ta đã sở hữu một trái tim như vậy!
May mà có một vết thương đã đem lại sự hồi sinh cho trái tim ta, đó là vết thương mà Thầy, Tổ, Đức Phật mang lại cho ta, đó là vết thương của sự lột vỏ, lột da ở con cua, con rắn… Vết thương ấy mang lại cho ta sự thoát xác, lớn lên…
Con nguyện xin được kính yêu hoan hỉ mang mãi “vết thương” vĩ đại này, nó sẽ xóa mờ mọi vết thương trần thế khác, sẽ giúp con liền lạc trút bỏ tầng tầng lớp những vết sẹo tình cảm kia, để có một trái tim TỪ BI yêu thương tất cả mà không dội lại những vết thương của ngã ái vô thường.
Rao vặt
Mười hai Bà Mụ đã thơm thảo trao tặng cho cho má mình một đứa bé gái với gương mặt tươi vui và nụ cười luôn thường trực trên môi. Vậy rồi đời dạy cho nó biết buồn, biết khóc! Gương mặt tươi vui dần biến mất và nụ cười cũng dần thưa vắng trên môi. Mình đã nghe kể lại, ngày ăn thôi nôi (sinh nhật lần thứ nhất) theo tục lệ dân gian, người ta bày ra một cái mâm, trên đó đựng một số món đồ tượng trưng cho nghề nghiệp để em bé chọn bắt một thứ, coi như “bói” trước sau này lớn lên em bé ấy sẽ rẽ theo hướng nào. Và em bé là ta ngày ấy đã chọn lấy một cây viết và cái gương soi. Mấy dì mấy cô xúm vào đoán vận: “Vậy là sau này lớn lên nó sẽ mần cô giáo (vì chọn cây viết) và điệu dữ lắm (vì chụp cái gương soi)!” Người nhà quê, dòm cây viết chỉ biết liên tưởng tới nghề dạy học, ai mà biết cái nghề “viết văn, làm thơ” là cái nghề gì! Còn cái gương soi thì với họ là chỉ tượng trưng cho cái sự làm đẹp, điệu dà, xí xọn thôi…
Con bé ấy đã lớ ngớ lớn lên và chẳng nhớ gì đến chiếc gương soi, cây viết mà nó chọn từ cái ngày biết đi lẫm chẫm, nhưng cây viết và cái gương thì luôn có bên nó; mỗi ngày nó soi nhìn lại mình và đánh dấu lên những trang văn.
Nụ cười – gia tài vô giá vô tận mà nó có – dẫu không cần dè sẻn, có tiêu pha hoang phí mấy thì cũng chẳng bao giờ hao hụt, thế nhưng đó lại là thứ mà nó ngày càng không có nhiều dịp để sử dụng. Gương mặt nó ngày càng xa cách với nét tươi vui bẩm sinh thời bé; soi vào ánh mắt những người thân, nó cảm nhận rất rõ điều đó. Rất nhiều khi nó thảng thốt bất chợt nhìn nó qua gương, nó đau thắt lòng! Nó muốn cất lời xin lỗi má, rằng con đã hư hao, làm mất đâu rồi nét mặt và nụ cười thiên thần mà má đã chắt chiu nâng niu ban tặng cho con. May mà… (Ôi “may mà…”!!!) má đã ra đi sớm, má không phải nhìn thấy con bé của má ngày ấy bây giờ, nếu không, lòng mẹ chắc là đau đớn lắm khi nhìn thấy con gái của mình mỗi ngày cứ thâm canh và bội thu những nỗi buồn…
Má ơi! Xin lỗi má vì con đã đánh mất nét mặt và nụ cười má đã tạo cho con.
Ta ơi! Xin lỗi mình vì khoảng cô đơn mỗi ngày thêm lớn rộng mà ta thì cứ thu mình nhỏ lại, nhỏ đến vô hình như cái bóng của hạt bụi ngày mưa.
Cuộc đời ơi! Xin lỗi cuộc đời vì ta đã vụng về không biết khỏa lấp, xóa đi dấu vết của cuộc đời qua những gian nan mà đời thử thách.
Cuối cùng, tôi xin lỗi với chính nụ cười thật sự của mình vì mỗi ngày tôi đã thay thế nó bằng “hàng giả”.
Hình như mỗi khi đưa ra lời xin lỗi, người ta thường đính kèm, khuyến mãi một nụ cười. Ôi, xin lỗi, tôi lại bỏ quên mất rồi nụ cười đâu đó, hiện thời lu bu chưa thể tìm ra để đính kèm…
Có ai biết nụ cười thật sự của tôi làm rớt ở đâu, chỉ giùm, xin hậu tạ.
Muộn…
Bao lâu rồi ta không có một ngày dậy muộn, không có cái cảm giác nằm lăn lóc trên giường nhìn ra nắng lấp lánh ngoài sân, nghe tiếng chim kêu, gà gáy văng vẳng xa xa đâu đó…
Tuổi thơ, chắc không ai chẳng có những ngày ngủ nướng. Nằm trên giường nghe tiếng những người thân xung quanh trò chuyện, nghe nhịp ngày đang lăn ở ngoài kia…
Bao lâu rồi ta không được ai gọi cho thức dậy mỗi sớm mai bởi ta đâu còn được ngủ muộn! Nếu có một âm thanh nào lay ta dậy thì họa chăng chỉ có tiếng đồng hồ báo thức róng riết réo gọi rất lì.
