31/7:
Đi lượm từng mẩu giấy báo
gói bánh mì để đọc cho thỏa mãn cơn thèm đọc chữ, đó là tuổi thơ của mình khi
được sinh ra ở một vùng quê nghèo chơn chất. Ngày ấy, từ nhà ra chợ xã không có
đường đi, chỉ có thể bơi xuồng qua một con sông nhỏ và một dòng kinh nước chảy
siết. Vậy mà mình vẫn xung phong bơi xuồng cho má đi chợ, chỉ nhằm để lượm từng
mẩu giấy báo để đọc. Chợ quê, người ta gói mọi thứ bằng lá chuối và lá sen… chỉ
có ổ bánh mì là sang trọng nhất được gói bằng giấy báo, người bán tiện tặn cắt ra từng mẩu nhỏ.
Đọc
xong, lau quẹt những hành ngò, thịt mỡ vương dính trên mẩu giấy, mình xếp lại để
dành từng xấp vuông vắn, như những “cuốn sách” nho nhỏ, báu vật của tuổi thơ
mình!
Chỗ
ngôi trường này, ngày xưa là cánh đồng lúa bốn màu theo mùa: Màu xanh của mùa
lúa non, màu vàng của mùa lúa chín, màu đen của mùa đốt đồng và màu trắng của
mùa nước nổi. Nơi đây mình chống xuồng hái bông điên điển và mót tìm củ ấu
trong mấy cái mương, đìa nhỏ. Ngôi trường của ấp mình hồi đó vách bằng mê bồ, lợp
tôn thiếc, trời mưa là khỏi học, bởi tiếng ồn của hạt mưa rớt và gió tạt không
để sót một chỗ nào!
Bây
giờ, đứng trong ngôi trường ba tầng khang trang hiện đại như vầy, nhìn ra cánh
đồng giờ đây đã phân ra từng ô khác nhau, nơi còn ruộng lúa, nơi rẫy hoa màu,
nơi lên vườn liếp… Mình bần thần trước những đổi thay, tưởng mình vừa sống qua
mấy thế kỷ chớ không phải là mấy chục năm!
Đã định
“rửa tay gác kiếm giang hồ”, về non ở ẩn, nhưng lại phải xắn tay lên, làm cái
trại hè lần này cho đám con nít quê mình. Xúc động ngập tràn qua một đêm thức
trắng khi về khảo sát ngôi trường nơi mình chôn nhau cắt rún, để làm một điều
nho nhỏ có ý nghĩa cho quê hương, cho các em nhỏ yêu thương của xứ quê mình.
Ảnh: Trường THCS Võ Trường Toản. Cao Lãnh - Đồng Tháp.
29/7:
Sáng sớm, lên vườn rau sân
thượng lót dép ngồi hít thở ngó trời xả ngố. Bỗng có chú chim gì đó đẹp quá bay
đến đậu trên cành cây chanh chúc. Mình ngồi thật im trìu mến nhìn chú, chú đong
đưa trên ngọn nhánh cây nhỏ thản nhiên nhìn mình. Phút giây quá đỗi yên bình!
Và tự dưng thấy hạnh phúc dâng tràn vì mình đã trồng được một nhánh cây cho
chim nó đậu.
Đơn giản vậy thôi thì ngày mới
trọn vẹn biết bao! Thế mà khi chú chim bay đi, mình phủi dép đứng lên, thì một
ý nghĩ xéo xắt đời thường lại vụt đến: Mình trồng được cái cây cho chim đậu
thôi mà hạnh phúc tự hào như vậy, mấy quan chức nước mình lo cho dân cho nước
được nhiều như thế hẵn mấy chả hạnh phúc dữ dằn!!! Hahaha...
Thiệt là đời khổ mà! Đang dạo
gót trên mây thong dong, lại cứ ngoái dòm xuống thế gian trần tục cái chơi
hà!!!
