Cây của mùa sau
Đi tham quan khu vườn sinh thái thiên nhiên khá hoành tráng của một người bạn. Nhiều cây giống lạ quí hiếm chen lẫn với cỏ dại rong rêu giản dị bình thường. Ta dừng chân trước một cây thiên tuế trong khá nhiều cây thiên tuế rải rác đó đây. Cây đẹp dưới mắt ta bởi chẳng cành lá xum xuê tốt tươi như bao cây khác, mà chỉ vững chải cái gốc sù xì giản dị nhưng toát ra cái vẻ đất trời thời gian đã từng lưu lại rất nhiều tầng. Cây này ít nhất cũng gấp đôi tuổi của ta, ắt cũng đã chứng kiến biết bao điều diễn ra trong trời đất. Ta xúc động tần ngần xuýt xoa khen cây đẹp, không ngờ bạn nhiệt thành hào phóng tặng cho ngay, còn bảo: “Người giàu nhất là người không có gì cả” (Ê, bạn này, hóa ra tôi vừa nghèo đi một chút vì có thêm món quà của bạn. À, nhưng nếu ta còn ham làm “người giàu nhất” thì ta vẫn còn “nghèo” lắm đó nha!).
Khi nhổ cây lên ta mới hay rằng cây chỉ còn có dăm cái rễ gá hững hờ vào đất, ra vẻ hình như nó đã dọn dẹp sẵn sàng hành trang cho cuộc ra đi, kết thúc một đời cây, khép lại những tháng ngày đứng chơi, góp một chấm xanh cho trái đất. Để yên nó ở đây chưa chắc gì nó còn chịu phơ phất với đời, huống là bị nhổ lên dịch chuyển về thành phố. Nhưng thôi, vì chút lòng ham hố yêu thích nông nỗi của ta mà cây đã bị bứng lên rồi, có ngồi đây mà não nề thống thiết thì cũng chẳng thể nào khác được. Đành! Việc còn lại là phải chăm sóc thế nào cho cây sống. Chăm sóc làm sao? Nó là cây rừng, đâu cần ta chăm sóc theo kiểu thị dân, tưới tăm phân bón… Mình thương cây, mê thích ngưỡng mộ nó quá mà không biết làm cách nào giữ cho nó sống, suốt ngày lòng bồn chồn lo lắng, tâm cứ hướng về cây, cảm thấy như mình có lỗi. Sao mình lại tha nó về nhà? Khoảng trời mà nó cần không phải là khoảng trời nhìn lên là thấy rối nùi dọc ngang dây điện; khoảng không gian mà nó cần không phải là khoảng không gian va vấp với tường rào. Biết vậy mà ta vẫn bắt nó về đây, để ta có thể nhìn nó mà như thấy được núi rừng, trong khi nó nhìn lại ta là chỉ có thể thấy… đời xơ xác!
Thôi, hối hận ăn năn mãi thì cũng lỡ rồi, phải tập trung vào việc làm cách nào vực dậy nó. Đăm chiêu tìm cách, loay hoay mãi cũng chẳng thể làm được gì hơn là đưa mắt thê thiết nhìn cây và thầm nguyện cầu Bồ Tát gia hộ cho nó sống. Nguyện cầu mà lòng cũng phân vân…! Niềm tin lỏng lẻo, ta quay sang bám vào niềm an ủi: Nếu nó không sống được thì cũng tốt thôi, nó sống cũng hổng thú vị chi trong cái không gian chật hẹp này, thôi thì nếu như nó chết, ta cũng còn xác cây khô đó. Cây rừng nhiều tuổi như nó sau khi chết ắt vẫn còn nguyên vẹn lâu ngày lắm, ta sẽ chăm sóc cho đám cây dại, dương xỉ chùm gởi đang bám trên thân nó xanh tươi. Ta sẽ trồng thêm giò phong lan vào cái hốc trên thân nó, để nó sẽ vẫn còn hữu ích, vẫn đem lại màu xanh cây cỏ cho đời.
Ờ hén, cây ơi! Nếu cây chết rồi mà vẫn còn đứng đó, vẫn làm nơi cho phong lan nở, cho đám rong rêu, chùm gởi bám vào xanh lá xanh dây, thế thì cũng tốt biết bao, đâu có thua gì cây vẫn sống.
Ờ hén, ta ơi! Một mai kia ta chết đi rồi, biết có được bằng cây, lưu lại mớ gì hữu ích tặng cho đời chút đỉnh???