30/9:
Bài viết của Dương
thủy (Ngọc Hương)
Hey! Rằm Trung
thu ta đu theo Trăng!
Phần V. Tôi
thích trăng Thu quê tôi
(trích Tự truyện
Người đàn bà mặc shorts)
Nghe nói vậy chắc
nhiều người sẽ cười, trăng Thu ở đâu cũng đẹp ai mà không thích?
“Trăng Thu” tôi
muốn nói ở đây là chị Thu Nguyệt - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã từng công
tác tại Báo Tuổi Trẻ TP. HCM.
Nhà thơ Thu Nguyệt
là đồng hương, đồng môn, mà còn là hàng xóm của tôi nữa. Cách đây gần 40 năm,
nhà chúng tôi cách nhau chừng hai cây số. Thu Nguyệt ở xóm trên có tên gọi là
xóm Rạch Bần, còn tôi ở xóm dưới, xóm Rạch Sung. Trên con đường đất nhỏ hẹp mấp
mô, mỗi ngày Thu Nguyệt đều đạp xe đạp ngang nhà tôi. Có bữa mọi người còn thấy
con nhỏ học trò ốm nhom đó một tay vịn ghi-đông, một tay cầm cuốn sách (Thu
Nguyệt đọc sách khi đang đạp xe, mới đáng nể chứ!).
Tôi cũng là đứa
mê sách. Tôi hay leo lên cây xoài, cây khế trong vườn để đọc sách và học bài.
Mùa trái chín, tôi một tay cầm quyển sách một tay lần vặt trái, rồi vừa đọc
sách vừa ăn trái chín cây. Như một thói quen, cứ leo trèo trên cây học bài thì
tôi học mới mau thuộc, tôi đọc sách mới thấy nó hay. Ba Má tôi thấy vậy lắc đầu:
“Cũng dị hợm cỡ con Trà xóm rạch Bần chứ hỏng phải vừa!” (“dị hợm” là không giống
ai đó. Và ở xứ tôi ai cũng kêu Nhà thơ Thu Nguyệt là “Con Trà”).
Quê tôi ít người
cho con cái theo đuổi việc học thì một đứa đẹp gái, tuổi dậy thì, tóc dài da trắng
vừa chậm rãi đạp xe trên đường làng vừa đọc sách, khiến mấy ông bà nông dân khó
tính lắc đầu cho là “điệu”. Chắc chỉ có đứa cũng “dị hợm” như tôi mới biết, cái
thú đam mê đọc sách khiến người ta không giống ai vậy đó. Nhiều khi mua được một
cuốn sách ưng ý, tôi còn muốn đọc một lèo tại nhà sách, kềm lòng lắm mới phải vừa
đi đường vừa đọc, không kịp đợi về tới nhà nữa.
Nói thiệt tình
thì Trà cũng có “điệu” hơn tôi một chút. Ở quê, hễ hơn nhau vài ba tuổi là kêu
nhau “mày - tao” tuốt luốt. Học cùng một trường, hơn tôi có một lớp nhưng Trà đằm
thắm, ít nói và nghiêm nghị lắm, nên tôi không thể không kêu Trà là chị.
Con nít xóm tôi
thường lên xóm chị Trà để hái bần và cà na. Mấy thứ trái dân dã đó đậm vị chua
chua chát chát. Bần và cà na mọc nhiều ở ven sông, người ta không chặt bỏ, để vậy
lấy bóng mát cho cây cầu bến, cho mấy chiếc xuồng ghe… Cây mọc hoang nên lũ
nhóc mặc sức mà phá phách. Lúc đi tắm sông, đứa thì leo lên cây, đứa đứng dưới
đất cầm sào tre bẻ trái. Trái cà na bé lắm, bằng cỡ lóng tay cái thôi, nên muốn
bẻ trái thì có khi phải ngoéo sào bẻ cả đám cành lá. Mấy đứa khác đang tắm lội
cũng tranh nhau oằn nhánh xuống để kiếm trái chín (Cả ngày chịu trận lũ con nít
tắm sông, chắc mấy cây bần và cà na “ê ẩm hết mình mẩy”). Cũng bởi vậy nên càng
về già mấy cây cà na phía bến sông càng ủ rũ xơ xác, nghiêng mình như muốn chúi
nhủi xuống bến nước. Em chị Trà thường tụ tập bơi lội, đùa giỡn với bọn tôi,
nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị Trà hòa vào lũ trẻ. Không biết lúc đó chị đứng
ngồi ở đâu để ấp ủ những vần thơ, mà sau này thơ chị lung linh những ĐIỀU THẬT,
giản dị lắm, nhưng là những mảng màu đẹp của miền sông nước; bình dị lắm nhưng
khiến người ta phải nhớ lâu.
Thơ Thu Nguyệt
như là một thứ HOA CỎ BÊN ĐƯỜNG, nhưng đó là thứ hoa cỏ lạ, có hương và có sắc.
Ai chưa biết,
chưa yêu miền Tây, đọc thơ văn của Thu Nguyệt thì ít nhiều cũng lắng lại chút
tình cảm với một miền đất đầy nắng đầy gió. Mới biết vì sao nhiều người đã nói:
miền Tây quê mùa mộc mạc nhưng ấm áp, thân thương, dễ níu giữ tình cảm của
khách phương xa.
Bạn nào chưa đọc
thơ văn của Thu Nguyệt, thì hãy vào website thunguyetvn.com mà đọc. Sẽ thấy
một chị Trà với ngôn ngữ rất bình dân, thanh trong như giọng nói của chị. Một
chị Trà hướng đến cõi thiện tâm, am hiểu Phật pháp, từ tốn âm thầm làm công tác
từ thiện… Dẫu có thành dân Sài Gòn mấy chục năm và làm ở một tờ báo danh giá là
Tuổi Trẻ thì Thu Nguyệt vẫn giữ nguyên một chị Trà rất miền Tây. Dẫu người bạn
thân thiết nhất của chị đã về phía bên kia trời, đã mãi mãi khắc sâu ghi đậm
trong tâm trí dân văn nghệ Đồng Tháp, hay dân làm báo Sài Gòn một lòng đau đớn
tiếc thương anh, thì Thu Nguyệt vẫn giữ được phong thái bình thản, tự tại. Phải
chăng, đọc nhiều, viết nhiều, biết nhiều và am hiểu sâu sắc triết lý nhà Phật
chị đã NGỘ được một điều rất giản dị: “Không ai rời bỏ ta cả, chỉ có tâm ta
không tưởng tới họ thôi”.
Vì vậy, trong
website thunguyetvn.com một Đặng Ca Việt
– văn thơ, đồng thời là một Việt Hải – mỹ thuật (nguyên là Designer báo Tuổi Trẻ)
vẫn có một góc khiêm tốn mà trân trọng. Nói tới website Nguyệt là nói tới cả một
biển yêu thương của nữ sĩ dành cho những tình thân, bạn bè, đồng nghiệp, quê
hương và đông đảo cư dân mạng. Đặng Ca Việt – Việt Hải ở trong đó, cũng có
nghĩa là Cố họa sĩ tài hoa vẫn được ở chốn đông vui, một cuộc vui văn nghệ chưa
bao giờ tàn. Và dĩ nhiên là anh được mãi mãi ở trong sâu thẳm CÕI tình không
bao giờ LẠ của Thu Nguyệt.
Cũng như vậy,
Thu Nguyệt là một nhánh sông nhỏ vẫn đang miên man chảy trong dòng văn nghệ rộng
lớn. Một dòng sông Trăng bàng bạc màu Thu mà không hề đượm buồn.
Thật ra thì
không THEO MÙA nào, mùa nào nhánh sông Thu Nguyệt cũng vẫn chảy, vầng trăng Thu
cũng vẫn sáng, cũng muốn ôm trọn vào lòng những tình cảm thân thiết, trân trọng
của bạn đọc thân – sơ, không chỉ ở Đồng Tháp, Sài Gòn mà trên khắp mọi miền đất
nước.
Nếu bạn là người
yêu văn chương, hãy lên Net và gõ "Thu nguyệt vê en chấm com” để đọc và
suy ngẫm về cái nghiệp văn chương không thiệt lớn mà cũng không quá nhỏ của chị.
Nó đủ để chúng ta thu lượm nhiều thứ, nhiều thứ lắm như một BIG BANG BỎ TÚI làm
phong phú thêm cái tiểu vũ trụ là tâm hồn của mỗi chúng ta.
Bây giờ, Nhà thơ
Thu Nguyệt đang ẩn cư ở Vườn thiền Thong dong Bảo Lộc - Lâm Đồng. Nơi đó là đồi
cao gió mát, hoa cỏ xanh tươi, thông reo vi vút.... Trăng đêm nay chắc sẽ trải
hết đồi sim, sẽ làm sáng rõ những bức tranh trên đá mà những đứa con ngoan hiền
dễ thương của chị đã vẽ bằng tình yêu mỹ thuật lớn lao của Ba để tặng người Mẹ
tuyệt vời ở Vườn thiền Thong dong.
Không biết có bạn
văn nào cùng thưởng trăng và ăn bánh Trung thu với chị đêm nay? Không biết có
ai được nghe chị ru ngủ bằng những bài hát thiền du dương trong đêm thanh tịnh
như hôm nào vợ chồng tôi, Nhà văn Trần Quốc Toàn và bạn bè văn nghệ sĩ của chị
đã được chị hát ru. Và hôm đó sau một ngày thong dong trong vườn thiền, tất cả
chúng tôi đã được chìm sâu vào giấc ngủ yên lành hơn bao giờ hết. /.
(Ngọc Hương)
---------------------------------------------------------
Ngày xưa khi đặt bút
viết câu thơ nổi tiếng: “Cỏ non xanh tận chân trời…” hông biết cụ Nguyễn Du đã
từng được nhìn cảnh ấy chưa, hay chỉ viết theo cảm xúc khi đọc tác phẩm do
Thanh Tâm Tài nhân miêu tả. Mình giờ ngắm nhìn những trảng cỏ bát ngát xanh tận
chân… rừng, đẹp đến mức chỉ còn nước… bẹp xuống quì lạy luôn thôi!
Thiên nhiên tuyệt vời
vô cùng với những âm dương khuyết đầy. Những cánh rừng cao sâu thâm u bí hiểm
với những trảng cỏ mênh mông khoáng đãng hào sãng! Tất cả cùng tồn tại trên
trái đất xanh tươi, bổ sung cho nhau, tạo nên những cân bằng miên viễn…
Những trảng cỏ bao lâu
thì sẽ chuyển đổi địa chất để biến thành những vùng đất khác?
Thỉnh thoảng giữa mặt
bằng trật tự cỏ, vẫn có những cái cây cao nhô lên, như níu giữ cho bầu trời bớt
chống chênh, nhịp quay của trái đất mịn êm và tầm nhìn của muôn loài không huốt
vuột…
Ở Bình Phước có một
nơi như thế, địa danh là TRẢNG CỎ BÙ LẠCH. Bồ tèo nào thích ngắm nhìn trảng cỏ
thì đến nhé!
Quất áo đỏ
Ra khỏi ngõ
Ngồi lên cỏ
Giống hồi nhỏ
Như con thỏ
Bị bắt bỏ
Vô cái giỏ
Ngồi cho hõ
Cười toét mỏ
Vờ chứng tỏ
Ta có võ
Rất sừng sỏ!
20/9:
CỬ CHỈ NHỎ LÀM NÊN TÂM
HỒN LỚN
Mình thích xem kịch,
đã một thời ôm ước mơ sáng tác kịch. Những đêm xách xe đi xem kịch, một mình
chạy hơn 10km về nửa khuya trên đường phố Sài Gòn. Một lần bị cướp dí lấy sạch
bóp tiền mới thôi đi xem kịch về khuya một mình.
Hơn 20 năm trước mình
đã đi xem vở "Cậu Đồng", giờ vở diễn được công chiếu lại với công bố
tác giả dịch bản là thiền sư Nhất Hạnh. Mình đi xem lại để nhìn thấy dàn diễn
viên xưa thời gian đã tác động ra sao. Diễn viên Thành Lộc và Hữu Châu sau hơn
20 năm giờ đã già hơn nhưng nét duyên vẫn vậy.
Có một chi tiết rất
nhỏ chắc không ai để ý nhưng làm mình xúc động, đó là khi Thành Lộc lấy cái
quạt đánh vào đít Bạch Long, dẫu chỉ là cây quạt giấy cầm tay rất nhỏ, đánh
mạnh cũng chả đau gì, vậy mà chỉ sau đánh mấy cái, thì Thành Lộc tinh tế xòe
nhẹ cái quạt ra để đánh tiếp không đau. (Bạch Long là anh ruột của Thành Lộc).
Cử chỉ nhỏ làm nên tâm
hồn lớn. Sự tinh tế tỉ lệ thuận với nhân cách người nghệ sĩ.
(Gắn thẻ để nhắc các
con trong nhà: "Huynh đệ như thủ túc")
9/9:
Hôm nay là ngày cô gái
út bảo vệ bài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật. Mình đã hoàn thành nhiệm vụ vừa làm
mẹ vừa làm cha, đưa đầy đủ đàn con 3 đứa vào đại học.
Hihi... Có lẽ điều làm
mình thú vị nhứt hôm nay là chi tiết nó khôn ngoan nêu ra khuyết điểm bài của
nó trước Hội đồng chấm thi. Cái này giống mẹ nè: Luôn thấy rõ và mạnh dạn nói
lên khuyết điểm của mình. Thật khoái chí khi nghe thầy hiệu trưởng nói câu:
"Thấy được khuyết điểm, nói ra được khuyết điểm của mình thì là không có
khuyết điểm". Hahaha...
(Video nhận xét của
thầy hiệu trưởng đại diện Hội đồng chấm điểm nhận xét tổng kết về bài tốt
nghiệp của Tú)
https://www.facebook.com/1383266102/videos/pcb.10217990727424776/10217990724744709