Ta ơi, đâu mất rồi những ngày ngủ muộn? Đâu mất rồi những tiếng gọi thân thương tha thiết của người thân: của má, của ba, của anh chị em ta, của bạn bè thân quen lối xóm… Những tiếng gọi yêu thương như những bàn tay ấm áp kéo ta ra khỏi giấc ngủ tròn đầy và mở ra một ngày với vô vàn những âm thanh quen thuộc…
Ngày ơi! Đời ta đã biết bao lần bước vào mi, dẫu chẳng thể có ngày nào giống ngày nào – ta biết vậy – nhưng sao ta vẫn cứ nuối tiếc những ngày đã qua, dù cố tự huyễn hoặc mình rằng biết đâu những ngày sắp tới cũng sẽ còn có những niềm vui những điều mới mẻ đợi ta phía trước…
Niềm vui ơi! Hình dạng mi sẽ ra sao, liệu mi có gì tuyệt hơn tiếng gọi của người thân mỗi sớm mai trìu mến lay ta thức dậy?
Giản đơn thôi, chỉ là một sớm mai ngủ muộn để được nghe tiếng gọi của người thân, vậy mà đó cũng trở thành một nỗi ước ao! Nỗi ước ao ấy giống như khi ta khép kín cửa ngồi nhìn mưa mà ước ao được tung tăng giữa trời té nước, giống như khi ta ngồi trên xe xiết ga chạy vù vù qua những bãi cỏ đẹp ngất bên đường mà ước ao được biếng lười chậm chạp nằm lăn trên đó.
Lãng xẹt!
Có những cái mất âm thầm lặng lẽ – có cái là do ta tự đánh mất, có cái là do đời giật mất – để rồi một lúc nào đó bất chợt nhận ra, ta thảng thốt đau, quay quắt xót xa buồn!
Cũng lãng xẹt luôn!
Ta đã viết bài này rất muộn, dù đã từ lâu ta luôn dậy sớm!
Cây của mùa sau
Đi tham quan khu vườn sinh thái thiên nhiên khá hoành tráng của một người bạn. Nhiều cây giống lạ quí hiếm chen lẫn với cỏ dại rong rêu giản dị bình thường. Ta dừng chân trước một cây thiên tuế trong khá nhiều cây thiên tuế rải rác đó đây. Cây đẹp dưới mắt ta bởi chẳng cành lá xum xuê tốt tươi như bao cây khác, mà chỉ vững chải cái gốc sù xì giản dị nhưng toát ra cái vẻ đất trời thời gian đã từng lưu lại rất nhiều tầng. Cây này ít nhất cũng gấp đôi tuổi của ta, ắt cũng đã chứng kiến biết bao điều diễn ra trong trời đất. Ta xúc động tần ngần xuýt xoa khen cây đẹp, không ngờ bạn nhiệt thành hào phóng tặng cho ngay, còn bảo: “Người giàu nhất là người không có gì cả” (Ê, bạn này, hóa ra tôi vừa nghèo đi một chút vì có thêm món quà của bạn. À, nhưng nếu ta còn ham làm “người giàu nhất” thì ta vẫn còn “nghèo” lắm đó nha!).
Khi nhổ cây lên ta mới hay rằng cây chỉ còn có dăm cái rễ gá hững hờ vào đất, ra vẻ hình như nó đã dọn dẹp sẵn sàng hành trang cho cuộc ra đi, kết thúc một đời cây, khép lại những tháng ngày đứng chơi, góp một chấm xanh cho trái đất. Để yên nó ở đây chưa chắc gì nó còn chịu phơ phất với đời, huống là bị nhổ lên dịch chuyển về thành phố. Nhưng thôi, vì chút lòng ham hố yêu thích nông nỗi của ta mà cây đã bị bứng lên rồi, có ngồi đây mà não nề thống thiết thì cũng chẳng thể nào khác được. Đành! Việc còn lại là phải chăm sóc thế nào cho cây sống. Chăm sóc làm sao? Nó là cây rừng, đâu cần ta chăm sóc theo kiểu thị dân, tưới tăm phân bón… Mình thương cây, mê thích ngưỡng mộ nó quá mà không biết làm cách nào giữ cho nó sống, suốt ngày lòng bồn chồn lo lắng, tâm cứ hướng về cây, cảm thấy như mình có lỗi. Sao mình lại tha nó về nhà? Khoảng trời mà nó cần không phải là khoảng trời nhìn lên là thấy rối nùi dọc ngang dây điện; khoảng không gian mà nó cần không phải là khoảng không gian va vấp với tường rào. Biết vậy mà ta vẫn bắt nó về đây, để ta có thể nhìn nó mà như thấy được núi rừng, trong khi nó nhìn lại ta là chỉ có thể thấy… đời xơ xác!
Thôi, hối hận ăn năn mãi thì cũng lỡ rồi, phải tập trung vào việc làm cách nào vực dậy nó. Đăm chiêu tìm cách, loay hoay mãi cũng chẳng thể làm được gì hơn là đưa mắt thê thiết nhìn cây và thầm nguyện cầu Bồ Tát gia hộ cho nó sống. Nguyện cầu mà lòng cũng phân vân…! Niềm tin lỏng lẻo, ta quay sang bám vào niềm an ủi: Nếu nó không sống được thì cũng tốt thôi, nó sống cũng hổng thú vị chi trong cái không gian chật hẹp này, thôi thì nếu như nó chết, ta cũng còn xác cây khô đó. Cây rừng nhiều tuổi như nó sau khi chết ắt vẫn còn nguyên vẹn lâu ngày lắm, ta sẽ chăm sóc cho đám cây dại, dương xỉ chùm gởi đang bám trên thân nó xanh tươi. Ta sẽ trồng thêm giò phong lan vào cái hốc trên thân nó, để nó sẽ vẫn còn hữu ích, vẫn đem lại màu xanh cây cỏ cho đời.
Ờ hén, cây ơi! Nếu cây chết rồi mà vẫn còn đứng đó, vẫn làm nơi cho phong lan nở, cho đám rong rêu, chùm gởi bám vào xanh lá xanh dây, thế thì cũng tốt biết bao, đâu có thua gì cây vẫn sống.
Ờ hén, ta ơi! Một mai kia ta chết đi rồi, biết có được bằng cây, lưu lại mớ gì hữu ích tặng cho đời chút đỉnh???
Rong rãi biếng lười…
Đi xem lễ hội Ka-tê của người Chăm. (Dạo này chịu khó hóng hớt đi chơi. Mặc đời vây quanh róng riết, ta cứ nhởn nhơ cho bõ tất bật lâu ngày. Huớ bà con ơi, ai đó có đi đâu rủ tui đi tiếp với…)
Đi chơi thì siêng, viết thì lười biếng. Qua quít vài hàng, lời không hết ý…
1. Chăm
Mình vốn ngưỡng mộ bùi ngùi trước nền văn hóa Chăm (không biết phải dùng từ gì hay và chính xác hơn từ “ngưỡng mộ bùi ngùi”?) Rất nhiều lần đứng trước các ngôi tháp Chàm vào những buổi hoàng hôn nhập nhoạng, đợi mùi hoa giũ dẻ dậy lên như một nỗi niềm mạnh mẽ khuất xa…
Những ngôi tháp Chàm luôn đem đến cho mình nhiều cảm xúc thật khó diễn tả: Kiêu hãnh, vững chãi, thâm trầm, lặng lẽ, u uẩn… Tất cả các ngôi tháp đều mang đến cảm giác chung là “kiêu hãnh buồn”. Mình đặc biệt yêu thích tháp Chàm (nhưng riêng với tháp Chàm ở khu thánh địa Mỹ Sơn thì lại không mang đến cho mình nhiều xúc động như những ngôi tháp nằm rải rác đó đây trên các ngọn đồi hay giữa đồng hoang vắng). Đứng bên tháp cao oai nghi sừng sững, mình luôn thấy sự gần gũi lãng mạn. Trong tàng thức, hình như cảm giác rằng chính mình đã từng cầm những cái tháp ấy trên tay. (Chắc trong một kiếp nào đó, mình đã từng là người rủ rê các anh hùng hảo hớn bạn bè xúm nhau xây tháp coi chơi?!)
Đi dự lễ hội Ka-tê của người Chăm, mong tìm thấy chút gì khuất xa hiện lại…
Và cũng có thấy, dẫu hình như chẳng thấy gì xa hơn… cái máy chụp hình của mình đã thấy.
2. Nhân chi sơ…
Đồng bào Chăm thật hiền lành, cởi mở. Hầu hết đều tươi cười thân thiện ngay khi cái nhìn ta chạm vào mắt họ. Người Chăm dễ dàng bắt chuyện chân thành, và các em bé Chăm thì ngoan hết sức. Kể chuyện này cho các bậc phụ huynh nghe: Khi nhìn thấy một nhóm các bé đi lễ hội, túm tụm ăn uống đùa giỡn và vứt rác bừa bãi xung quanh, mình đứng lại nhẹ nhàng nói: “Sao các con lại vứt rác tùm lum ra vậy!” Nói hững hờ cho có vậy thôi, chớ chẳng mấy tự tin lời nói của mình rót được vào tai trẻ. Thế nhưng thật bất ngờ, cả đám trẻ bật lên, ùa ra tíu tít vui vẻ nhặt nhạnh thiệt mau, chẳng những lượm hết rác của chúng xả mà còn lượm hết tất cả rác của… nhân dân tồn tích xung quanh. Ríu rít hót với nhau bằng tiếng Chăm, rồi một đứa ngước lên cười toe toét hỏi: “Vậy được rồi hén cô?” Ôi, các con ngoan quá! Biết khen thưởng các con cái gì bi giờ? Thôi thì cho cô chụp ké cái hình đi! Cô đem về đưa lên blog, web… cho không gian Net le lói đóm sao niềm hy vọng vào bản chất “nhân chi sơ…”
Nhân chi sơ tính bổn thiện hay ác? Từ xưa các cụ Tử bên Tàu đã rỉ rả cãi nhau về vấn đề này. Bác Khổng Tử thì bảo thiện, bác Tuân Tử thì bảo ác, Bác Hồ của chúng ta thì bảo: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” rất gần với quan điểm Phật giáo: Bản tâm vốn không thiện không ác.
