“Buồn xong vẫn buồn…”
Buồn là món phổ thông dù có loại bình dân có loại rất xa xỉ. Ai cũng nếm món này thường ngày trong suốt cuộc đời mình. Ai cũng sợ nhưng đôi khi bị… ghiền, bởi nó là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Từ những nỗi tầm thường, bình thường, hời hợt cho đến những nỗi sang trọng, cao quí, sâu sắc… Nỗi nào cũng lặp đi lặp lại miết trong đời; nỗi này kéo nỗi kia, khó mà dứt được.
Đi xe buýt, hằng ngày buộc phải “thưởng thức” nhiều thứ nhạc nhung và những chương trình phát thanh hổ lốn theo các loại “gu” của đủ dạng bác tài. Có bữa bội thực âm thanh, mình bức xúc muốn viết luôn một lá thư đệ trình lên… anh Dũng, biểu ảnh… í quên… xin ảnh chỉ thị cho các đấng anh hào bên Giao thông Công chánh ngừng tay cuốc xẻng đào đường vài phút, ra lệnh cho ngành xe buýt bổ sung vào Văn hóa xe buýt cái vụ âm thanh giải trí trên xe. Họ luôn nhắc về vấn đề tôn trọng hành khách, nhưng chắc họ quên rằng một hành khách “nguyên con” là trong đó phải gồm cả hai cái lỗ tai. Nếu leo lên xe buýt và phải đứng nghe chương trình sổ xố suốt một tuyến đường dài thì quả là các đồng chí ơi, địch nó tra tấn ta dã man cũng cỡ vầy thôi!
Trong các món âm thanh trên xe buýt, món phổ biến nhất là nhạc vàng. Ông bà ta nói: “Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, dân đi lại nhiều bằng các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng ắt có ngày… nghiện nhạc vàng bởi phải thường xuyên nghe nó. Nhạc vàng, nói nào ngay, hổng phải là nhạc dở, nó cũng có cái vị trí quan trọng riêng của nó trong khu vực âm nhạc của một số người, nhưng danh phận nó hơi bị oan ức, bị một số thành kiến sang trọng xếp vào “chiếu dưới” trong làng âm nhạc. (Vấn đề này hôm nào có tư tưởng nghiêm trang, ta sẽ bàn lại chơi sau).
Có một bài hát mà trước đây ta chẳng thấy thích thú gì, thậm chí đôi khi nghe mà phát mệt, nhưng bữa nay ngồi rảnh rang trên xe buýt, nghe lại, bỗng thấy… hình như nghe cũng được ta ơi! Đó là bài Ngại ngùng – thơ Xuân Kỳ, nhạc Quốc Dũng. Có cái câu hay nhất trong lời bài hát là: “…buồn xong vẫn buồn…” Câu này rảnh rỗi nhâm nhi kỹ cũng thấy hay! Thế nào là “buồn xong” nhỉ? Là một cục buồn có số đo, cân nặng. Nỗi buồn này tưởng nhẹ hững thôi, buồn một chút là xong. Vậy mà buồn đã hoàn tất rồi lại vẫn… còn buồn nữa! Trước đó, đã có mấy câu gây ấn tượng với những con số cụ thể rất “chơn chất” không chịu nổi: “buồn ba bốn ngày” rồi “buồn năm sáu ngày”. Chính vì cái cục buồn bự cỡ “ba bốn ngày, năm sáu ngày” ấy mà dẫn đến công trình “buồn xong” này. Chợt nhớ cái nghệ thuật tả sự tăng dần của ca dao: “Thương em ba bốn núi cũng trèo/ Năm sáu sông cũng lội, bảy tám đèo cũng qua”. Và nghệ thuật tả sự khuất xa dần của Nguyễn Bính: “Anh đi đó anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” (Trời! Bỗng dưng mà thò cẳng vô cái vùng miền phân tích lý luận phê bình hồi nào vậy?).
Dân gian có câu: “Nói vậy mà không phải vậy”. Mình nói cà rỡn vòng vo quanh quẩn lung tung cũng chỉ là nói để né cái nỗi “buồn xong vẫn buồn…” của mình thôi! Món ghiền này ngán quá mà vẫn phải nhai hoài!
Hu..hu…Người hỡi!!!