Deprecated: Function session_register() is deprecated in /home/thunguye/public_html/functions.php on line 91
Thu Nguyet Personal Site - Văn Thu Nguyệt
 
T
R
A
N
G
C
H
Thơ Thu Nguyệt
Văn Thu Nguyệt
Nhật ký tác giả
Viết về tác phẩm TN
Phim về Thu Nguyệt
Tác phẩm Đặng Ca Việt
 
 
Giới thiệu
Ai ơi về
ĐỒNG THÁP MƯỜI...
ĐỊA CHỈ
QUÁN CƠM CHAY
QUÁN ĂN CHAY

Quảng Cáo
Khu nghỉ dưỡng & điều trịỊ
THIỀN TÂM
Văn Thu Nguyệt - Ý KIẾN
Cần có sự đánh giá và quan tâm đúng mức về

Cần có sự đánh giá và quan tâm đúng mức về

VĂN HỌC PHẬT GIÁO

hiện nay

 

Thu Nguyệt

 

Tư tưởng Phật giáo từ bao đời nay đã thấm sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc, nên những tác phẩm văn học của ta, đa phần bàng bạc tư tưởng Phật giáo. Giáo lý Nhân Quả, Nghiệp Duyên, Từ Bi của đạo Phật cũng là qui luật, là lý tưởng chung của xã hội con người, nếu vận vào thì bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào ta cũng có thể bảo rằng nó mang tính tư tưởng Phật giáo cả. Những tôn giáo khác, họ cũng có những quan điểm tương tự như thế, vậy thì, công bằng mà nói, thật ra VHPG thực sự tồn tại ra sao? Có chỗ đứng như thế nào trong dòng văn học Việt Nam chúng ta hiện nay?

Nếu đặt riêng ra thì những tác phẩm được coi là tiêu biểu của VHPG từ xưa đến nay hầu hết mang nặng về tính lịch sử hơn là văn học - ngoại trừ dòng thơ Thiền. Điều này cũng hợp lý thôi, bởi đa phần những tác phẩm VHPG có tầm vóc đều xuất hiện từ thời trung đại trở về trước, đây là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu gọi là “Văn - sử - triết bất phân”. Những tác phẩm có liên quan đến Phật giáo được viết ra dù với mục đích (ghi lại những sự kiện, nhân vật lịch sử) hay hình thức nghệ thuật nào cũng được hồn nhiên mặc nhiên xếp vào dòng VHPG (ví dụ như các thể: bi, chiếu, chế, biểu, ngữ lục, luận thuyết..vv..).

Thường thì chúng ta hay dễ dãi “nhìn bà con” với những tác giả, tác phẩm ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, và hồn nhiên, tự nhiên xếp họ và tác phẩm của họ vào kho tàng VHPG của mình! Điều này không sai, nhưng đã làm cho chúng ta ngày nay “say”!! Chúng ta cứ yên tâm, hài lòng về kho tàng “gia sản chung” khá giàu có của mình. Có cái để tự hào rồi chúng ta thiếu nghiêm khắc nhìn lại mình để mà phấn đấu. Thật ra, những tác phẩm văn học - thật sự mang tính văn học - viết riêng về Phật giáo gần đây không nhiều. Đã không nhiều lại ít có tác phẩm hay và tác phẩm có bề dày. Đó là còn chưa kể có được một số tác phẩm khá hay viết về Phật giáo của những tác giả trước đây, thì lại không được phổ biến, ít ai biết đến vì nhiều lý do tế nhị, phi văn học khác. Sau thời kỳ phát triển rực rỡ nhất vào thời Lý Trần thì VHPG chúng ta bắt đầu yên vắng. Trong khi đó một số tác phẩm – nhất là trong ca dao dân ca – khi mà đạo Nho có tư tưởng muốn lấn át Phật giáo, các kẻ sĩ Nho giáo liền nhằm vào một vài hiện tượng tiêu cực trong Phật giáo mà “kịp thời” sáng tác một số thơ văn, xoáy vào những điều tiêu cực ấy, nhằm làm xấu đi nét đẹp của Phật giáo trong cái nhìn của mọi người. Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam chúng ta, những câu ca dao nói lên những tiêu cực của Phật giáo vẫn được truyền tụng khá nhiều. (Ở đây tôi không tiện trích dẫn vì trích dẫn lại hoá ra góp phần truyền tụng!) Nhắc lại hiện tượng này là tôi muốn nói lên một điều: Nếu một giọt mực rơi vào trong ly nước nhỏ, ắt ly nước ấy sẽ bị vẩn đục, nhưng nếu một giọt mực rơi xuống một dòng sông, thì sẽ chẳng thấm vào đâu. Những cây bút VHPG nếu mỗi người góp một giọt nước, làm thành dòng chảy VHPG, thì những giọt mực kia sẽ chẳng là gì cả. Phật giáo chúng ta sẽ luôn trong xanh, hiện rõ vẽ đẹp của mình trong dòng văn học Việt Nam. Thế nhưng, những cây bút VHPG sau này đã làm được điều đó chưa? Những giọt nước của chúng ta vẫn còn cứ là mây, bay lãng đãng ở trên trời, theo sương theo khói, chớ chưa chịu kết tinh thành giọt nước thiết thực cho dòng sông VHPG thời hiện đại. Ngồi ngẫm lại, nhìn lại một cách nghiêm túc về VHPG hiện nay, khiến những người có sự quan tâm đúng mức về nền VHPG không khỏi băn khoăn.

