Đau quá, Hải ơi!
nguyỄn đông thỨc
Ngồi nhớ lại tất cả, nếu chỉ phải dùng một ý ngắn gọn nhất để nói về Hải, chắc chỉ có hai từ: hết mình. Hết mình với gia đình, công việc, bạn bè…
Mỗi lần nhắc về vợ về con là giọng Hải dịu hẳn, ánh mắt chứa chan tình cảm. Hải “cày” như điên, cũng là để lo cho cái gánh gia đình từ Đồng Tháp lên Sài Gòn quyết tâm đổi đời. Là một họa sĩ nghèo ở tỉnh, hầu như Hải phải tự học tất cả để nhanh chóng trở thành một trong hai người trình bày chính của báo Tuổi Trẻ, từ những ngày kẻ vẽ bằng tay cho đến khi chỉ ngồi nhấp chuột trước màn hình vi tính. Công việc ở báo bù đầu bù cổ, nhưng hằng đêm ngồi nhà Hải vẫn tranh thủ vẽ từng bìa sách, bìa CD, làm maquette sách báo… tất cả cũng vì gia đình.
Công việc cũng là cái mà Hải luôn hết mình. Say mê, chu đáo, kỹ lưỡng, hết trách nhiệm, luôn đúng hẹn… là những đặc điểm của Hải. Gắn chặt với hoạt động báo chí, nắm vững mọi thông tin thời sự, chỉ rời tòa soạn khi các bản phim đã xong… anh đúng là một họa sĩ trình bày báo lý tưởng. Làm việc với Hải ai cũng thấy yên tâm bởi bên cạnh tất cả những đặc điểm vừa kể, Hải còn là một họa sĩ có tài. Hải đem tất cả tài hoa của mình đổ vào công việc trình bày, hầu như mỗi bìa sách anh làm đều là một tác phẩm nghệ thuật.
Với bạn bè, luôn sẵn sàng giúp bạn và giúp hết mình, vô điều kiện; không bao giờ chỉ trích bạn hoặc khó chịu với bạn (Hải cũng không bao giờ mở miệng phê bình bất cứ ai, anh rất sợ làm người khác đau); luôn sẵn sàng mở rộng sự giao kết… đó chính là những đặc điểm của Hải. Chỗ họp mặt bạn bè nào có Hải cũng đều rôm rả hẳn. (Ôi, biết bao giờ mới quên được tiếng cười sảng khoái của anh!). Đáng ngạc nhiên nhất ở anh là một kiến thức rất rộng, am tường nhiều lĩnh vực – nhờ anh đọc rất nhiều, suốt dọc hai bức tường ở nhà là hai kệ sách cao đến tận nóc. Ngạc nhiên hơn nữa là cái lần tình cờ tôi biết Hải vốn làm thơ rất hay (bút hiệu Đặng Ca Việt), Hải chỉ cười và giải thích cho cái sự rất ít đăng thơ của mình: “Hai vợ chồng thì chỉ nên có một nhà thơ là đủ rồi!”
Và giờ đây, một trong những người bạn – người đồng nghiệp mà tôi quí nhất – đã biến mất. Hết sức bất ngờ và đau đớn, không ai tin được. Người đã đội nón an toàn khi đi đường từ khi chưa có bất cứ qui định nào về việc này và luôn luôn chạy xe cẩn thận – vì ý thức rất rõ sự quan trọng của mình với gia đình, lại mất vì một tai nạn giao thông! Cuối cùng Hải chết cũng vì bạn, vì công việc. Anh lên tận suối Lồ Ồ để viếng nhà thơ Thu Bồn và chọn một tấm ảnh của ông về in báo, trở về thì gặp nạn. Hai quan tài nằm kế nhau trong Nhà tang lễ thành phố, cạnh Thu Bồn lại có bó hoa của chính Hải!
Chỉ cách đây ba ngày, khi đưa Nguyễn Ngọc Thuần vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật vào giới thiệu xin việc ở Tuổi Trẻ, Hải bỗng nói riêng với tôi : “ Để mai mốt còn có người thay, chứ có tôi với ông Nhốp làm hoài cực quá!”, rồi ngay sau đó Hải lại đưa tôi cái đĩa chứa toàn bộ bìa và ruột cuốn Tiên bay về trời mà Hải vừa làm cho tôi: “Để mai mốt có tái bản thì anh chỉ cần đưa cái này cho nhà in, khỏi phải gọi tôi”… Ôi, sao lúc đó tôi chỉ cười cho cái tật chu đáo “để mai mốt” của Hải mà không nghĩ đó là những điềm gở, báo trước ngày về trời của Hải sắp đến? Định mệnh sao lại cay nghiệt đến như vậy? Nhìn Thu Nguyệt và ba đứa con nhỏ tan nát hết cõi lòng đứng bên quan tài của Hải, tôi và tất cả đồng nghiệp, bạn bè… chỉ còn biết rơi nước mắt. Đau quá, Hải ơi!
Báo Tuổi Trẻ (21-6-2003)