Ảnh: Trái chanh chúc vừa thơm vừa đẹp như vầy:
28/7:
Nếu mình làm giám đốc công ty, khi cần tuyển nhân viên có
tính cẩn thận và kiên nhẫn, mình sẽ trồng cây ớt hiểm, và ra bài thử thách đơn
giản là "hái ớt" để tuyển nhân viên. Hahaha...
Cây ớt hiểm thuộc dạng cuống rất dai nhưng cành rất bở.
Đứa nào tính láu táu, thò tay ngắt trái ớt thì đố ngắt được cuống ớt, mà sẽ lôi
nguyên cả nhánh ớt! Nên hái ớt hiểm là một việc coi vậy chớ "cay" lắm
à! Hihi..
Nói dông dài vậy để khoe trồng được cây ớt hiểm tán to
như cổ thụ và trái nhiều chi chít. Mỗi ngày phải
hái giành giật với lũ chim. Vừa hái vừa tự rèn mình tính cẩn thận kiên nhẫn.
Thế nhưng hầu như hông bữa nào chẳng bị lỗi thiếu kiên nhẫn, giật lôi một vài
nhánh ớt!
Đâu dễ mà hoàn thiện mình,
dẫu rất ý thức cố gắng. Thôi kệ, tự bao dung với mình đi. Đời khó khăn lắm rồi,
mình còn tự khó với mình chi. Để dành khó với lũ trẻ thôi. Hahaha...
Ảnh: Mấy trái ớt nhỏ li ti như hạt cải vậy chớ nó vẫn là
ớt, không vì đẹt đèo nhỏ xíu vậy mà hổng cay đâu nghen. Người cũng vậy!
24/7:
Sáng sớm, với “cương vị” là mẹ của hai “họa sĩ”, mình
chơi trò vẽ hình với thằng cháu ngoại. Đầu tiên mình vẽ một chú gà con, tự tin
hỏi thằng cháu (mới biết nói được từng chữ một): “Con gì đây Hy?” Nó cũng tự
tin không kém: “Vịt!”
Thua keo này ngoại bày keo khác, mình bèn vẽ một con chuột đẹp như trong hoạt
hình: “Con gì đây Hy?” – Thằng ku nhanh nhảu: “Mao!” (mèo)
Dẹp các loài động vật ngo ngoe được, mình vẽ ngay một
trái “bờ-ná-nà” (chuối) mà thằng bé rất quen thuộc. “Trái gì đây Hy?” Trả lời ngay khi bà chưa dứt câu: “Ớt!”.
Sao “ác” với ngoại vậy
kon?!!!
Để 3 “bức tranh” cho nó vẽ
quẹt tanh bành luôn!
Tự dưng đâm hận bọn chuột gà
chuối lớ, sao chúng hông giống như mình vẽ mà lại bắt mình vẽ giống chúng?!
Quả quyết đây không phải là vấn đề khả năng hội họa của
mình, mà là cách nhìn của hai thế hệ! Đừng có cãi!
Hahaha…
21/7:
Chiều thứ bảy, trời cứ âm u dợm mưa, vậy mà karaoke hàng
xóm nhậu xỉn còn cù nhây cù nhựa "Tình anh bán chiếu"! Mắc nổi dịch
tức lây qua nội dung bài hát: Người ta đặt hàng rồi hổng lấy thôi mà ổng cằn
nhằn, ca cẩm tới đủ sáu câu vọng cổ! Con gái mới hốt được chồng, nó mừng, nó
muốn khoe vậy thôi chớ mua chiếu chiếc gì! Mình bán hàng phải biết dòm mặt
khách, ai biểu ẩu tả cả tin chi. Mà chiếu lác thì có sình hư thúi rã gì đâu,
khách hông lấy thì để đó đi bán cho người khác. Chậm chút rồi cũng thu lại vốn,
sản xuất thủ công nhỏ lẻ, có vay lãi ngân hàng gì đâu mà rên dữ vậy!
