Gallery vách tường

Gallery vách tường

Dọn nhà, nhìn bốn vách tường trống trơn, thấy quá nhiều kỷ niệm, dấu vết thời gian còn lưu lại trên tường.
Đây là dấu vết của những kệ sách cũ, màu sơn năm cũ… Đây là khoảng của mấy cái khung tranh, của cái móc treo mấy món đồ lưu niệm những vùng đất xa…
Và rải rác khắp nhà là những bức vẽ, những dòng chữ nguệch ngoạc của lũ trẻ con ngày xưa nghịch ngợm lén lút, hồn nhiên để lại. Mỗi dòng chữ, bức vẽ gợi nhớ một câu chuyện.
Nhà có trẻ con hiếu động, khó mà giữ được những bức tường nguyên sạch vẹn trơn. (Mà nhất là nhà có ba mẹ là họa sĩ, những “vũ khí tác chiến” sẵn bày ra đó, nhìn là “ngứa tay” mắc vẽ thôi!)
Bức vẽ bầy thằn lằn đang đùa giỡn cắn đuôi nhau trên vách chỗ này gợi nhớ câu chuyện:
Một buổi tối, mẹ kêu ré:
– Trời ơi, sao tụi con vẽ bậy lên tường như thế?
Con hồn nhiên nghiêm túc trả lời:
– Con có vẽ bậy đâu mẹ, con vẽ thiệt mà!
Sau ba giây ngắc ngứ trước “lý luận” hồn nhiên của con, mẹ nhà thơ cũng tìm ngay ra từ ngữ thích hợp:
– Mẹ nói con vẽ bậy là vì con đã vẽ không đúng chỗ.
– Con vẽ đúng chỗ mà mẹ, con thằn lằn thì phải đeo trên vách tường!
– Trời! – Mẹ kêu lên! Để giải thích những điều hết sức giản đơn với trẻ con quả thật không đơn giản!
Một hôm khác:
– Sao con lại vẽ tùm lum nữa lên tường? Mẹ đã bảo rồi, con phải vẽ vào giấy, vách tường là phải để cho sạch đẹp…
– Thì con đâu có làm dơ tường, con vẽ lên cho đẹp tường mà mẹ. Mẹ coi kìa, cả một vườn bông hoa với lại có cô tiên đang bay xuống, cô tiên tối ngày đi đứng trên mây, bàn chân của cổ cũng hổng dính đất, đâu có gì dơ…
Lại một bữa:
– Mẹ ơi! Coi con vẽ cái tranh cổ động này giỏi hông? Con vẽ để “cổ động” tụi con hổng nghịch đùa với lửa như lời mẹ dặn nè.
Trên tường là “bức tranh cổ động” vẽ một trái gòn đang cháy, ngọn lữa bay dài như tóc Thủy thủ mặt trăng. Hai cái gạch chéo như dấu nhân bự chảng. Cái tranh này được vẽ theo chuyện kể của ông nội: chú Út ngày xưa còn bé, thấy ông nội giắt trái gòn trên vách (dùng để lấy bông gòn tẩm xăng làm tim ống quẹt – bật lửa thời đó) liền lấy xuống đốt thử coi chơi. Đốt thấy lửa cháy dữ quá thì hoảng hốt, sợ cháy hết mất trái gòn sẽ bị la mắng nên vội vàng giắt… trả lại vào vách cho ông nội! Mà vách nhà ông nội thời ấy là vách lá, trái gòn đang cháy phừng phừng được giắt trả lại, thế là thành ra… chú Út đốt nhà chơi! Lũ trẻ tự “khuyến cáo” mình, vẽ trái gòn đang cháy lên vách tường, để mai mốt không được nghịch lửa dại dột như chú Út!
Thôi bó tay! Làm sao ngăn cản được tư tưởng “hoạt động nghệ thuật” rất “nghiêm túc” này của lũ trẻ!
Và rồi những bức tranh khác, gợi nhớ thân thương: Chỗ này là mấy trái xoài, đu đủ của ông ngoại dưới quê đem lên cho; chỗ kia là cánh tay bé Tú đang đeo cái vòng mới tinh – quà của bác nhà thơ Thu Bồn khi ba Việt Hải làm xong cho bác bìa tập sách Đánh đu cùng dâu bể. Giờ đã thấy quí hóa chưa, khi ông ngoại khuất rồi mà mấy trái xoài, đu đủ của ông còn đó; bác Thu Bồn và ba cũng khuất rồi mà chiếc vòng tay ấy vẫn còn kia…
