Điều phải biết: Phải “biết điều”!
Hôm nay bé Thư được giải nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động do trường tổ chức.
Trong nhà, Thư là đứa có nhiều biệt danh, trong vô số những biệt danh, nổi cộm nhất là biệt danh “Không biết điều!” bởi Thư là đứa hồn nhiên, vô tư, hay bất chấp những luật lệ, qui định mà mọi người thường biết. Ví dụ: Khi có một cái bánh, mẹ chẻ đôi cho Thư một phần và em Tú một phần bằng nhau thì Thư giãy nãy: “Sao mẹ lại chia đều? Con lớn hơn – con 45kg, còn Tú chỉ 28kg – con phải được ăn phần nhiều hơn chớ! Như vậy mới công bằng”. Cái lẽ “công bằng” của Thư là như vậy, mọi lời giải thích đều như nước đổ vào cái lá môn xanh dờn, chắc chắn của bức tường “công bằng” theo kiểu mà Thư hiểu.
Hôm nay trường tổ chức phát giải thưởng cho các phong trào hoạt động Văn Thể Mỹ. Theo nghi thức, lớp nào đạt giải thưởng thì cử người đại diện lên nhận giải. Các lớp đều cử lớp trưởng lên nhận giải. Đến lượt giải vẽ tranh, Ban tổ chức vừa xướng tên giải thưởng là Thư đã chuẩn bị chỉnh tề, “ngang nhiên” bước qua mặt lớp trưởng lên nhận giải. Cái lý của Thư là: “Tranh của con vẽ, ký tên con đàng hoàng, bạn lớp trưởng chẳng có nhúng tay gì vào đó, cớ sao phải để bạn ấy lên nhận giải chớ?”. Rồi Thư “ẳm” số tiền tặng thưởng, “nghinh ngang” hăm hở tót về nhà, vui mừng ngồi săm soi! Mẹ tủm tỉm cười, ướm hỏi:
– Rồi con định “xử dụng” số tiền ấy như thế nào?
Thư thản nhiên, hồn nhiên nói:
– Con sẽ mua bánh kem khao cả nhà mình, và… …
Nhìn gương mặt, ánh mắt hồn nhiên của con, mẹ chỉ biết ngồi cười mãi! Rồi cũng phải giải thích với con cái lẽ “công bằng” theo “mô-tuýp” cuộc đời:
– Con à, số tiền ấy con phải mang vào lớp, để cô chủ nhiệm giải quyết, có thể con phải sung vào quĩ của lớp, vì đây là giải thưởng lấy danh nghĩa của lớp dự thi, con chỉ là người thực hiện, nếu lớp có lòng thơm thảo thì chi lại “bồi dưỡng” cho con một ít…
Cái “công cuộc” giải thích lý lẽ với Thư thật khó khăn! Làm sao với cái đầu 16 tuổi, quen sống với không khí trong truyện cổ tích, truyện tranh, phim hoạt hình, sách vở… hiểu thông được những qui luật lắt léo mà ta phải “biết điều” với hiện thực cuộc đời! Cũng như làm sao giải thích được với con rằng cái chương trình giáo dục mà con và hàng triệu những đứa học sinh khác đang phải nhất nhất tuân theo, bò càng bò niễng ra học ngày đêm đó có thể rất là … trật lất, ai cũng biết mà ai cũng… đành chịu vậy! Làm sao giải thích để con hiểu rằng phải chính từ con người mới làm nên tập thể, nhưng nếu tập thể sai thì trách nhiệm chẳng thuộc về con người nào hết! Chính con người cụ thể mần ra sách giáo khoa, nhưng sách giáo khoa sai thì do Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm và Bộ Giáo dục thì chẳng phải là con người cụ thể nào hết, dù Bộ ấy được “cấu tạo” bởi từng con người cụ thể mà ra! Cũng như ngược lại: cái tranh này dù là do con vẽ, nhưng danh dự và công cán phải thuộc về tập thể lớp. Việc đó con phải “biết điều” mà hiểu và vui vẻ chấp nhận, hoan hỉ tán thành!
Nếu con không hoan hỉ tán thành cũng không được. Cũng như cái bữa con bệnh, bác sĩ siêu âm cho con, con cứ cười ặc ặc vì bị nhột. Bác sĩ bảo không được cười, vì con cười thì bác sĩ không siêu âm được. Con bảo: “Con nhột thì con phải cười mới được bác sĩ ơi!” Bác sĩ bảo: “Nhột cũng không được cười!” Và dù cái “lý” của con là “đúng”: Nhột thì phải cười. Nhưng trong cuộc sống, có những lúc ta nhột mà không được cười, nếu cứ cười thì… bác sĩ không siêu âm được; bác sĩ không siêu âm được thì không chẩn đoán được đúng bệnh, không đoán đúng bệnh thì trị bệnh không hết, trị bệnh không hết thì có thể bị… chết queo! Chết vì cười một cách “không biết điều” thì lãng nhách lắm con ơi!
Phải “biết điều” mà sống giữa cuộc đời đầy những điều mình biết là… “không biết điều”. Đó là điều phải biết!