Xây dựng đạo đức xã hội tốt đẹp là MỤC TIÊU của Phật giáo chúng ta nói riêng, cũng là mục tiêu của nhiều tôn giáo khác và nhân loại nói chung, còn MỤC ĐÍCH của Phật giáo chúng ta là hướng con người đến GIẢI THOÁT chớ không chỉ là dừng lại ở mức mong cầu cho con người sống hạnh phúc, sung sướng trong cuộc đời này. Đa phần các tác phẩm mà chúng ta “nhìn bà con”, cho là có tính Phật giáo, mới chỉ dừng lại ở mức nói lên cái thiện, nói lên sự phấn đấu của con người để đạt đến một tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp nào đó, chớ chưa đề cao được chân lý giải thoát của Đạo Phật. Bởi chân lý ấy, mục đích ấy của Phật giáo không phải ai cũng dễ dàng hiểu được, làm được, nói và viết đúng được. Chỉ có những người trong cuộc, những người đã thông hiểu giáo lý đạo Phật bằng tri thức chớ không phải chỉ bằng kiến thức, những người có thực tu thực chứng chớ không phải là những người chỉ biết trên lý thuyết suông. Nền tảng của Phật giáo theo tôi có hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là triết học và các vấn đề xã hội, yếu tố thứ hai là vấn đề tâm linh. Các nhà văn nhà thơ không phải là người thậm thâm đạo Phật thì những tác phẩm của họ chỉ đề cập đến yếu tố thứ nhất mà thôi. Do vậy, sự khập khiễng là rõ ràng. Sở dĩ VHPG thời Lý - Trần phát triển rực rỡ như thế là vì hầu hết những nhà văn nhà thơ ấy đa phần là những thiền sư.