Và rồi chỗ này, gần cửa, là những cái vạch bên cạnh có ghi ngày tháng. Đó là chiều cao của lũ trẻ, chúng tự đánh dấu cho nhớ và so sánh với nhau. Bây giờ, bé Tú (nhỏ nhất) cũng đã cao hơn cái vạch của chị Quỳnh (lớn nhất) ngày xưa, còn cái đỉnh đầu của bé Thư xưa thì nay chỉ ngang eo cô Thư bây giờ 16 tuổi!
Gallery vách tường còn nhiều thứ nữa. Những chữ Phật (chữ Hán duy nhất mà bé Tú biết viết) chi chít đầy xung quanh vách phòng ngủ của Tú, bé viết để “trừ ma” (?!), mong cho trong giấc mơ bé chỉ toàn thấy Phật và chớ có con ma nào dám lại gần rình nhát bé! Rồi những nhân vật trong phim hoạt hình và truyện tranh ngả nghiêng lố nhố đủ thứ chất liệu: từ nàng tiên cá, con chó đốm, cậu bé rừng xanh, chú nai Bam Bi đến Đôrêmon, Thủy thủ Mặt Trăng, Harry Potter…
Khi có căn nhà mới, những bức tường sạch trơn, sang trọng sẽ không còn cơ hội lõng lẽo cho lũ trẻ con có thể lén lút vẽ bừa bãi lên tường. Khi có căn nhà mới, lũ trẻ đã lớn, đủ ý thức để không còn viết vẽ lung tung lên tường. Do vậy, giờ nhìn bức tường cũ, lòng bỗng nao nao, nhớ… tiếc… Nhớ cả những điều trước đây làm ta bực mình, giờ bỗng trở thành cái quí; tiếc cái trước đây ta không thèm quan tâm giờ bỗng trở thành nỗi khát khao. Tâm trạng lao xao lẫn lộn nhiều điều, giống như tâm trạng của người mỗi khi về quê thấy đường làng được bê tông hóa, sạch sẽ khang trang mà bỗng nhớ cầu tre cầu khỉ. (Bây giờ, cầu khỉ cầu tre lắc lẽo, đường sá bùn sình thì chẳng ai muốn đi nữa, thích chạy xe bon bon trên đường tráng nhựa hơn, nhưng lòng thì cứ mắc nhớ thương hoài cây cầu tre cầu khỉ!).
Ôi, cái gallery vách tường mà hằng ngày ta cứ càu nhàu vì nó vi phạm cái trật tự, qui cách, ngăn nắp… mà nếp sống thị dân đã đề ra; nay sắp rời xa, đập bỏ đi sao lòng bỗng thấy mến thương nó quá! Mới hay, tình cảm con người thật là mâu thuẩn. Nuối tiếc là giọt vi-ta-min nuôi dưỡng cho bản ngã mịn màng.
Có biết bao cái gallery vách tường như gallery vách tường của nhà ta. Mong rằng những bậc phụ huynh sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc bình dị ngay nơi ấy, sau khi bỏ qua những phút bực mình vì những trò nghịch ngợm bướng bỉnh của trẻ thơ. Cái ĐẸP đôi khi không nằm ở hình thức hay theo một qui cách nào cả! Cái đẹp tùy ở cách nhìn của chính ta, điều gì mang đến cho ta niềm vui, hạnh phúc chân chính thật sự thì điều đó đẹp.
Và “Cái nhà là nhà của ta”(*) ấy là nơi mà từ đó chúng ta lớn lên… và góp vào gallery vĩ đại của cuộc đời vô vàn những bức tranh phong phú…

Chú thích:
(*): Lời bài hát hình như là của Sản Đình Nguyễn Văn Thích đã dạy cho ấu nhi của vườn trẻ Hương Linh tại Huế ngày xưa.

Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.

Xóm làng là làng của ta
Xương máu ông cha làm ra
Chúng ta phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà.

Cánh đồng đơm đầy hương hoa
Công khó dân ta làm ra
Quyết tâm ta gìn giữ lấy
Nuôi nhau chung sống một nhà.

Xóm giềng là tình quê hương
Chung sống vui bên ruộng nương
Có nhau để cùng chung sức
Vươn lên non nước hùng cường.

Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp sơn hà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *