27/11:
Quét nhà chừa lại thềm hoa
rụng
Không nỡ quét hoa, dẫu đã rơi
Chạnh lòng thương quá nàng Đại Ngọc
Lã chã chôn hoa một góc trời...
Hoa vẫn là hoa khi rụng
xuống
Luân hồi hóa đất, lại xanh cây
Sắc hương lưu dấu trong trời đất
Đâu một lần thôi, một phút này...
"Sắc bất dị
không..., không tức thị..."
Nhìn hoa thấy những dáng hoa xưa
Quen quá mỗi ngày hoa nở rụng
Thềm cũ nhờ hoa mới đếm mùa.
25/11:
Ngồi lột vỏ từng hột đậu phộng để nấu xôi ăn,
thấy mình xài thời gian sang dễ sợ! Bồi hồi nhớ tuổi thơ và làng xóm quê mình!
Mỗi lần nhà có đám giỗ, 3 giờ khuya là đã sáng đèn í ới, hàng xóm mấy cô mấy dì
đến đông rộn ràng chuẩn bị các món nấu nướng; trong đó có món cù lao (giống như
món lẩu bây giờ), món kiễm... thế nào cũng phải lột vỏ đậu phộng như vầy để nấu.
Bọn con nít chộn rộn chạy tới chạy lui thế nào cũng bị sai: “Tụi mày chạy lung
tung làm gì, vô ngồi lột vỏ đậu phộng đi!” Và đó là
công việc chán nhất đời của bọn con nít! Hihi…
Chuyện cổ tích Tấm
cám, bõ bèn gì lựa thóc với gạo, mấy bà mấy cô của mình ngày xưa thường xuyên lựa
gạo và nếp. Không hiểu sao thời đó nếp ở quê mình lộn nhiều gạo đến vậy, cứ một
lít nếp là có thể lựa ra đến hơn lon gạo. Vì vậy, muốn làm bánh nếp là phải ngồi
lựa từng hột! Kích cỡ như nhau, màu trắng như nhau, chỉ phân biệt một chút là hột
gạo trong hơn hột nếp một tí. Vậy mà ngồi lựa cả giạ nếp cho một cái đám giỗ là
chuyện thường! (1 giạ là 40 lít) Mình nghĩ, mẹ con Tấm ngày xưa cũng đâu có
sáng kiến độc ác lạ lẫm gì, bởi ngày xưa xay lúa bằng cối quay tay, bữa ăn nào
hổng ngồi lựa thóc với gạo để nấu cơm. Hihi…
Thời ấy làng quê
thong dong yên bình đến lạ! Mình con nít nhưng ngồi lựa nếp với gạo cùng cô Ba,
Bà Sáu, Bà Bảy suốt buổi cũng cảm thấy bình thường, không nôn nóng lắng quắng
gì. Bây giờ, nếu trộn vài chục ký gạo và nếp kêu mình ngồi lựa giữa không khí
làng quê như vậy, mình có làm hông ta?
Chắc có.
24/11:
Chị làm vườn cho hũ dâu tằm sên đường, uống
ngon tít mắt! Mình quần quật làm vườn suốt ngày, tay chân nhức mỏi, tối ngủ rên
như đọc ráp; uống mấy cốc nước dâu tằm, ngủ êm như thiền… miên luôn! Haha… bèn
mua mấy ký trái dâu và đường phèn về chế ra vị thuốc! Ngồi rửa rổ trái dâu cả
buổi mà nước vẫn đẹp tím hồng lãng mạn như điệu nhạc Bô-lê-rô! Phen này cần gì
thiền công phu chi cao siêu, chỉ cần ngồi rửa trái dâu tằm chín cho đến khi nào
nước trong veo là đắc đạo cái rụp! Hahaha…
22/11:
Nhìn những trụ đá vừa được dựng để chuẩn bị làm cổng vườn thiền,
lòng dâng trào xúc động!!! Đá uy nghi gợi nhớ nghĩ đến bao thiêng liêng trầm
tích. Đứng trước đá, thấy kiếp người thật quá nhỏ nhoi! Mai đây ta khuất đi rồi
thì những trụ đá này vẫn còn mãi đó; sừng sững giữa đất trời nắng mưa sương
gió. Bao niên đại, thời đại rồi đi qua, bao kiếp người rồi đi qua… Đá vẫn tự
nhiên đồng hành với trái đất này trong vũ trụ…
Nhớ ngày xưa mình từng viết bài thơ “Ru đá”, rất siêu chảnh vì thương đá sẽ có một ngày, đá thức giấc mà không còn
có ta ở trên đời. (Đá trường tồn, còn ta thì chết ngóm mà bày đặt thương đá cô
đơn ở lại! Hahaha…)
Nhẹ nhàng dịu ngọt em ru
Bình yên đá ngủ vô tư giữa rừng
Ngủ ngoan nào nhé đá cưng
Suối quanh co kiểu người dưng... mặc tình !
Ta ru đá lẫn ru mình
Buồn ngây ngất giữa chông chênh đất trời.