Đó là còn chưa kể tội mần ăn rề rề, dệt có đôi chiếu bông
mà tới khi giao hàng thì người ta đã đi theo chồng được hơn bốn tháng! Gặp già
quéo như tui cũng bỏ hàng luôn chớ nói gì đến em áo bông hường mơn mỡn!
Bực hà!
Hahaha...
21/7:
Bữa mua hai trái thơm, vì
còn xanh quá nên đem cúng trên bàn Phật, chợt nhớ lời nói đùa vui của một ni
sư: Làm Phật toàn ăn trái xanh sống, khi mới vừa chín tới là nó bưng xuống ăn lủm
hết!!! Hahaha... bàn thờ Phật bị chúng sanh xem như nơi dú trái cây vậy! Hai
trái thơm này còn xanh, chua lắm! Con gởi Phật, đợi chúng chín ngọt thì con
bưng xuống con ăn! Hahaha... thiệt là
có hiếu với Phật quá hà!!!
Phật vẫn nhẹ cười bao dung
như Phật!
20/7:
Bí quyết sống… tới chết!
Haha… đó là nói chính xác,
còn nói theo ông bà ông vãi xưa nay là “bí quyết sống dai” hay “bí kíp sống trường
thọ”. Bữa nay xin cống hiến cho các bồ tèo bí quyết sống đến con cháu chắt chít
ớn mình luôn, sống đến khi thay 108 hàm răng giả mà vẫn còn nhai nuốt ừng ực tốt!
Đó là hãy trồng vài giống cây lâu năm. Mình trồng cây lâu năm, không đành lòng
chết khi nó chưa tỏa bóng cho mình ngồi, chưa ra hoa cho mình ngắm, kết trái
cho mình ăn. Mình "quyết tử", chí mạng phải
sống! Hahaha…
Ý
nghĩ này nảy ra khi sáng nay nhìn thấy mấy cây chà là mình trồng nảy mầm lên
cây thiệt đẹp! Ta nói cái tướng cây chà là thiệt là oai dũng, chỉ mới là mầm
non nhỏ xíu thôi mà đã lừng lững khác biệt rồi, như muốn thông báo với mấy cỏ dại
xung quanh rằng: “Anh mày là cổ thụ đó nhoa!”.
Ôi
chà! Ôi chà là! Hổng biết mình có sống được đến lúc mấy cây chà là này thành cổ
thụ hông, nếu còn, nhất định sẽ làm cái kỷ lục ghi-nét: “Bà lão leo cây chà là
nhanh nhất thế giới” (chỉ leo lên thôi chớ hông có bao luôn vụ tự tuột xuống được
à nghen!) Hahaha…
(Nói
giỡn mà là thiệt đó nha các bồ tèo! Muốn sống lâu năm hãy trồng cây lâu năm, trồng
rừng… là sẽ sống hoài cho tới chết!)
---
--- ---
Ảnh:
Hình mụ em út điệu của mình chụp với cây chà là.
19/7:
May mắn từ đâu mà có?
Khi chia sẻ với các em về bốn điều may mắn lớn của đời
người, mình thật ngạc nhiên khi các em trả lời được đúng với đáp án mình đưa ra
thật nhanh và chính xác! (1: Được sinh ra từ cha mẹ tốt. 2: Được một thân thể
lành lặn, khỏe mạnh. 3: Được sống trong một hoàn cảnh tốt. 4: Được làm công
việc mình yêu thích) và thậm chí các em còn trả lời được rằng “hoàn cảnh tốt”
đầu tiên là được sống trong hòa bình, không có chiến tranh. (Thật ra, với số lượng
400 em, thì có được câu trả lời đúng là không quá
đặc biệt, nhưng mình cảm thấy rất vui và thêm niềm tin vào lớp trẻ).