Trẻ em ngày nay điên đảo vì người lớn. Các bậc phụ huynh và xã hội hết sức tạo điều kiện cho trẻ em hư bằng cách “tôn trọng” chúng một cách quá xá lệch lạc. Chúng được sống trong môi trường “tự do phát triển cá tính” đến mức chúng tưởng chúng là ông bà trời con, và người lớn – mà cụ thể là cha mẹ – chỉ là người phục vụ, nô lệ của chúng. Thật tội nghiệp cho lũ trẻ. Chúng hồn nhiên phạm tội, bị tổn đức trong từng thái độ, hành xử, sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em ở nông thôn, con nhà ít học, không được người lớn quan tâm “giáo dục” nên chúng rất ngoan, dễ dạy; còn trẻ em ở thành thị, con nhà trí thức, được “tôn trọng” quá mức nên chúng trở thành người “lãnh đạo” lại chính các bậc phụ huynh.
“Nhân chi sơ…” Trẻ em là con nít, hãy đối xử, dạy dỗ các em như đối xử dạy dỗ con nít, vậy thôi. Chớ có đội các em lên cao quá mà chúng bị hẫng chân, lững lơ cao đạo và trở thành những người lớn lầm lẫn lộn ngược: xem cha mẹ như con mình và xem con mình như cha mẹ.
“Nhân chi sơ…” Các em bé Chăm ơi! Cám ơn các em đã nhắc ta rằng: Trẻ em luôn cần sự dạy dỗ đúng mực của người lớn.
3. Nón ơi là nón!
Đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm. Bà con Chăm tuân thủ luật, đội mũ bảo hiểm đi đến lễ hội. Vào nơi thờ cúng, xe máy gởi rồi nhưng mũ phải mang theo, mang theo mà chẳng biết để vào đâu, thôi thì để luôn trên đầu cho tiện. Vậy là trong nhộn nhịp sắc màu của khăn nón áo quần lễ hội, mũ bảo hiểm nhấp nhô. Ngó lãng trơ!
Nếu người Chăm ý thức, không dễ dãi đội luôn cái mũ bảo hiểm trên đầu khi vào lễ hội, thì những ngôi tháp Chàm ắt đã chẳng trở thành những phế tích hoang vu…!
Mà thôi, chuyện nhỏ! Chuyện lớn hơn ta còn thôi được kia mà.
Ờ hén, vậy thôi đi. Đời cũng… vậy thôi.
Nhà văn
Không khiêm tốn mà nói thì hình như mình là người “Gì cũng biết chỉ có… mắc cỡ là hổng biết”!
Bữa nọ đi chơi bãi biển Ninh Chữ, gặp một bạn Tây. Bạn thấy ta cần mẫn loay hoay với cái máy chụp hình, bạn ngỡ chắc ta là nhà nhiếp ảnh cừ khôi, nên mon men đến nhờ chụp giùm tấm hình lưu niệm. Sau một hồi nhiệt tình bấm máy, chắc thấy cái mặt mình có vẻ cũng quê trớt bờ tre, bạn cởi mở làm quen. Bạn là người Pháp, ta có quá trình 9 năm học tiếng Pháp dở nhất hành tinh nên hổng chữ nào thèm ở lại trong đầu. Cô bạn đi cùng thì bập bẹ được vài từ tiếng Anh, nên cũng cơ bản là trao đổi được với nhau mấy câu giới thiệu níc-nem níc niếc. Nhưng đến phần hỏi thăm về nghề nghiệp thì mới… mỏi tay! Ta cũng láng máng nhớ rằng cái nghề của ta tiếng Tây kêu bằng Pô-ét (poête) gì gì đó. Ta nói mỏi mỏ “Pô-ét… Pô-ét” hoài mà bạn chẳng thể hiểu ra. (Chắc dòm cái mặt ta đần thối như con cù lần ghẻ nên bạn không thể liên tưởng ra được tên này có thể làm thơ!) Hoàn cảnh bắt buộc, cái khó ló cái…tinh ranh, ta bèn nghĩ đến việc phải tìm ra một nhân vật nào đó có nghề nghiệp như mình mà thật nổi tiếng để nói ra thì ai cũng biết. Biết bạn là người Pháp, ta bèn giơ ra một bàn tay, định vị và nói: “Vích-to Huy-gô”; tay còn lại ta tự chỉ vào mình, hai tay cân nhau diễn đạt sự ngang tầm, đồng vai phải lứa. Má ơi! Bạn “wa” lên một tiếng ngạc nhiên ngưỡng mộ, mắt bạn giãn tới chân mày, suýt nữa thì tròng văng luôn xuống cát! Ôi, thế là bạn đã hiểu ta là một nhà văn, mà nhà văn vô cùng tầm cỡ (vì ngang hàng với Vich-to huy-gô lận cơ mà!!!) Thế là Vích-to Huy-gô Việt Nam ta cười hể hả, vì đã truyền đạt được cho bạn hiểu về nghề nghiệp của mình.
