Rong rãi biếng lười…
Đi xem lễ hội Ka-tê của người Chăm. (Dạo này chịu khó hóng hớt đi chơi. Mặc đời vây quanh róng riết, ta cứ nhởn nhơ cho bõ tất bật lâu ngày. Huớ bà con ơi, ai đó có đi đâu rủ tui đi tiếp với…)
Đi chơi thì siêng, viết thì lười biếng. Qua quít vài hàng, lời không hết ý…
Chăm
Mình vốn ngưỡng mộ bùi ngùi trước nền văn hóa Chăm (không biết phải dùng từ gì hay và chính xác hơn từ “ngưỡng mộ bùi ngùi”?) Rất nhiều lần đứng trước các ngôi tháp Chàm vào những buổi hoàng hôn nhập nhoạng, đợi mùi hoa giũ dẻ dậy lên như một nỗi niềm mạnh mẽ khuất xa…
Những ngôi tháp Chàm luôn đem đến cho mình nhiều cảm xúc thật khó diễn tả: Kiêu hãnh, vững chãi, thâm trầm, lặng lẽ, u uẩn… Tất cả các ngôi tháp đều mang đến cảm giác chung là “kiêu hãnh buồn”. Mình đặc biệt yêu thích tháp Chàm (nhưng riêng với tháp Chàm ở khu thánh địa Mỹ Sơn thì lại không mang đến cho mình nhiều xúc động như những ngôi tháp nằm rải rác đó đây trên các ngọn đồi hay giữa đồng hoang vắng). Đứng bên tháp cao oai nghi sừng sững, mình luôn thấy sự gần gũi lãng mạn. Trong tàng thức, hình như cảm giác rằng chính mình đã từng cầm những cái tháp ấy trên tay. (Chắc trong một kiếp nào đó, mình đã từng là người rủ rê các anh hùng hảo hớn bạn bè xúm nhau xây tháp coi chơi?!)
Đi dự lễ hội Ka-tê của người Chăm, mong tìm thấy chút gì khuất xa hiện lại…
Và cũng có thấy, dẫu hình như chẳng thấy gì xa hơn… cái máy chụp hình của mình đã thấy.
Nhân chi sơ…
Đồng bào Chăm thật hiền lành, cởi mở. Hầu hết đều tươi cười thân thiện ngay khi cái nhìn ta chạm vào mắt họ. Người Chăm dễ dàng bắt chuyện chân thành, và các em bé Chăm thì ngoan hết sức. Kể chuyện này cho các bậc phụ huynh nghe: Khi nhìn thấy một nhóm các bé đi lễ hội, túm tụm ăn uống đùa giỡn và vứt rác bừa bãi xung quanh, mình đứng lại nhẹ nhàng nói: “Sao các con lại vứt rác tùm lum ra vậy!” Nói hững hờ cho có vậy thôi, chớ chẳng mấy tự tin lời nói của mình rót được vào tai trẻ. Thế nhưng thật bất ngờ, cả đám trẻ bật lên, ùa ra tíu tít vui vẻ nhặt nhạnh thiệt mau, chẳng những lượm hết rác của chúng xả mà còn lượm hết tất cả rác của… nhân dân tồn tích xung quanh. Ríu rít hót với nhau bằng tiếng Chăm, rồi một đứa ngước lên cười toe toét hỏi: “Vậy được rồi hén cô?” Ôi, các con ngoan quá! Biết khen thưởng các con cái gì bi giờ? Thôi thì cho cô chụp ké cái hình đi! Cô đem về đưa lên blog, web… cho không gian Net le lói đóm sao niềm hy vọng vào bản chất “nhân chi sơ…”
Nhân chi sơ tính bổn thiện hay ác? Từ xưa các cụ Tử bên Tàu đã rỉ rả cãi nhau về vấn đề này. Bác Khổng Tử thì bảo thiện, bác Tuân Tử thì bảo ác, Bác Hồ của chúng ta thì bảo: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” rất gần với quan điểm Phật giáo: Bản tâm vốn không thiện không ác.
Trẻ em ngày nay điên đảo vì người lớn. Các bậc phụ huynh và xã hội hết sức tạo điều kiện cho trẻ em hư bằng cách “tôn trọng” chúng một cách quá xá lệch lạc. Chúng được sống trong môi trường “tự do phát triển cá tính” đến mức chúng tưởng chúng là ông bà trời con, và người lớn – mà cụ thể là cha mẹ – chỉ là người phục vụ, nô lệ của chúng. Thật tội nghiệp cho lũ trẻ. Chúng hồn nhiên phạm tội, bị tổn đức trong từng thái độ, hành xử, sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em ở nông thôn, con nhà ít học, không được người lớn quan tâm “giáo dục” nên chúng rất ngoan, dễ dạy; còn trẻ em ở thành thị, con nhà trí thức, được “tôn trọng” quá mức nên chúng trở thành người “lãnh đạo” lại chính các bậc phụ huynh.
“Nhân chi sơ…” Trẻ em là con nít, hãy đối xử, dạy dỗ các em như đối xử dạy dỗ con nít, vậy thôi. Chớ có đội các em lên cao quá mà chúng bị hẫng chân, lững lơ cao đạo và trở thành những người lớn lầm lẫn lộn ngược: xem cha mẹ như con mình và xem con mình như cha mẹ.
“Nhân chi sơ…” Các em bé Chăm ơi! Cám ơn các em đã nhắc ta rằng: Trẻ em luôn cần sự dạy dỗ đúng mực của người lớn.
Nón ơi là nón!
Đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm. Bà con Chăm tuân thủ luật, đội mũ bảo hiểm đi đến lễ hội. Vào nơi thờ cúng, xe máy gởi rồi nhưng mũ phải mang theo, mang theo mà chẳng biết để vào đâu, thôi thì để luôn trên đầu cho tiện. Vậy là trong nhộn nhịp sắc màu của khăn nón áo quần lễ hội, mũ bảo hiểm nhấp nhô. Ngó lãng trơ!
Nếu người Chăm ý thức, không dễ dãi đội luôn cái mũ bảo hiểm trên đầu khi vào lễ hội, thì những ngôi tháp Chàm ắt đã chẳng trở thành những phế tích hoang vu…!
Mà thôi, chuyện nhỏ! Chuyện lớn hơn ta còn thôi được kia mà.
Ờ hén, vậy thôi đi. Đời cũng… vậy thôi.