Lần lượt các câu hỏi mình
nêu ra để các em nhận thấy những hạnh phúc, may mắn mà các em đang có. Nhưng
trong đó cũng có những phút giây chùng lại khi mình hỏi về điều may mắn đầu
tiên của đời người. Rất nhiều cánh tay giơ lên biểu hiện rằng các em đã có được
và cũng có những cánh tay ngồi bó gối, im lặng với ánh mắt buồn khó tả!!!
Đâu ai chọn được cha mẹ sinh
ra mình. Nghiệp dẫn bắt mình được sinh ra từ ai thì mình phải chịu thôi. Cha mẹ
tốt không cần phải là cha mẹ giàu có, sang trọng, trí thức… cha mẹ tốt chỉ cần
là người LƯƠNG THIỆN và biết yêu thương, TRÁCH NHIỆM với con cái. Vậy mà vẫn có
rất nhiều những ánh mắt trẻ thơ trong veo phải cụp xuống khi nghe hỏi về cha mẹ
của mình!!! Ôi, mình muốn chuyển câu hỏi và giây phút ấy đến các vị phụ huynh…
Và tuyệt vời nhất là khi các em trả lời được đúng luôn
câu hỏi: Làm sao để có được may mắn?
Nhiều người khả năng trình độ như nhau, hoàn cảnh sống
như nhau, nhưng tại sao vẫn có người may mắn và người kém may mắn?
Trình độ, khả năng, tài năng, ý chí, nghị lực, bản lĩnh…
là những thứ từ bên trong, ta có thể học hỏi, rèn luyện, trao dồi để có được,
nhưng may mắn là thứ ta hưởng được từ bên ngoài. Ta có được may mắn khi ta CÓ
PHƯỚC!
Làm sao để có phước?
Làm những việc giúp đỡ và mang niềm vui, hạnh phúc đến
cho người khác.
Ngoài việc học tập, trao dồi khả năng, rèn luyện kỹ năng, phát triển tài năng…
để hoàn thiện, nâng tầm bản thân, thì việc giúp đỡ mọi người, tạo phước báu để
hỗ trợ cho mình trên đường đời, là một việc quan trọng, song hành.
Câu trả lời hay và sâu sắc vậy mà các em ở lứa tuổi 16 biết đi chùa đã trả lời
được. Ôi, lũ trẻ yêu thương của quê tui!
Già rồi, đã quyết tâm về rừng núi nghỉ ngơi, không tạo
thêm việc cho mình nữa. Nhưng nhìn các em như thế này, chắc lại phải xách ba lô
đi lê la đây đó, đến cùng lũ nhỏ cho đến lúc ngáp ngáp nữa rồi!!!
18/7:
Nhân vụ báo Tuổi Trẻ Online
bị cục BC bắt dẹp 3 tháng, mình bỗng “nảy” ra sáng kiến, định cống hiến cho cục
QLTT: Dẹp ngay hết mấy cái chợ mỗi khi trong chợ có bà con tiểu thương buôn bán
vi phạm cái gì đó. Bởi mình đi chợ cứ thỉnh thoảng thấy mấy anh quản lý chợ cứ
phải vất vả đá, đạp, quăng, hốt, phá hủy hàng hóa của mấy người buôn bán vi phạm
lòng lề chợ..v.v… Thấy tội nghiệp mấy ảnh lắm cơ! Làm cán bộ mà cứ phải lấy tay
chân tứ chi làm sở trường, tung chưởng ra đòn hung hăng miết thì thành nếp, làm
sao kích hoạt não bộ trí tuệ sáng suốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cán bộ
đây?!
Vậy nên mấy anh bên cục ấy
hãy bắt chước mấy ảnh bên cục này, hễ thấy có gì sơ sót là dẹp cái ót! Vậy đi,
cho nó phẻ, mát mẻ, sạch sẽ cái con đường bưng xã hội tiến lên công bằng, văn
minh… XHCN!
15/7:
Dẫu
gai là của chính mình
Nhưng
đâu chắc hổng thình lình chích ta
Cho
nên để bảo đảm hoa
Khi
nở phải cố vươn xa cho lành!
