Nhà văn
Không khiêm tốn mà nói thì hình như mình là người “Gì cũng biết chỉ có… mắc cỡ là hổng biết”!
Bữa nọ đi chơi bãi biển Ninh Chữ, gặp một bạn Tây. Bạn thấy ta cần mẫn loay hoay với cái máy chụp hình, bạn ngỡ chắc ta là nhà nhiếp ảnh cừ khôi, nên mon men đến nhờ chụp giùm tấm hình lưu niệm. Sau một hồi nhiệt tình bấm máy, chắc thấy cái mặt mình có vẻ cũng quê trớt bờ tre, bạn cởi mở làm quen. Bạn là người Pháp, ta có quá trình 9 năm học tiếng Pháp dở nhất hành tinh nên hổng chữ nào thèm ở lại trong đầu. Cô bạn đi cùng thì bập bẹ được vài từ tiếng Anh, nên cũng cơ bản là trao đổi được với nhau mấy câu giới thiệu níc-nem níc niếc. Nhưng đến phần hỏi thăm về nghề nghiệp thì mới… mỏi tay! Ta cũng láng máng nhớ rằng cái nghề của ta tiếng Tây kêu bằng Pô-ét (poête) gì gì đó. Ta nói mỏi mỏ “Pô-ét… Pô-ét” hoài mà bạn chẳng thể hiểu ra. (Chắc dòm cái mặt ta đần thối như con cù lần ghẻ nên bạn không thể liên tưởng ra được tên này có thể làm thơ!) Hoàn cảnh bắt buộc, cái khó ló cái…tinh ranh, ta bèn nghĩ đến việc phải tìm ra một nhân vật nào đó có nghề nghiệp như mình mà thật nổi tiếng để nói ra thì ai cũng biết. Biết bạn là người Pháp, ta bèn giơ ra một bàn tay, định vị và nói: “Vích-to Huy-gô”; tay còn lại ta tự chỉ vào mình, hai tay cân nhau diễn đạt sự ngang tầm, đồng vai phải lứa. Má ơi! Bạn “wa” lên một tiếng ngạc nhiên ngưỡng mộ, mắt bạn giãn tới chân mày, suýt nữa thì tròng văng luôn xuống cát! Ôi, thế là bạn đã hiểu ta là một nhà văn, mà nhà văn vô cùng tầm cỡ (vì ngang hàng với Vich-to huy-gô lận cơ mà!!!) Thế là Vích-to Huy-gô Việt Nam ta cười hể hả, vì đã truyền đạt được cho bạn hiểu về nghề nghiệp của mình.
Cười hể hả xong rồi mới tới cười… nhục nhã! Tía ơi! Hồn vía Vích-to Huy-gô mà nghe được chắc ổng về bẻ cổ vặn họng mình. Chợt nhớ lại trận đi Hàn Quốc, cả đoàn phải khám sức khỏe ở bệnh viện, bác sĩ Hàn hỏi ta tên gì, ta xớn xác đoán mò rằng bác sĩ hỏi ta có bệnh gì? Thế là ta trả lời ngay: hen suyễn. Vậy là trong y bạ, bác sĩ ghi vào tên bệnh nhân: Hen Suyen (cái tên cũng mang hơi hớm Hàn ghê ấy chứ!)
Biết bao năm trời ta cứ tưởng tiếng Anh có từ welcome là tấm thảm (bởi thấy tấm thảm nào cũng ghi chữ welcome) cho đến một hôm coi phim Cậu bé rừng xanh: nghe diễn viên Minh Nhí nói câu: “welcome back tiger” tức là “chào mừng con cọp trở về” ta mới biết welcome hổng phải là tấm thảm! Biết rồi mới thấy mình ngu hết biết! Nào có ai ghi lên cái bàn chữ “cái bàn”, cái chén chữ “cái chén”… đâu; ai rảnh mà ghi lên tấm thảm rằng đây là tấm thảm. Mới hay cái tư duy của mình nó lẩn quẩn, là đà, kém lô-gích làm sao!
Dân gian có câu: “Yếu thì đừng ra gió”. Ta cũng biết mình hổng mạnh, nhưng cuộc đời gió máy tứ tung, né làm sao được! Mỗi lần “ra gió” là chai sượng đầy mình. Mắc cỡ riết cũng lờn, thành ra mất phản xạ dần dần khái niệm mắc cỡ.
Thôi, lỡ rồi, ngoại ngữ ơi xin hẹn lại kiếp sau, kiếp này xin loanh quanh vùng nội ngữ; làm nhà văn quèn của xóm, ấp, xã, phường… miễn ý thức được rằng ta cũng đang làm cái nghề cao quí – mà cỡ Vích-to Huy-gô cũng được gọi giống vậy thôi: Nhà văn – để phải mần ăn sao cho tử tế với nghề.