Những nhà văn nhà thơ viết về Phật giáo nếu không phải là người người thực sự tâm huyết với Phật giáo, mà chỉ là những người có cảm tình, ghé qua ngôi nhà Phật giáo, ngó nghiêng vài cái rồi viết, thì họ chỉ có thể hiểu Phật giáo ở một góc độ nào đó, ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở một mức độ nào đó.... Thế thì tác phẩm của họ viết ra dù có mang ảnh hưởng tinh thần Phật giáo đến đâu, vẫn chỉ mới là cái sự ảnh hưởng, chưa phải là chính bản thân sự thật. Đó là chưa kể đôi khi còn có những cái nhìn lệch lạc về Phật giáo trong một số tác phẩm được cho là mang tính Phật giáo, mà nếu không tinh ý mọi người sẽ chẳng nhận ra. Ở đây tôi xin mở ngoặc để thử bàn về vài tác phẩm có liên quan đến Phật giáo chúng ta chẳng hạn như “Tắt lửa lòng” của Nguyễn Công Hoan hay “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Trong tác phẩm của họ đúng là có nói lên được tinh thần Phật giáo ở một vài khía cạnh, nhưng đồng thời cũng làm cho một số đọc giả có suy nghĩ rằng: Chỉ những người thất chí, thất tình mới đi tu, bạc phước vô duyên, sa cơ lỡ vận mới đến với đạo Phật! Đương nhiên tôi cũng hiểu là tác giả không chủ ý nói như vậy, tư tưởng của tác phẩm nằm ở chỗ khác. Nhưng Lan và Điệp nổi tiếng đến mức cứ nom thấy một cô Ni của chúng ta là thiên hạ lại cứ liên tưởng đến hình bóng của một chàng Điệp thấp thoáng phía sau! (Biết làm sao khi trong văn học nghệ thuật của ta có ba nhân vật nữ đi tu nổi tiếng là Cô Lan – trong Tắt lửa lòng, cô Xuân Tự – trong Áo cưới trước cổng chùa, và cả đến cô Thị Kính – trong Quan Âm Thị Kính, khởi đầu đều đi tu do “hoàn cảnh”, chớ không vì lý tưởng xuất gia!!) Phật giáo luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả những mảnh đời bất hạnh trên tinh thần Từ Bi bao la của mình, nhưng không phải tất cả những người xuất gia đều do trốn chạy cuộc đời, đa số những người “bước vào” cửa chùa với tâm trạng như thế thì sớm muộn gì họ cũng sẽ “bước ra” với tâm trạng như thế (điều này người ngoài chưa hiểu được). Phật giáo không từ chối nhưng cũng không khuyến khích những trường hợp xuất gia như vậy. Điều này, tôi thiết nghĩ những người cầm bút có trách nhiệm với Phật giáo cần phải góp một tiếng nói để mọi người hiểu hơn về lý tưởng xuất gia của đạo Phật.

Từ những sự việc trên, tôi nghĩ rằng: Có lẽ là VHPG muốn đi đến đích thì phải tự chèo lái con thuyền của mình thôi, chớ đợi người ta chèo ngang mình nhảy lên quá giang, thì đi được đoạn nào hay đoạn ấy, sơ ý là đi lạc mà không hay, còn chuyện bắt người ta phải đi đúng đến đích của mình thì thật là khó. Thế thì làm sao để có những tác phẩm VHPG chính hiệu? Câu trả lời này chắc phải dành cho những Tăng Ni, những Phật tử có phần nào thực tu thực ngộ, có trình độ và khả năng sáng tác. Thế nhưng tìm đâu ra những “nhân tài” hội đủ những điều kiện như thế? Nhân tài xuất chúng thì khó tìm, chớ những người có khả năng, có thể làm được ở mức trên trung bình thì chắc là không khó, nhưng vấn đề vướng mắc ở đây lại nằm ở chính quan niệm và sự đánh giá đúng mức về TẦM QUAN TRỌNG CỦA VĂN HỌC TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CON NGƯỜI của Tăng Ni, Phật tử chúng ta hiện nay. Ngày nay, Tăng Ni của chúng ta một số chọn cách hoằng pháp bằng việc xây dựng chùa chiền, tổ chức tu học cho Phật tử, tham gia các hoạt động xã hội..vv.. một số hoằng pháp bằng cách lấy bản thân sự tu chứng của mình ra làm gương ví như các thiền viện, các vị chuyên tu nhập thất..vv.. Tất cả các phương tiện ấy đều tốt và đã có rất nhiều người làm được. Nhưng còn một phương tiện bằng con đường văn học đem đạo pháp đi vào lòng người, thì lại vừa không có nhiều người làm được, vừa không được quan tâm đúng mức.

