Trường làng
Truyện ngắn của Ngữ Yên
Kính dâng lên cô giáo trường Lò heo
Trường tôi học, sát bên nghĩa địa, một trường làng không tên không tuổi. Rồi thời gian sau có người đến mở một lò mổ heo nên dân làng gọi luôn là trường Lò Heo . Vậy mà tên tuổi của nó tồn tại suốt mấy chục năm trời, rất nhiều người đã thành danh từ đây. Mang tiếng là trường chớ thật ra chỉ là một mái tranh liêu xiêu với vách đất đơn sơ, bàn ghế xộc xệch chôn chặt dưới đất.
Tuy trường đơn sơ nhưng học hành rất nề nếp ,trước khi vào học chúng tôi phải đọc kinh đàng hoàng kể cả khi ra về .Cô tôi với mái tóc bạc phơ nên bọn tôi thường gọi là cô giáo già. Ngoài kiến thức cô còn dạy cho chúng tôi những bài học đạo đức lễ nghĩa rất hay như chuyện đại tướng Carnot về thăm làng, chuyện Lão Lai … đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.
Cô nghiêm khắc nhưng tấm lòng thì rất nhân hậu . Tôi còn nhớ có một ngày hè, tôi cùng người bạn đi lang thang vào trường bắn chim, chợt thấy mấy cây xoài bên nhà cô giáo già tòng teng những trái chín vàng trông phát thèm! Chúng tôi trèo vào hái, hai thằng đang say sưa ăn bỗng thấy cô bước ra, tụi tôi hoảng hồn nhảy xuống đất bị trật chân đi không được. Cô đến thoa dầu rồi bỏ mớ xoài vào bọc, cô nhắc nhở :- Lần sau đừng dại dột nhảy nhưng vậy nguy hiểm lắm các con.
***
Xong Trung học, chúng tôi mỗi đứa một nơi .Tôi vào sư phạm, vừa dạy học vừa làm ruộng phụ giúp gia đình. Ruộng tôi sát bờ kinh có một cái miếu không biết ai dựng đã lâu xung quanh có bóng cây mát mẻ. Xuống thăm ruộng tôi thường ghé vào miếu nghỉ trưa tán gẫu cùng ông lão chăn vịt. Ông thường xuyên ở đây chăm sóc miếu. Ông cũng rất tốt bụng thường hay qua lại phụ giúp tôi dọn cỏ, rải phân, vác lúa… nên riết thành thân với nhau. Không biết ông từ đâu đến, quanh năm chỉ lẩn quẩn trên cánh đồng với đàn vịt, có đứa bé gái theo phụ ông.
Những đêm ông ngủ trong chòi giữ vịt heo hút ngoài đồng tôi thấy tội nghiệp bé Thơm ( tên đứa bé) nên hay rước về nhà nghỉ và dạy chữ. Nó cũng sáng dạ lắm lanh lợi cứ quấn quýt bên vợ tôi mãi. Đôi lần tôi bất chợt thấy ông đứng hằng giờ trước miếu như suy tư tìm kiếm một cái gì. Có mấy lần tôi ngần ngừ định hỏi nhưng nghĩ lại thôi.
Thời gian sau, người ta làm một con lộ mới trên bờ kinh để giúp nông dân đi lại vận chuyển nông sản trong vùng cho dễ dàng. Cái miếu xem như là chướng ngại vật cần phải giải tỏa. Một buổi trưa tôi đi khai nước ruộng, ông ngồi trong miếu kêu lại nhậu lai rai. Tôi ngần ngừ muốn về nghỉ ngơi, giữa trưa nóng bức mà uống rượu như vầy quả là bị trời hành ! nhưng thoáng nhìn gương mặt lão trầm ngâm tư lự tôi bỗng ngại , linh cảm cuộc nhậu hôm nay có gì khác thường .
Đang trò chuyện, ông nhìn con đường rồi bỗng dưng nói một mình “ trước sau rồi cũng phá đi thôi” Tôi ngạc nhiên chưa biết chuyện gì ông nhìn tôi rồi nói luôn: “ tôi ở đây cô đơn chỉ có cậu là bạn, nay muốn nhờ cậu một chuyện, nghề nuôi vịt của tôi rày đây mai đó, đứa con gái đi theo thì bất tiện quá nhưng bỏ nó tôi không biết gửi ai, tôi thấy nó cũng mến vợ chồng cậu, kì này chắc phải đi xa rồi tôi biết cậu là thầy giáo muốn gửi gắm con lại cho cậu dạy dỗ tôi sẽ gửi tiền về chu cấp nó.”
Chuyện quá bất ngờ tôi chưa biết định liệu ra sao, nhưng ông đã gửi niềm tin vào mình trong lòng nghe cũng xúc động. Thật ra vợ chồng tôi chưa có con, nhà cửa lại rộng rãi nuôi một đứa bé cũng không có gì lớn lắm, vả lại bé Thơm cũng là người ngoan hiền đáng thương. Tôi chưa trả lời thì ông nói tiếp “ khuya nay tôi đi. Tôi muốn cậu phụ gấp tôi chuyện này” tôi hồi hộp nhưng ra vẻ thản nhiên “ anh cứ nói”.