Haha... em xương rồng nhà mình rất cẩn thận!
8/7:
Cái ly bầu
Không biết hồi xưa nhà sản xuất có đặt cho cái ly tên này
không, nhưng xứ mình thì kêu bằng cái ly bầu.
Một trong những vật dụng của ba mà mình nhớ nhất, đó là
cái ly bầu ba dùng để uống trà. Cái ly kiểu từ thời Pháp thuộc.
Dân Nam bộ uống trà chủ yếu hương thơm, vị không đậm đà
như dân Bắc, nên ly uống trà thường to hơn những cái "chén" nhỏ xinh
điệu đàng của trà Bắc. Và dân uống trà thường có riêng một cái "ly
ghiền". Ba mình suốt đời cũng chỉ uống trà trong một cái ly ghiền như vậy!
Hồi nhỏ ở quê, sáng sớm mình
thường nằm trong mùng, lắng nghe những câu chuyện của ba và các chú bác hàng
xóm. Ôi đủ đề tài rôm rả từ lờ mờ sương trong tiếng gà gáy óc eo...
Có những mùa sương chưa tan
mà bàn trà đã tan, ba rút cái áo treo trên cột nhà, đi ra ruộng sớm; mình ngồi
dậy ra dọn bàn trà. Bàn trà với những cái ly thủy tinh thỉnh thoảng còn lưu lại
chút lưng trà vàng óng nhạt, thơm thoang thoảng mùi bông lài, bông sen... và
cái mùi đặc trưng của trà Blao, Bảo Lộc...
Có lẽ một phần vì ấn tượng
tuổi thơ mà bây giờ mình thích uống trà trong những cái cốc thủy tinh. Mình
thích nhìn rõ màu trà, nhìn rõ làn sương mờ do hơi nước nóng đọng quanh ly
trà...
Lâu lắm không còn nhìn thấy
cái ly bầu như ngày xưa nữa. Hôm đi Làng Mai - Thái Lan, thấy quí thầy học theo
sư ông (Nhất Hạnh) uống trà trong cái ly bầu. Mình kể câu chuyện về ba xưa cũng
uống trà trong cái ly như vậy; thế là thầy liền nhờ mua và gởi về tặng cho một
cái kiểu y chang. Cái ly giản dị bình thường như vầy nhưng phải gởi mua tận bên
Pháp, vì đúng kiểu này hông thấy ở đâu bán nữa.
Đời hay thiệt! Kỷ niệm luôn
là món không dễ nghĩ bàn!
4/7:
“Xóa cả nút!”
Em gái dễ thương mới quen trong chuyến đi du lịch, tâm
sự: “Nếu em mà nghèo đến tận cùng đi nữa, làm nghề gì thì làm chớ em nhất quyết
không đi bán vé số…!” Mình ngạc nhiên hỏi: “Tại sao? Bán vé số là nghề cũng tốt
mà?...” Câu trả lời của em khiến mình bật ngửa: “Vì khi ba em bỏ má em, người
nhà bên nội bảo má em mới học hết lớp ba, mai mốt sinh con ra chỉ có đi bán vé
số thôi!”. Ôi trời ơi em iu! Em mang vác theo làm gì một câu nói xúc phạm như
thế ngần ấy năm trời tuổi xuân tươi đẹp! Hãy vứt ra khỏi ba lô hành trang đời
mình cái nhúm thuốc độc, cái mẩu hôi thối ấy của kẻ khác quăng vào. Đừng gói
ghém cất giấu nó vào góc hồi ức, để rồi lâu lâu lại lấy nó ra săm soi và tạo
điều kiện cho cảm xúc buồn, cảm xúc xấu… xuất hiện trở lại trong tâm hồn mình.