Nhà thơ Sóng Hồng đã đề cao vai trò, quan trọng của văn nghệ sĩ bằng hai câu thơ: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Hoặc Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa cũng đã viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ôi, cái con thuyền và cây bút của nhà văn mới diệu dụng và lợi hại làm sao! Thế mà Phật giáo chúng ta ngày nay có rất nhiều quan niệm chưa xem văn học là một phương tiện hoằng pháp quan trọng, do vậy, chưa có một sự quan tâm đúng mức đối với chuyện văn chương Phật giáo. Chúng ta phải công nhận rằng: Một cuốn sách hay không chỉ làm lay động tâm hồn một nhóm người, một đất nước; một cuốn sách hay có thể làm lay động tâm hồn của nhiều thế hệ và nhiều đất nước. Văn học – khiêm tốn mà nói thì cũng là một trong những phương tiện hoằng pháp rộng rãi nhất, lâu dài nhất, thâm thúy nhất..., nếu đạt hiệu quả sẽ mang về cho Phật giáo chúng ta những phần tử trí thức, xứng đáng nhất. Ở đây tôi xin đơn cử một trường hợp gần đây: Đó là trường hợp của Matthieu Ricard - một trong hai tác giả của quyển sách “Đối thoại giữa triết học và Phật giáo” do Hồ Hữu Hưng biên dịch từ nguyên bản tiếng Pháp (“Le moine et le philosophe” - NXB TP. HCM phát hành tháng 2-2002). Ông là tiến sĩ sinh vật tại viện Pasteur Paris, ông đã từ bỏ sự nghiệp của mình để trở thành tu sĩ. Ông đến với Phật giáo bước đầu chỉ do tình cờ xem một cuốn phim về Phật giáo Tây Tạng. Cuốn phim làm ông xúc động và bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo... để rồi sau đó trở thành thị giả của đức Đạt Lai Lạt Ma! Vâng! Ban đầu chỉ là vì một cuốn phim thôi, một ấn phẩm của văn học nghệ thuật, đã mang đến cho Phật giáo một tu sĩ sáng giá như thế. Ngày nay, giới trí thức và công chức họ ít có điều kiện đến chùa nghe pháp, đa số họ hiểu Phật pháp qua sách vở, qua các phương tiện văn hóa, giải trí...vv.. Phật giáo ta nếu bỏ trống, không quan tâm đúng mức đến mảng này, là bỏ qua một phương tiện hoằng pháp tốt nhất cho rộng rãi quần chúng và giới trí thức.

Sau bao nhiêu thăng trầm, Phật giáo đang bắt đầu được giới trí thức trên toàn thế giới lưu tâm, nhất là các nước châu Âu, nơi mà trước đây Phật giáo rất khó xâm nhập, nhưng ngày nay, trong khi một số các tôn giáo khác đang dần bị xao lãng, thì đạo Phật với những giáo lý siêu việt, không lạc hậu với thời gian, đã được đặt lại vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần con người hiện đại. Để xứng đáng với tầm vóc của mình, Phật giáo - song song với những mặt hoạt động khác, phải có một nền VHPG tương ứng. Chúng ta không so sánh với một đất nước như Trung Quốc và nền VHPG đã sản sinh ra Tây Du Ký, nhưng với một đất nước mà Phật giáo đã thấm sâu vào truyền thống dân tộc như Việt Nam ta, lại chưa có được những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của mình thì kể cũng đáng băn khoăn. Về thơ, chúng ta đã có mảng thơ thiền thời Lý Trần là niềm tự hào của dân tộc, cũng là niềm tự hào của Phật giáo, nhưng về văn xuôi, chúng ta cần phát triển hơn nữa. Nếu ví văn học là một cơ thể con người, thì thơ là nét đẹp của tâm hồn và văn xuôi là toàn bộ tinh thần thể xác con người ấy. VHPG Việt Nam cần đầy đủ một con người với những tinh hoa được chắc lọc từ truyền thống văn hóa Phật giáo bao đời nay của dân tộc ta.

(Bài phát biểu đọc ở trại sáng tác Văn học Phật giáo lần thứ I, do Ban Văn hóa thành hội Phật giáo TP.HCM và báo Giác Ngộ tổ chức vào ngày 6-4-2003)

 

 


Các bài khác cùng chủ đề:
 
 
Thông tin sáng tác
Thư viện văn
Thư viện thơ
Tìm hiểu Phật giáo
Ý kiến bạn đọc
Thông tin từ thiện
L
I
Ê
N
H

T
G
 
Links đọc web
Tuổi trẻ
Hội nhà văn VN
Vnexpress
VTV
HTV
Tuổi trẻ Cười
Đồng Tháp
Dưỡng sinh
Web tìm kiếm Google
THƯ VIỆN HOA SEN
ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
THIỀN TÔNG VIỆTNAM
THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
BÁO GIÁC NGỘ
QUẢNG ĐỨC
BUDDHA SASANA
LOTUSMEDIA
PG NGUYÊN THỦY
DIỆU PHÁP ÂM
RỪNG THIỀN ĐẠT MA
PHÁP TẠNG
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
NI GIOI NGAY NAY
PHÁP VÂN
SUỐI TỪ
TRUNG TÂM HỘ TÔNG
 
© by Thu Nguyet - All rights reserved.
Designed and developed by Nicestyle Co., Ltd.