Cười hể hả xong rồi mới tới cười… nhục nhã! Tía ơi! Hồn vía Vích-to Huy-gô mà nghe được chắc ổng về bẻ cổ vặn họng mình. Chợt nhớ lại trận đi Hàn Quốc, cả đoàn phải khám sức khỏe ở bệnh viện, bác sĩ Hàn hỏi ta tên gì, ta xớn xác đoán mò rằng bác sĩ hỏi ta có bệnh gì? Thế là ta trả lời ngay: hen suyễn. Vậy là trong y bạ, bác sĩ ghi vào tên bệnh nhân: Hen Suyen (cái tên cũng mang hơi hớm Hàn ghê ấy chứ!)
Biết bao năm trời ta cứ tưởng tiếng Anh có từ welcome là tấm thảm (bởi thấy tấm thảm nào cũng ghi chữ welcome) cho đến một hôm coi phim Cậu bé rừng xanh: nghe diễn viên Minh Nhí nói câu: “welcome back tiger” tức là “chào mừng con cọp trở về” ta mới biết welcome hổng phải là tấm thảm! Biết rồi mới thấy mình ngu hết biết! Nào có ai ghi lên cái bàn chữ “cái bàn”, cái chén chữ “cái chén”… đâu; ai rảnh mà ghi lên tấm thảm rằng đây là tấm thảm. Mới hay cái tư duy của mình nó lẩn quẩn, là đà, kém lô-gích làm sao!
Dân gian có câu: “Yếu thì đừng ra gió”. Ta cũng biết mình hổng mạnh, nhưng cuộc đời gió máy tứ tung, né làm sao được! Mỗi lần “ra gió” là chai sượng đầy mình. Mắc cỡ riết cũng lờn, thành ra mất phản xạ dần dần khái niệm mắc cỡ.
Thôi, lỡ rồi, ngoại ngữ ơi xin hẹn lại kiếp sau, kiếp này xin loanh quanh vùng nội ngữ; làm nhà văn quèn của xóm, ấp, xã, phường… miễn ý thức được rằng ta cũng đang làm cái nghề cao quí – mà cỡ Vích-to Huy-gô cũng được gọi giống vậy thôi: Nhà văn – để phải mần ăn sao cho tử tế với nghề.
“Buồn xong vẫn buồn…”
Buồn là món phổ thông dù có loại bình dân có loại rất xa xỉ. Ai cũng nếm món này thường ngày trong suốt cuộc đời mình. Ai cũng sợ nhưng đôi khi bị… ghiền, bởi nó là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Từ những nỗi tầm thường, bình thường, hời hợt cho đến những nỗi sang trọng, cao quí, sâu sắc… Nỗi nào cũng lặp đi lặp lại miết trong đời; nỗi này kéo nỗi kia, khó mà dứt được.
Đi xe buýt, hằng ngày buộc phải “thưởng thức” nhiều thứ nhạc nhung và những chương trình phát thanh hổ lốn theo các loại “gu” của đủ dạng bác tài. Có bữa bội thực âm thanh, mình bức xúc muốn viết luôn một lá thư đệ trình lên… anh Dũng, biểu ảnh… í quên… xin ảnh chỉ thị cho các đấng anh hào bên Giao thông Công chánh ngừng tay cuốc xẻng đào đường vài phút, ra lệnh cho ngành xe buýt bổ sung vào Văn hóa xe buýt cái vụ âm thanh giải trí trên xe. Họ luôn nhắc về vấn đề tôn trọng hành khách, nhưng chắc họ quên rằng một hành khách “nguyên con” là trong đó phải gồm cả hai cái lỗ tai. Nếu leo lên xe buýt và phải đứng nghe chương trình sổ xố suốt một tuyến đường dài thì quả là các đồng chí ơi, địch nó tra tấn ta dã man cũng cỡ vầy thôi!
Trong các món âm thanh trên xe buýt, món phổ biến nhất là nhạc vàng. Ông bà ta nói: “Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, dân đi lại nhiều bằng các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng ắt có ngày… nghiện nhạc vàng bởi phải thường xuyên nghe nó. Nhạc vàng, nói nào ngay, hổng phải là nhạc dở, nó cũng có cái vị trí quan trọng riêng của nó trong khu vực âm nhạc của một số người, nhưng danh phận nó hơi bị oan ức, bị một số thành kiến sang trọng xếp vào “chiếu dưới” trong làng âm nhạc. (Vấn đề này hôm nào có tư tưởng nghiêm trang, ta sẽ bàn lại chơi sau).
Có một bài hát mà trước đây ta chẳng thấy thích thú gì, thậm chí đôi khi nghe mà phát mệt, nhưng bữa nay ngồi rảnh rang trên xe buýt, nghe lại, bỗng thấy… hình như nghe cũng được ta ơi! Đó là bài Ngại ngùng – thơ Xuân Kỳ, nhạc Quốc Dũng. Có cái câu hay nhất trong lời bài hát là: “…buồn xong vẫn buồn…” Câu này rảnh rỗi nhâm nhi kỹ cũng thấy hay! Thế nào là “buồn xong” nhỉ? Là một cục buồn có số đo, cân nặng. Nỗi buồn này tưởng nhẹ hững thôi, buồn một chút là xong. Vậy mà buồn đã hoàn tất rồi lại vẫn… còn buồn nữa! Trước đó, đã có mấy câu gây ấn tượng với những con số cụ thể rất “chơn chất” không chịu nổi: “buồn ba bốn ngày” rồi “buồn năm sáu ngày”. Chính vì cái cục buồn bự cỡ “ba bốn ngày, năm sáu ngày” ấy mà dẫn đến công trình “buồn xong” này. Chợt nhớ cái nghệ thuật tả sự tăng dần của ca dao: “Thương em ba bốn núi cũng trèo/ Năm sáu sông cũng lội, bảy tám đèo cũng qua”. Và nghệ thuật tả sự khuất xa dần của Nguyễn Bính: “Anh đi đó anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” (Trời! Bỗng dưng mà thò cẳng vô cái vùng miền phân tích lý luận phê bình hồi nào vậy?).
