Virus mắng chửi
Nhiều
người tỏ ra lo lắng, sợ hãi khi gần đây những làn sóng chửi mắng trên mạng xã hội
diễn ra thật khủng khiếp, nặng nề! Ai cũng có thể chửi mắng tự do thoải mái!
Không cần biết đầu cua tai nheo, sự thật đến đâu, cứ thấy trái tai gai mắt là
nhào vô chửi! Người chửi tha hồ bày tỏ sự phẫn nộ không cần kềm chế, không cần
suy xét, không cần nghĩ đến hậu quả từ những “mũi tên lời nói” của mình sẽ gây
sát thương, đau đớn thế nào! Người chửi chú tâm thể hiện cảm xúc mình chớ không
quan tâm đến cảm xúc người bị mình lăng mạ. Người chửi bỏ công “đầu tư” cho lời
chửi thật sắc nhọn, gây ấn tượng chớ không nghĩ đến chất “phóng xạ” từ lời chửi
của mình gây “nhiễm xạ”, tổn thương di căn dài lâu cho tinh thần người bị chửi
như thế nào! Người ta chửi như xả stress, lấy hả hê làm chính và quên mục đích tốt
đẹp ban đầu là lên án cái sai, muốn đổi thay cái xấu.
Xã hội
hiện nay có quá nhiều vấn đề tiêu cực, con người bị căng thẳng, bức xúc quá mức
cũng là nguyên do làm cho mọi thứ nặng nề hơn. Mạng xã hội ngày càng phát triển
phổ biến thì những thông tin về tiêu cực càng nhanh chóng được loan truyền; những
nỗi bất bình, bức xúc cũng vì vậy mà có mặt nhiều hơn. Việc phản đối, lên án,
thể hiện sự bất bình là hẳn nhiên, nhưng bày tỏ thái độ thế nào để chính mình
không bị mang tội miệng, cái xấu có thể chuyển hóa, người sai có thể tiếp thu… mới
là điều quan trọng. Thế nhưng thay vì phân tích cái xấu cái sai một cách tỏ tường
thì đa số người ta chọn cách chửi phát cho nó lẹ! Thay vì bày tỏ thái độ một
cách thiện chí thì người ta chửi nặng cái cho nó hả hê!
Hiệu
ứng đám đông dễ gây cảm xúc tập thể và dẫn dắt mọi người theo xu hướng thiếu tự
chủ. Từ việc một kẻ dính bùn, mọi người lăn xả vào ném đá, đá ném xong rồi thì
cả đám đông cũng lấm lem! Bởi khi ta tấn công cái xấu bằng những lời nói cộc cằn,
thô bạo… thì cảm xúc tồi tệ đã hiện diện trong chúng ta trước rồi mới trút vào
mục tiêu sau! Độc tố không chỉ đến từ ngoài, chính cơ thể chúng ta cũng tự sản
sinh ra độc tố nếu ta thường xuyên sống trong cảm xúc xấu. Cuộc sống bình thường
thôi hằng ngày cũng đã có quá nhiều điều buộc chúng ta không tránh khỏi phiền
não, hãy cố gắng bớt cho mình những cảm xúc xấu được chừng nào hay chừng đó, và
một trong những cách cụ thể là tiết chế những lời nói quá cay độc nhẫn tâm.
Mỗi
lần muốn mắng chửi một ai đó, ta hãy ngưng lại một nhịp để thử tự đặt mình vào
hoàn cảnh người bị chửi, hay giả sử người bị chửi chính là người thân ruột thịt
của mình. Người bị chửi cũng có con cái, người thân và cuộc đời còn lại. Đời
người ai không có những sai lầm, “nhân vô thập toàn” biết đâu một ngày mình hoặc
con cái mình, anh chị em mình cũng vướng vào những cái sai, và sẽ thế nào nếu
các lối thoát đều bị bịt, nẻo quay đầu bị chặn bởi những lời xúc phạm nặng nề từ
những người mà mình chưa hề quen biết hay gây thù chuốc oán?!
Trước
một đám cháy, ai cũng muốn nhanh chóng dập tắt: có người tạt nước, có người dập
cát, có người dùng bình khí CO2… và cũng có người đứng la hét…! Chọn cách nào để
cứu hỏa là quyền của mỗi người, thể hiện tính cách, khả năng, sở trường của người
đó. Tri hô, la hét cũng một cách cứu hỏa, nhưng một đám cháy chỉ cần sự tri hô
la hét vừa đủ, còn lại phải là những hành động thiết thực và hiệu quả khác.
Trong
môi trường xã hội có nhiều tiêu cực, trong điều kiện mạng xã hội thuận tiện,
virus chửi mắng rất dễ lây lan, nếu chúng ta không tự kiểm soát điều chỉnh lời
nói của mình thì bệnh chửi mắng sẽ là đại dịch! Và di chứng, di căn của nó
không chỉ tác hại đến đạo đức xã hội mà còn có thể gây khuyết tật tâm hồn khi
chúng ta lúc nào cũng chực sẵn tâm thế để… chửi!
Thời
buổi nhiễu nhương này, để “sống sót”, mỗi người chúng ta - về THÂN thì cẩn thận
với các chất độc hại trong ăn uống, môi trường… về TÂM thì phải tự tiêm cho
mình liều vắc-xin tạo kháng thể với virus chửi mắng; kiêng chất gây nghiện là sự
hả hê, điều tiết huyết áp sân si… Có như
vậy thì mới đỡ “bệnh”, không hủy hoại mình, giữ gìn sức khỏe, ngáp ngáp mà qua cơn
bỉ cực, đủ sức chèo chống con tàu vận mệnh về bến thái lai.