- Cái miếu này là thờ những người thân của tôi. Tôi đến đây chăn vịt cũng vì vậy, nay người ta mở đường mở lộ để vậy không tiện. Tôi muốn tự tay phánó đi còn hơn để người ta đến ủi tôi đau lòng lắm. Nhưng phải làm trong im lặng, đừng để dân làng biết nguy lắm, cậu giữ kín chuyện nầy cho tôi được không?”
Từ trước đến giờ làm nghề thầy giáo, đâu rớ vô chuyện động trời này được, tôi giãy nảy “ không được đâu anh ơi ! tôi không quen chuyện nầy, con anh thì tôi nuôi giúp chớ chuyện nầy tôi xin thua.”
Ông lặng im. Chiều xuống hồi nào không hay, tôi định vác cuốc sửa soạn đi về thì ông chụp vai tôi lại nghe đau nhói , đôi mắt long lanh ươn ướt “ tôi gửi cậu cái nầy” ông đưa tôi một gói gì đó không biết.
Từ khi cái miếu bị phá ,người ta cũng không thấy bóng dáng lão chăn vịt trên cánh đồng này nữa…
Tôi nhận đứa trẻ về nuôi như một lời hứa. Tôi kể lại sự tình và đưa cho vợ tôi cái gói của ông “ em xem cái gì trong đó”. Mở ra không ngờ cả một lố vòng, nhẫn sáng loáng vợ tôi hết hồn “ anh nhận làm chi mang tội, ổng nghèo lắm mà, cả xóm ai cũng biết .”
- Tôi đâu có nhận, ổng đưa đại rồi bỏ đi, thôi em cứ giữtừ từ ta tính
Vợ chồng tôi lo cho cháu Thơm chu tất nhưng những tin tức về ông ngày càng lụi dần…
Thỉnh thoảng tôi có đến ngôi trường cũ để dò la tin tức về người cô năm xưa, nhưng giờ thay đổi nhiều quá, tôi không nhận ra ngôi trường cũ nữa. Nó đã trở thành trang trại của một người giàu có chuyên kinh doanh nghề cây kiểng bonsai. Ông chủ lắc đầu khi tôi hỏi về người cô ngày nào… ông nói chỉ biết mua và giao thợ coi sóc nên không rõ bà chủ đất đi đâu!
***
Bẵng đi một thời gian. Hè ấy tôi theo Tâm, bạn dạy chung trường về quê chơi. Đêm sau, Tâm rủ tôi đi dự đám tang bà dì họ xa. Khi thoáng nhìn di ảnh người quá cố trên cỗ quan tài tôi chợt bàng hoàng. Người mất đó chính là cô giáo già thân thương nơi ngôi trường tôi đã học ngày xưa.
Bất ngờ người ra tiếp chúng tôi lại là lão chăn vịt năm xưa… tôi ú ớ còn ông cũng ngỡ ngàng. Lúc sau bình tâm tôi hỏi :
- Anh đi đâu biệt tích tôi không thể liên lạc được, sao anh không lên thăm bé Thơm ?
Ông nói trong nghẹn ngào:
- Tôi nhớ con lắm cũng định lên thăm cháu nhưng nghề chăn vịt của tôi rày đây mai đó, rồi mẹ tôi bệnh liên miên, tôi đang tính lo đám cho má xong thì lên thăm con và cám ơn anh chị.
Rồi ông kể cái miếu trên bờ kinh chính là thờ cha ông cùng một số bà con chết oan ngày xưa trong một trận càn của lính Mỹ nên mẹ ông lập miếu để thờ , gia đình không còn ai ở gần nên ông sống quanh quẩn ở đó để chăm sóc lo nhang khói.
Bất chợt tôi hỏi :
- Sao lúc trước anh không nói cho tôi biết ?
Ông thở dài :
- Biết anh là ai mà nói, nhưng mà nói để làm gì ?…?
Tôi nói : - Những vòng vàng ngày xưa anh gửi cho tôi, tôi còn giữ đủ cả khi nào anh lên tôi trả lại.
Ông ôm đầu bứt tóc : - Trời ơi ! sao anh làm vậy ? tội lỗi cho tôi lắm.
Tôi cầm tay ông: - Mẹ anh chính là cô giáo của tôi ngày trước đã dạy dỗ tôi nên người tôi còn nhớ mãi xem như là người mẹ. Đây là lúc tôi thể hiện tấm lòng của đứa học trò vô tâm với cô mong anh tha lỗi. Trước linh hồn của cô tôi xin tạ lỗi và anh hứa nhận lại số vàng kia thì tôi mới yên tâm, anh nên làm vậy.
Sau nầy mới biết, cô giáo tôi đã tự hiến mảnh ruộng duy nhất của tổ tông để cho con em dân làng có chỗ an tâm học hành và cũng chính vợ chồng cô đã đốn từng cây tre vườn để dựng lên mái trường ngày ấy.
Mùa hè 2005.