Dân gian có câu: “Nói vậy mà không phải vậy”. Mình nói cà rỡn vòng vo quanh quẩn lung tung cũng chỉ là nói để né cái nỗi “buồn xong vẫn buồn…” của mình thôi! Món ghiền này ngán quá mà vẫn phải nhai hoài!
Hu..hu…Người hỡi!!!
Sương mù
Sáng nay thành phố mù sương. Hiếm hoi mà có được một buổi sáng như thế ở thành phố này. Mình leo lên sân thượng với một cái mền và đứng lặng trong sương sớm.
Muốn nhắn một cái tin gọi bạn bè nào đó để báo tin rằng sương rất đẹp, hãy thức dậy mà coi, nhưng không thể tìm ra một người nào có thể đồng cảm với mình trong cái việc “lãng mạn” này. Những bạn bè thị dân tất bật của mình, nếu bị lay dậy sớm dù chỉ một vài phút, ắt cũng sẽ làu bàu nhiếc: “Cái con nhà thơ khùng, mắc dịch!” Đành thôi. (Nhưng nếu đến trưa nghe mình kể lại, hoặc khi đọc bài này, ắt bạn sẽ ồ lên ra vẻ tiếc rẻ: “Sao mày không kêu tao, khỉ thật!” Sự đời, luôn như thế!)
Có lẽ vì sương mù tràn về thành phố, mang theo chút gì đó khác thường, nên sáng nay một người vốn đã không thiện cảm với mình, bỗng dưng mà có hành xử thật tử tế với mình, khiến mình… rớt ngon lành luôn mấy dòng nước mắt! (Dù đó chỉ là một hành xử lịch sự cần thiết bình thường, nhưng không phải dễ dàng có được đối với người vốn đã chẳng thiện cảm với nhau)
Mới hay, niềm vui và hạnh phúc luôn có sẵn tràn đầy trong cuộc sống, chỉ vì ta không sẵn sàng đón nhận, lòng ta có quá nhiều cánh cửa, và ta luôn đóng kín, khép chặt, rồi ta quằn quại đau buồn muộn phiền trong đó. Ta không mở cửa với nhau.
Cám ơn sương mù sáng nay nhắc cho ta biết…
Cám ơn người – dù có hay không tình – khi ân cần mở và giữ cửa cho tôi.
Cám ơn nhân quả phước báu nhiều đời đã cho mình chút trí tuệ để NHẬN BIẾT…
Mong rằng từ BIẾT đến LÀM khoảng cách ấy chỉ mỏng như sương.
Xin lỗi quê hương!
Hình như lâu rồi, ta sống ngất ngưỡng trong vị thế của một người… tầm cỡ! Ta “yêu tổ quốc yêu đồng bào” rất đường bệ nhiệt tình. Ta vi vu khắp chốn giang hồ, “tứ hải giai huynh đệ”, xem trái đất là ngôi nhà chung, lấy nhân loại làm mục tiêu phục vụ… (!) Và ta… hiên ngang quên mình có một nơi chôn nhau cắt rún, quên mình có một gia đình nhỏ xíu xìu xiu! Do vậy, khi có bạn gọi rủ về xứ mình “du lịch sinh thái”, ta đẩy đưa từ chối: “Thôi, đi chỗ khác mới hơn đi, về quê mình hoài, cũ quá!” Nói xong bỗng thấy có điều gì không phải. Chạnh lòng. Vậy là leo lên xe bạn, đi “du lịch sinh thái” về quê!
Quê mình đang cuối mùa nước nổi, sát mép con đường nhỏ đi vô Gáo Giồng một bên là ruộng một bên là sông, bên nào nước cũng mênh mông bát ngát! Những vạt rau tràng nhảy bông trên mặt nước trắng tít tắp. Những mảnh ruộng này khi nước chuẩn bị rút, phải trẩy hết rau tràng, dọn đất để sạ lúa. Lá xanh bông trắng ấy rồi sẽ lùa chất thành ụ như đống rơm. Hạt vùi trong đất chờ đến mùa nước nổi năm sau lại thủng thẳng vạch đất, nương sóng ngoi lên, xòe lá trổ bông lắc lư trên mặt nước. Chơn chất lặng thầm chờ đợi, mỗi năm đều vậy, rau tràng đâu biết ngán, đâu có nhàm chán, quên nhớ như mình.
Con đường nhỏ cố gắng rộng hết mức mà nó có thể. Nhìn con đường mà liên tưởng đến bàn tay của má Bảy má Năm, vét từ cái túi áo bà ba sờn mỏng bạc phếch mấy đồng tiền ki cỏm cho con quảy túi ra tỉnh học. Nông thôn nghèo, làm một con đường cho xe bốn bánh chạy qua được, tính cũng mỏi tay. Ta đã từng vi vu qua những con đường cỏ cây lạ lẫm, thích thú xuýt xoa khen con đường xứ người ta, còn con đường thân quen xanh phủ bóng tràm này, đẹp ngoại hạng luôn vậy mà ta quên trớt! Thật ấm ức cho quê hương!
