Họa sĩ Nguyễn Việt Hải -
người bạn văn của tôi
Lê Văn ThẢo
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đúng là như thế. Các họa sĩ thường có cái nhìn sắc nét, xoáy sâu vào tâm linh rất gần gũi với văn học. Với họa sĩ Việt Hải, cũng như với các họa sĩ Nguyễn Trung, Phạm Hữu Trí… tôi đã học tập được rất nhiều điều không phải về hội họa mà về văn chương những khi chuyện trò trao đổi. Mới đây, tôi in cuốn sách, cũng chỉ biết là nhà xuất bản sẽ in vậy thôi. Thế rồi một hôm trong cuộc tiệc, anh Việt Hải bất ngờ đặt cuốn sách lên bàn trước mặt tôi khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Cuốn sách chính anh vẽ bìa, anh là người đọc đầu tiên. Suốt buổi hôm đó anh trao đổi với tôi nhiều điều, hiếm thấy có một tình bạn như thế. Một lần khác, nhân một buổi chuyện trò về tác giả M. Duras người Pháp, tôi nói tôi đọc hầu hết sách của bà, nhưng có cuốn rất hay là cuốn Đập ngăn Thái Bình Dương mãi sau này tôi mới được đọc, do tình cờ mua được ở một hiệu sách cũ. Tôi thấy anh chăm chú nghe tôi nói, rồi mấy hôm sau gặp lại, anh nói: “Tôi cũng tìm mua được cuốn đó và đọc rồi”. Thật hiếm thấy có người đọc sách chăm chú như vậy - ngay cả trong giới làm văn chương. Việt Hải đọc hầu hết sách in trong nước và sách dịch nước ngoài, bàn đến cuốn gì anh đều có thể có ý kiến một cách sâu sắc thấu đáo, bình phẩm một cách hăng hái nhiệt tình. Tôi không biết anh đọc sách lúc nào. Anh làm việc từ sáng đến chiều tối, trình bày cho báo Tuổi Trẻ, Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, vẽ bìa cho hầu hết sách của Nhà xuất bản Trẻ và nhiều nhà xuất bản khác. Tôi nghĩ anh chỉ có thể đọc sách vào lúc nửa đêm về sáng.
Anh là một người chồng tốt, người cha gương mẫu, người con hiếu thảo trong gia đình và người chí tình với bạn bè. Anh có nụ cười thật tươi và cái nhìn hòa nhập. Anh sôi nổi trong tất cả mọi chuyện, là điểm nóng trong các cuộc họp mặt, nhiệt tình và tấm lòng của anh trải đều cho đông đảo bạn bè. Tôi nhớ có lần góp ý cho một người bạn đạo diễn về một chi tiết nhỏ trong bộ phim dài 70 tập, vậy mà anh sôi nổi tranh cãi đến giận dữ, anh không chấp nhận một sự thiếu hoàn hảo như vậy.
Quê Việt Hải ở Đồng Tháp, có cùng chung quê tôi cánh đồng Tháp Mười nổi tiếng. Anh tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng hiểu biết về nông thôn đồng nước không thua gì tôi. Hai chúng tôi có nhiều buổi nói chuyện thú vị về đồng nước, rùa rắn, chim chóc, tôm cá, về những khu rừng tràm đầy ong mật, những cánh đồng lúa ma bạt ngàn thời xa xưa và những mảnh còn sót lại cần phải được bảo quản duy trì giống lúa tiên của trời phật này.
Có một nhóm bạn của Việt Hải cùng học trường mỹ thuật trước đây, họ vẫn duy trì gặp gỡ thường xuyên từ đó tới giờ, lần gặp nào tôi cũng có dự, như một vị trưởng lão ngồi đầu bàn lắng nghe họ trò chuyện. Đó là một nhóm bạn thật quí giá, ai nấy đều đã ở tuổi trung niên, người vẫn vẽ, người đi làm kinh tế, nuôi chim, đi làm nhà văn. Họ có đủ chuyện để kể trong những lần gặp mặt ấy. Tôi ngồi nghe, nghĩ mãi về một cuốn sách viết về nhóm bạn ấy với những lần gặp gỡ ấy, những số phận, những cảnh đời với biết bao tình cảm tâm tư rất đáng được nhà văn phân tích mổ xẻ.
Trong điện thoại di động của tôi có ghi nhớ ít số điện thoại của bạn bè thân thiết, và sau nhiều năm, lần đầu tiên hôm nay tôi xóa đi một số điện thoại. Vẫn biết sinh ly tử biệt là chuyện thường tình không tránh khỏi, nhưng sao vẫn thấy lòng đau thắt. Anh còn trẻ thế, yêu cuộc đời đến thế, ước chừng phải sống mấy cuộc đời mới trải hết được tấm lòng ấy, vậy sao lại dừng lại giữa chừng ?!
Đôi điều tâm tình với hương hồn anh, còn nhớ anh thì sẽ mãi mãi…
Báo Sài Gòn Giải Phóng (29-6-2003)