Ví dầu, ví dẩu... à ơi...
Đá ngủ như đá, ta ngồi như ta.
Kiếp phù du, giấc phù hoa
Lấy ai ru đá giùm ta sau này ?!
Thôi thì đá ngủ cho say
Để rồi thức giấc ngày mai một mình.
18/11:
Sáng sớm mở fb con gái, giựt
mình vì đọc được những câu thơ này! Hôm qua nó lên vườn thiền chơi, cũng đi
vòng vòng quanh đồi, chụp những bức hình giống như hằng ngày mình đã chụp,
nhưng chú thích ảnh bằng thơ thì hay hơn mình! Thường ngày, nó có cái gì đẹp
đẹp, ngon ngon, hay hay… mình hay xin đểu: “đưa cho tao!” Hông lẽ giờ mình cũng
lấy quyền sinh thành, “hốt” luôn mấy câu thơ này về chú thích ảnh của mình?
Hahaha…
Ảnh 1:
Trà mi một đóa rụng rồi
Dấu son vẫn thắm góc đồi ngày đông.
Ảnh 2:
Gió lạnh chuyển mùa sang
Bên đường nhánh tử lan.
Ảnh 3:
Nắng hỏi thềm xưa
Hoa đã vàng chưa
Thềm in bóng nắng
Một tiếng chuông chùa.
14/11:
“Bạn bè ta, giờ đây người sương người gió…”
Mấy năm nay thường thấy những tin họp lớp, họp
nhóm bạn bè cũ… Có lẽ nhờ mạng xã hội, mọi người dễ liên lạc với nhau hơn, và cũng
có lẽ thời này, người ta nhớ nhiều về những kỷ niệm, những tháng ngày đáng nhớ
của tuổi trẻ hơn…
Ngày mai, mình không sắp xếp được để đi dự họp
lớp, kỷ niệm 40 năm thành lập trường Viết văn Nguyễn Du – Hà Nội, nằm đọc tin
nhắn xôn xao của bạn bè trên mạng, lòng bỗng bồi hồi…
Nao lòng nhất là những tin nhắn về kế hoạch đi thăm mộ, thăm nhà lưu niệm… của những
bạn bè văn chương đã khuất…
Lớp Viết văn
khóa III ngày ấy, mình là người nhỏ tuổi nhất, bạn học trong lớp có đến mấy
người mình phải gọi bằng chú, mà giờ thì mình đã lớn hơn tuổi của những chú ấy
ngày xưa. Lớp mình nhiều nhà văn quân đội tên tuổi: Bảo Ninh, Lê Xuân Giang,
Hoàng Hữu Các, Nguyễn Đình Chiến, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Quốc Trung, Đặng Vương
Hưng… Mình là con bé miền Nam “nhỏ xíu”, lóc chóc, kém cỏi và ngơ ngác…
Mấy chục năm
rồi. “Bạn bè ta, giờ đây người sương người gió…” Lời bài hát của Trầm Tử Thiêng
cứ gợi nhớ nao lòng! 5 hay 10 năm nữa, trường lại tổ chức họp mặt kỷ niệm, liệu
lúc ấy bè bạn chúng mình còn mất những ai…? Cuộc sống đời người, đôi khi ngoảnh
lại, thấy như trong chớp mắt!
Lẩm nhẩm đọc một
mình trong đêm câu thơ cũ của mình:
“… Đời có ta
về, đời vắng ta đi
Chẳng có điều gì, chẳng có hề chi…”
Hihi… viết vậy thôi chớ “có” và “hề” lắm!
Nhớ bạn bè xa…
6/11:
Mỗi sáng, để ra một khoảng thời gian khá bộn
cho việc hầu hạ mấy đứa này! Thật ra chủ yếu là để ngắm chúng bơi lội trong
những đám mây soi bóng xuống mặt hồ. Và thỉnh thoảng có những cuộc đối thoại
ngầm giữa mình và con Ý (con cá Koi duy nhất trong đàn) ví dụ:
- Việc gì mày phải trầm trọng thế, cứ lên ăn từ
tốn, có ai làm gì mày đâu mà nhào lên chớp nhoáng đớp phát rồi quẫy đuôi làm cả
đàn giật mình sợ hãi theo vậy?
- Miếng ăn luôn ẩn tàng nhiều mối nguy hiểm,
làm cá phải luôn cảnh giác cao độ.
- Làm con gì
cũng cần cẩn trọng trong miếng ăn hết, nhưng phải biết phán đoán, đừng quá sợ
hãi không cần thiết, làm mất thanh thản cuộc đời. Mày cứ căng thẳng như thế thì
miếng ăn nào của mày cũng ăn trong sợ hãi thì sình bụng chết thôi con ạ!
- Đừng có áp đặt
cảm xúc của loài người lên cá bà ơi! Bà thử nhào xuống đây sống trong nước, thở
bằng mang như tui đi rồi hãy ban bố lời khuyên cho cá! Nhá…
Hahaha…