Đứng trên trạm quan sát, nhìn xuống cả một vùng rừng tràm xanh mát bao la, trên đọt đậu đầy những đàn chim cò ríu rít, thấy quê mình sao mà tuyệt vời hết biết! Quê mình, nơi mà những con hạc quí hiếm đẹp lỗng lẫy kiêu sa, từ ngàn vạn dặm xa xôi cũng ráng bay về đây nhảy múa, vậy mà mình thì bay đi rồi còn biếng lười về xứ! Chợt nhớ mấy câu thơ trong bài Tự nguyện của nhà thơ Bắc kỳ xa lắc Bế Kiến Quốc:
Mối tình thứ nhất cùng Nam bộ
Yêu hết mình luôn, sống sống hết mình
Bông sen đang hẹn mùa sen nở
Ôi xứ quê này… Xứ của anh!…
Mắc cỡ chưa! Xứ của mình mà người ta yêu đến mức coi như xứ của người ta, còn mình? Ờ… chắc là mình mắc đi yêu xứ của người… xứ khác! Đời ngộ thiệt!
Bước chân xuống xuồng, may mà dẫu giày dép xênh xang, bước chân ta vẫn chưa quên nếp cũ, chân vẫn vững vàng trong sóng nước lắc lư. Lại nhớ có lần đi chơi ở công viên, ta dễ dàng chơi những trò đi trên dây như làm xiếc. Bạn bè trầm trồ thán phục, ta hãnh diện cười: “Ăn nhằm gì, hồi nhỏ tớ đội lúa qua cầu khỉ, trời tối mưa dầm, chân dính sình trơn, vậy mà chưa bao giờ để rớt xuống sông một hột lúa!” Ừ, có lẽ nhờ đó, mà bước chân ta giờ bám đường đời cũng đỡ chông chênh. Vậy mà đôi lúc ta quên…
Nhìn mấy em thôn nữ áo bà ba nón lá, bơi xuồng đưa đón khách tham quan. Cái quai nón của em lụa là, rộng gấp chục lần cái quai nón cứng đơ bằng vỏ cây bố của ta xưa. Chụp hình, muốn thấy mặt, phải bảo em kéo cái quai nón ấy ra. Chụp xong, ta dịu dàng nhắc em kéo quai nón lại. Kệ người đời thiếu cảm thông, em cứ sắm cái quai nón cho thiệt rộng, tự che lấy má hồng. Người thích nhìn đôi má đẹp, nhưng thiên hạ chẳng bận tâm đôi má ấy cần phải được giữ gìn. Đời thiếu bao dung thì ta tự bao dung lấy. Cũng như quê, cứ đẹp bền bĩ lặng thầm dù kẻ xa quê có nhớ hay không.
Khỏa tay trong nước, dòng nước này sẽ chẳng bao giờ ta có thể khỏa tay trong nó lần thứ hai. Nó sẽ trôi về đâu? Sẽ ngấm trong đất nào? Sẽ vào cây cỏ nào hay mặn xanh trong biển lớn? Ta không thể biết. Cũng như, ta không thể biết mình sẽ thế nào trong những lần trở lại quê sau. Ờ mà băn khoăn dòng nước kia sẽ về đâu làm gì, về đâu thì dòng nước ấy cũng đã góp mặt cho đời. Cũng như ta, dẫu có vi vút nơi nào, vẫn mãi là đứa con của đất quê Đồng Tháp. Điều đó, dẫu ta có cố tình nhớ hay quên, vẫn không hề thay đổi.
Quê vẫn đó, bao dung như đất. Ta phiêu bạt khắp trời, lâu lâu lại chạy về, sà vào lòng cỏ cây sông nước và thủ thỉ nói lời xin lỗi quê hương. Cây cỏ mãi hiền hòa, sông nước luôn rộng mở. Xin lỗi là để tự nhắc mình. Chỉ vậy.
Chỉ vậy thôi.
Một ta…
Em trai trẻ trung, hoạt bát, bản lĩnh… bỗng một bữa nhắn tin qua điện thoại: “…Em thấy mình trống vắng và cô độc quá…” Trời, “thành phần” như em mà trống vắng và cô độc thì “đẳng cấp” cỡ tôi chắc hết từ để diễn tả rồi!
Thật ra, sự trống vắng và cô độc của con người xuất hiện ngay từ khi ta rời lòng mẹ. Khi bà đỡ chừa cho ta một khúc ruột dài cỡ một ngón tay mà sau đó vài ngày nó cũng sẽ rụng đi luôn, bỏ lại ta trơ trọi lăn lóc trên đời với một cái rún – vết sẹo đánh dấu sự cắt đứt, đơn độc một mình. Ta và chỉ một mình ta.