Ví như khi đi đường, có tên vô lại nào đó chạy nghênh
ngang vô ý quẹt mình một phát nguy hiểm suýt té. Nó bỏ chạy mất, còn mình thì
tức tối ấm ức! Về nhà mình phải kể cho con cháu mình nghe, đến cơ quan mình lại
bức bối kể lại cho đồng nghiệp mình nghe, đêm ngủ mình nhớ lại, lẩm bẩm nguyền
rủa cái tên đã suýt làm nguy hiểm cho mình. Trong khi đó, cái kẻ ấy chỉ vài
phút sau là nó quên hết mọi chuyện, nó về nhà vui vẻ với vợ con, hú hí với bồ
bịch, thảnh thơi thư thái, còn mình thì ôm mãi cục tức một cách dại dột (thậm
chí còn đem “chia sẻ” cục tức với những người thân bạn bè mình hưởng thêm cho
nâng tầm sát thương rộng rãi…!!!)
Sống ở đời, biết bao lần chúng ta bị những lời cay độc tổn thương từ kẻ khác.
Nhiều khi vết thương nhỏ thôi, nhưng chúng ta tự khoét thêm cho sâu, nong thêm
cho rộng… để tự mình làm đau mình. Kẻ bắn tên đôi khi có thể hai tay đã mục rữa
dưới lòng đất rồi mà mũi tên của họ thì mình vẫn giữ gìn như “báu vật”, lau
chùi bóng loáng để lâu lâu lấy ra coi lại! Hihi…!!!
Hiểu vậy, nói thì dễ, nhưng đâu dễ vứt đi những nỗi oán
giận trong cuộc đời như vứt một bịch rác dơ! Ý muốn “phục thù” luôn khiến chúng
ta phải ôm cất, đeo trong mình lặc lè suốt cuộc đời những cái "ngòi
nổ"!
Một mẹo nhỏ để chúng ta có thể đủ khả năng, bản lĩnh khôn
ngoan vứt bớt đi những món hôi thối độc hại mà kẻ khác vô tình hay cố ý nhét
vào ba lô của mình, đó là hãy tỉnh táo nhận ra đó là những thứ rác rưởi có thể
gây viêm nhiễm, lây lan; ta chớ có dại dột mang theo.
Để hỗ trợ cho việc vứt bỏ dễ dàng, ta hãy nghĩ đến những
sai lầm mà mình từng mắc trong cuộc đời, những nỗi ân hận mà mình đã có, để
thông cảm với những kẻ đã gây ra vết thương cho mình. Họ cũng có những sai lầm
và biết đâu họ cũng đã ân hận. Mà nếu như họ không hề biết ân hận thì đó là
điều kém phước đối với họ, họ u mê không nhận ra sai lầm, không biết hối hận để
sửa thì nghiệp báo nhân quả sẽ không khoan nhượng, món vay sẽ trả, lời lãi lớn
hơn gấp nhiều lần. Báo ứng sẽ tính sổ, ta đừng quỡn công làm “thư ký” tò tò ghi
chép lại cho họ mà chi!
Hãy dứt khoát, mạnh mẽ vứt đi những thứ rác rưởi, ngòi nổ
độc hại mà kẻ khác nhét vào ba lô đời mình em nhé! Hãy XÓA VĨNH VIỄN, XÓA KHÔNG
HỒI PHỤC những cảm xúc xấu mà kẻ khác gây ra cho mình, đừng để những kẻ như vậy
đồng hành với những bước đi đến hạnh phúc thảnh thơi của mình. (Haha… nói tiếng
Việt thôi chưa thấy đã, mắc chêm vô một câu ngoại ngữ nữa cho nó nâng tầm thế
giới, toàn cầu… như vầy:
XÓA VĨNH VIỄN: permanently
delete – “Pớ-mơ-nần-ly đề-lít”.
XÓA KHÔNG HỒI PHỤC: delete
does not recover – “đì-lít đơ-nót rì-cố-vờ”!)
Ha…ha…ha….
Ảnh minh họa: Viết stt này đầu tư rất công phu, có câu
tiếng Anh mà phải lên fb nhắn hỏi chuyên gia vất vả như vậy đó! Hahahaha…