Lạ vậy. Khi mỗi ngày ta càng có nhiều mối quan hệ thì sự trống vắng lại càng nhiều. Sự cô độc tỉ lệ thuận với thời gian, ngày càng loang ra, mênh mông, miên man…
Mỗi ngày, ta đóng nhiều vai diễn trong một con người. Ta cười nói, bông đùa, suy tư, phiền muộn… Cũng là ta đó thôi, chẳng phải giả, không phải thật, nhưng dứt khoát chẳng thể nào chối bỏ, đó là ta.
Một ta, một cuộc đời và một cô đơn trống vắng miên man…
7 tỉ người trên thế giới là 7 tỉ niềm cô độc. Thấy nhân loại quay xà quần trên trái đất vậy chớ chẳng ai nối được vào ai đâu. Có nối thì cũng nối vờ vậy thôi, đầu dây mối nhợ vẫn của ai nấy giữ, đâu ra đó hết! Bạn sẽ tin điều đó khi hai bàn tay trắng nằm im với trái tim ngừng đập, hơi thở không còn nối bạn với cõi đời này.
Vậy thì em ơi! “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng”(*), hãy hồn nhiên “bình minh” mỗi ngày với sự trống vắng cô độc đương nhiên hằng có. Với sự cô độc đến tận cùng, ta sẽ tìm thấy chính ta, sẽ hòa nhập với vũ trụ bao la trong từng hạt bụi này…
Em nhé!
Một ta…
Bạn bè một thuở
Một trong những may mắn của con người là có bạn bè. Bạn bè là một góc quan trọng trong tổng diện tích cuộc đời đầy những buồn vui của mỗi người. Hạnh phúc thay cho những ai có bạn – bạn thân, bạn tốt…
Mình may mắn đã có những tình bạn đáng yêu, thắm thiết, chân thành.
Mỗi lần gặp lại bạn cũ, lòng nao nao như thấy lại mình của những ngày xưa. Tất cả giờ đã không còn trẻ nữa, gặp nhau vẫn “mày, tao” như thời lóng tóng đến trường. Có lần mình kêu lên câu hỏi: “Ê, sau này khi tụi mình tám chín chục tuổi, làm ông nội bà ngoại khả kính rồi, gặp nhau vẫn gọi mày tao sao bây? Tao chưa từng thấy có ông ngoại bà nội nào đầu tóc bạc phơ còn gọi xưng với nhau là mày tao, hổng lẽ tụi mình làm một nhóm người già mất nết?” Bạn cười liến láu: “Răng rụng hết, miễn lưỡi chưa rụng, còn phều phào mấy tiếng “mài, kao” được thì cứ kêu chớ mắc gì cử!”
Mỗi đứa là một mảnh đời với quá nhiều nhiều điều để nghĩ suy trăn trở và chiêm nghiệm. Mình đã viết những câu thơ từ khi bước ra khỏi mái trường:
…Rồi tiếng trống cuối cùng năm học cuối
Đánh chúng ta văng tứ tán giữa đời
Quay tất bật giữa bốn mùa sinh kế
Thoáng hạ về nhìn phượng… bỗng xa xôi…
(Thoáng hạ – tập thơ NGỘ)
Ôi, thơ! Có lẽ không gì diễn tả tâm trạng tuyệt vời thấu đáo hơn thơ. Thôi thì đọc lại thơ mình vậy
Bạn cũ
Vài dấu lặng giữa cuộc đời sôi động
Một dành cho bè bạn chốn quê nghèo
“Xưa ta bé ta chơi…” bài hát cũ
Dắt ta về những ngày tháng trong veo.
Giờ thì đã mỗi người về một bến
Đứa bấp bênh, kẻ neo chặt chán chường
Gặp nhau nhắc chuyện xưa cười bỡ ngỡ
Chút vụng về sót lại thấy mà thương!
Thôi thì đã không còn là búp nõn
Cầu mong cho những hoa trái bình thường
Đừng dông bão giập vùi, đừng khuất mất
Chút xíu phần còn lại của thời thương…
(Tập thơ Cõi Lạ)
Và thơ của bạn ta:
Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại
Đinh Thị Thu Vân
Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại
Bạn bè ơi, khi ấy có còn nhau
Cơn lốc đời đưa đẩy bạn về đâu
Ta ngoái lại tìm nhau, e mất dấu
Ta ngoái lại tìm nhau, mong ẩn náu
Góc bạn bè yên ấm cảm thông ơi
Ta ngoái lại rụng rời đôi cánh mỏi
Góc bạn bè tin cậy, bớt chơi vơi
Ta ngoái lại tìm nhau, đừng sỏi đá
Đừng dập vùi chi nữa trái tim hoang
Thôi đừng nhớ đừng quên đừng xa vắng
Xin một lần tha thứ thuở lang thang
Tha thứ nhé bạn ơi ngày cay đắng
Ta quẩn quanh nuôi giữ xót xa mình
Tha thứ nhé những niềm vui không vóc dáng
Thưở đam mê bè bạn khuất xa dần…
Rồi sẽ có một ngày, sau tháng ngày dâu bể
Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau
Ta nói yêu thương khi mắt đổi thay màu
Bàn tay héo cầm lâu cho ấm mãi
Trái tim héo, nụ cười xưa dẫu héo
Chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin
Dẫu mong manh vụn vỡ chẳng nguyên lành
Xin hãy có một ngày nhen nhúm lại.
Bạn của ta ơi! Góc dấu yêu kiếp này xin hãy cùng nhau giữ mãi…